Thí chủ đàn-việt có năm công đức

Người xuất gia từ xưa đến nay đều nhờ khất thực nuôi mạng, ôm bát xin ăn mỗi ngày. Tất cả các vật dụng cần thiết cho đời sống tu hành đều do hàng tại gia hiến cúng.

Nhờ chuyên tâm tu tập giới định tuệ, các Tỳ-kheo là ruộng phước cho những người tín tâm hộ trì. Hàng Phật tử cũng nhờ đó mà vun bồi phước đức, tăng trưởng tín tâm. Mùa an cư đến, các Tỳ-kheo ở yên một chỗ thì việc cung cấp bốn vật dụng lại càng cần thiết hơn.

Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để khuyến khích hàng cư sĩ phát tâm hộ trì Tam bảo. Ngài thường nói về công đức của thí chủ để họ hoan hỷ, tinh tấn, nhiệt tâm hộ trì. Với lòng tin trong sạch, hoan hỷ và tự tay bố thí, thấy rõ phước đức của việc đang làm sẽ đem đến cho thí chủ phước báo vô lượng.

“Một thời Phật ở tại thành Tỳ-xá-ly, trong rừng Ma-ha-bà-na, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 500 vị. Bấy giờ Đại tướng Sư Tử đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Như Lai nói với Đại tướng: Thí chủ đàn-việt có năm công đức. Những gì là năm?

- Ở đây, danh tiếng của thí chủ được truyền xa rằng: ‘Tại thôn kia có người ưa bố thí, chu cấp cho những kẻ nghèo thiếu mà không hề tiếc lẫn’. Này Đại tướng, đó là công đức thứ nhất.

- Lại nữa, Đại tướng, khi thí chủ đến trong các chúng Sát-lợi, Bà-la-môn, Sa-môn, không có điều gì sợ hãi, cũng không có điều gì nghi ngờ khó khăn. Này Sư Tử, đó là công đức thứ hai.

- Lại nữa, thí chủ đàn-việt được nhiều người yêu mến, thảy đều tôn sùng kính ngưỡng. Như con yêu mẹ, tâm không rời xa, thí chủ được nhiều người yêu mến cũng vậy.

- Lại nữa, Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, phát tâm hoan hỷ. Do có hoan hỷ mà hân hoan, ý tánh kiên cố; khi ấy tự thân giác tỏ biết có lạc, có khổ cũng không thay đổi hối tiếc, tự biết một cách như thật. Tự biết những gì? Biết có Khổ đế, Khổ tập, Khổ tận, Xuất yếu đế, biết một cách như thật.

- Lại nữa, Trưởng giả Sư Tử, thí chủ đàn-việt khi bố thí, thân hoại mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam, ở đó có năm sự kiện hơn hẳn các chư thiên khác. Những gì là năm? Thứ nhất, dung mạo hào quý, oai thần, ánh sáng. Thứ hai, tự tại với những gì ước muốn, không điều gì mà không thỏa mãn. Thứ ba, nếu đàn-việt thí chủ sanh trong loài người, thường gặp gia đình phú quý. Thứ tư, có nhiều của cải. Thứ năm, lời nói được mọi người nghe theo, làm theo.

Đại tướng Sư Tử sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, lên trước bạch Phật rằng:

- Cúi xin Thế Tôn, cùng với Tăng Tỳ-kheo, nhận lời thỉnh của con.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Sư Tử biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân rồi lui đi”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập 3, phẩm 52. Đại Ái Đạo Bát-niết-bàn, kinh số 6 [trích])

Trong năm công đức của thí chủ thì ba công đức đầu tiên và công đức cuối cùng: Tiếng tốt đồn xa, đến đâu cũng không sợ hãi, được nhiều người yêu mến, khi chết được sanh Thiên, là điều nhiều người đã biết. Người làm được nhiều việc tốt thì ai cũng ngợi khen và tôn trọng. Người thiện lành làm được nhiều công đức, phước báo thì chắc chắn sinh về cõi Trời.

Riêng công đức thứ tư thì sâu kín, ít người biết, đó là lòng vui và dẫn đến chuyển hóa nội tâm. Niềm vui của sự cho đi rất nhẹ nhàng, an yên và sâu lắng. Khi niềm hoan hỷ tràn ngập cả thân tâm, thí chủ chợt nhận ra niềm vui của cho đi hoàn toàn khác với niềm vui được mang về. Vui trong yên lặng, vui rồi thấy ra nhiều hơn về thân, tâm và thế giới. Khi cái thấy đúng như thật được mở ra, cuộc sống cũng như vậy thôi nhưng tươi mới hoàn toàn. Các pháp vận hành theo nhân quả, nhân duyên, vô thường… như trình ra trước mặt.

Thế nên bố thí không chỉ là cho đi và hưởng phước. Bố thí mang đến lòng vui, có thể giúp thí chủ chợt nhận ra con đường thoát khổ và quyết định dấn thân hướng đến buông bỏ, xả ly và chấm dứt sinh tử.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thi-chu-dan-viet-co-nam-cong-duc-post76563.html
Zalo