Theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2024, các cơ quan hành chính đã xử lý 471.229/480.233 đơn tiếp nhận, đạt 98,1%; có 384.135 đơn đủ điều kiện xử lý. Tòa án nhân dân các cấp xử lý 165/165 đơn, có 77 vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã xử lý 105/117 đơn, có 6 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Đặc biệt, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thể hiện rằng, các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.147 vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 81,4%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 73/77 vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 6/6 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kết quả đã kiểm tra, rà soát 806/1.003 vụ việc (80,4%), còn 197 vụ việc (19,6%) các địa phương chưa có kết quả kiểm tra, rà soát. Liên quan đến các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyển đến thì các cơ quan hành chính đã xem xét, giải quyết 448/637 vụ việc (70,3%).
Trong năm 2025, Chính phủ xác định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở. Tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, năm 2024 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt 80%, chưa đạt mục tiêu 85% mà Chính phủ đề ra. Thậm chí, ở các địa phương tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 77,3%, cho thấy cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng mục tiêu “giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở”.
Về kết quả giải quyết tố cáo, theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4% cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy, trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2024, số người đeo bám khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng, phát sinh 307 người so với trước Kỳ họp thứ 8. Trong đó có nhiều đoàn đông người của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.
Ban Dân nguyện nêu rõ: Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ địa phương, nhằm hạn chế việc các công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, Ban Dân nguyện cần theo dõi sát kết quả tiếp nhận, phản ánh, xử lý và giải quyết những khiếu nại, kiến nghị đơn thư tố cáo của các cơ quan, trong đó có khối Quốc hội. Theo đó nên xem các Đoàn ĐBQH đôn đốc, giám sát việc giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo thông qua vai trò của Đoàn ĐBQH. Nếu chỉ chuyển đơn, xong nhắc nhở thì vẫn như thế và hiệu quả sẽ không cao.
Từ thực tế dẫn câu chuyện tại địa phương khi bà từng là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, bà Thanh cho hay: “Có vụ việc kéo dài 22 năm nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cùng với Thanh tra vào cuộc thì đã giải quyết cơ bản xong vụ việc” - bà Thanh nói và cho rằng, cần làm kỹ, sát, đôn đốc, không chỉ theo dõi việc chuyển đơn mà phải theo dõi việc giải quyết đơn và đánh giá được kết quả của các cơ quan, trong đó có khối Quốc hội ở các địa phương.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong năm 2024 và phương hướng trong năm 2025, ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần chú trọng giải quyết đơn thư ngay tại cơ sở để giải quyết dứt điểm, hạn chế được đơn thư vượt cấp. Nhất là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải thực sự công tâm, khách quan, trách nhiệm sai phạm của tập thể, cá nhân phải được xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh, mọi vụ việc nếu được xem xét giải quyết kịp thời, thì tình hình sẽ ổn định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.