Chuyến tàu Thanh niên với lòng tri ân và khát vọng phụng sự Tổ quốc

Chương trình 'Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu' không chỉ là một chuyến đi mà sẽ trở thành một mô hình thường niên, lan tỏa tinh thần tri ân, tự hào và khát vọng phụng sự Tổ quốc trong thế hệ trẻ.

Từ ngày 17-20/7, Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức chương trình Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu, kết hợp hội nghị tập huấn công tác Đoàn năm 2025. Chương trình thu hút gần 400 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Hành trình đặc biệt này hướng đến mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc thông qua chuỗi hoạt động tri ân, về nguồn và quảng bá các điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử tại Hà Nội, Quảng Trị và Quảng Bình.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chia sẻ tại chương trình "Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu".

Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chia sẻ tại chương trình "Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu".

Bà Lê Minh Đức - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Chuyến tàu thanh niên - Việt Nam đi để yêu không chỉ là hành trình về nguồn mà còn là hoạt động chính trị - văn hóa ý nghĩa, tạo không gian sinh hoạt tập thể giàu cảm xúc, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của thanh niên trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Quảng Trị anh hùng đến rộng rãi trong cộng đồng thanh niên cả nước.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Minh Đức.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Minh Đức.

Phát biểu trước khi các đoàn lên đường, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đánh giá cao sáng kiến tổ chức hành trình bằng đường sắt kết hợp quảng bá du lịch và văn hóa truyền thống, nhấn mạnh đây là mô hình sáng tạo mang đậm ý nghĩa tri ân và lan tỏa. Ông nhấn mạnh có 3 cảm xúc rất đặc biệt khi thấy các thanh niên chuẩn bị lên đường trong chuyến đi này, đó là: Cảm xúc tri ân - giá trị cốt lõi của hành trình; Cảm xúc tự hào - về đất nước, con người và thế hệ trẻ; Cảm xúc thôi thúc - sống trách nhiệm và hành động vì cộng đồng.

"Tôi ghen tị - theo nghĩa tích cực, khi được thấy các bạn có mặt trong hành trình này. Bởi không phải ai cũng có cơ hội được sống chậm lại giữa nhịp đời hối hả, để lắng nghe những điều thiêng liêng nhất từ lòng đất, từ lịch sử và từ chính con tim mình", Thứ trưởng mở đầu một cách chân thành.

Theo ông, hành trình về nguồn không chỉ là chuyến đi mang tính kỷ niệm mà còn là một trải nghiệm có chiều sâu văn hóa và tinh thần: "Chúng ta đi để tri ân, để hiểu đất nước có được ngày hôm nay là nhờ những hy sinh lớn lao của bao thế hệ đi trước. Mỗi nghĩa trang, mỗi di tích, mỗi ngôi mộ vô danh đều là một câu chuyện chưa kể mà chỉ khi bạn đặt chân tới mới thực sự thấm thía".

Các đại biểu và đoàn thanh niên chụp ảnh lưu niệm trước chuyến về nguồn.

Các đại biểu và đoàn thanh niên chụp ảnh lưu niệm trước chuyến về nguồn.

Thứ trưởng nhấn mạnh tinh thần tự hào dân tộc: "Có lần đi qua tuyến đường sắt Bắc - Nam, tôi bất ngờ khi biết tuyến này được quốc tế xếp hạng là một trong 100 tuyến đường sắt hấp dẫn nhất thế giới. Một điều tưởng như rất bình thường với chúng ta lại là biểu tượng đầy tự hào đối với bạn bè quốc tế".

Ông cũng nhắc đến sự phát triển vượt bậc của đất nước và khẳng định: "Chúng ta không chỉ có một quá khứ hào hùng mà còn có một hiện tại đáng sống và một tương lai đáng mơ ước. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, mỗi người, nhất là các bạn trẻ cần phải ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình".

Chia sẻ với tư cách một người từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực đối ngoại và văn hóa, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho rằng các chuyến đi như thế này chính là cơ hội để hun đúc lý tưởng, hình thành nhân cách sống và đánh thức khát vọng cống hiến: "Hãy đi với trái tim rộng mở và trở về với khối óc đầy trách nhiệm. Đừng để những cảm xúc lắng đọng trong suốt chuyến đi này trôi qua như một kỷ niệm. Hãy biến nó thành động lực sống, thành hành động cụ thể, dù là rất nhỏ".

Kết thúc chia sẻ, ông bày tỏ mong muốn chương trình Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu sẽ không chỉ dừng lại ở một chuyến đi mà sẽ trở thành một mô hình thường niên, lan tỏa tinh thần tri ân, tự hào và khát vọng phụng sự Tổ quốc trong thế hệ trẻ.

Các đại biểu tiễn đoàn thanh niên lên tàu.

Các đại biểu tiễn đoàn thanh niên lên tàu.

Chương trình Chuyến tàu Thanh niên với hành trình về nguồn - Việt Nam đi để yêu:

Tại Hà Nội, chương trình khởi động với lễ khai mạc tại Ga Hà Nội và chương trình giao lưu nghệ thuật trên toa tàu.

Trên đất Quảng Trị, các hoạt động dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, thành cổ Quảng Trị, thăm trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và gặp gỡ Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ mang đến những trải nghiệm xúc động, góp phần giáo dục truyền thống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Tại Quảng Bình, đoàn tham gia học tập thực tế tại Hang Chỉ Huy, khu du lịch Sông Chày - Hang Tối, tiếp cận mô hình du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó, Hội nghị tập huấn công tác Đoàn năm 2025 cũng được tổ chức với các chuyên đề thiết thực như: bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch xanh, ứng dụng công nghệ số và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt, lễ thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc và chiến dịch tình nguyện Hè 2025 khẳng định tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công cuộc phát triển đất nước.

Chương trình văn nghệ chào mừng Đoàn Thanh niên về nguồn:

Tình Lê

Thế Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-tau-thanh-nien-voi-long-tri-an-va-khat-vong-phung-su-to-quoc-2422862.html
Zalo