'Theo dấu chân Người' - khắc họa sinh động hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt cuốn sách 'Theo dấu chân Người' của Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông).

Cuốn truyện ký "Theo dấu chân Người".

Cuốn truyện ký "Theo dấu chân Người".

Cuốn sách dày gần 600 trang, viết về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài. Từ chàng trai Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng (ngày 5/6/1911), bôn ba khắp 5 châu 4 bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941). Tác giả đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở để sưu tập, ghi chép, đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác khi Người ở nước ngoài.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trình Quang Phú, cách đây 28 năm (năm 1996) khi xuất bản tác phẩm "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng", ông đã mang đến tặng đồng chí Phạm Văn Đồng, được sự gợi ý của đồng chí Phạm Văn Đồng, ông đã nhận lời viết cuốn sách về hành trình 30 năm Bác Hồ tìm đường cứu nước. Từ đó, ông bắt đầu tìm tòi, sưu tập tư liệu, đi đến những nơi Bác Hồ từng đến để thu thập tư liệu, đến nay cũng đã được 1/4 thế kỷ

Ông đến Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô ngày trước và nước Nga ngày nay, Trung Quốc... Có nước như Pháp, Nga ông đến hàng chục lần, vừa đi, vừa sưu tập và ghi chép, rồi đối chiếu… Chuyến đi gần nhất của ông là đến vùng Viễn Đông Liên Xô, chuyến đi gặp rất nhiều khó khăn vì bị cấm vận phải bay nối chuyến, nhưng cuối cùng ông cũng đến được Khabarovsk, Vladivostok và thật thú vị, ở đó còn vẹn nguyên kỷ niệm về Bác. Điều xúc động và thôi thúc ông là cả thế giới dù thể chế chính trị nào cũng đều tôn trọng, dành sự trân quý với Bác, họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Người...

"Với tất cả tình cảm cao cả với Bác, sự thôi thúc của một nhà văn, tôi đã xây dựng nên tập truyện ký "Theo dấu chân Người". Hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc thông tin, tư liệu bổ ích và qua những trang sách này người đọc sẽ hiểu thêm, yêu và học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác", Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, nhà văn Trình Quang Phú đã chọn đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường dài, xuyên suốt trong cuộc đời sáng tác. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn rất trẻ và viết rất nhiều tác phẩm đầy rung động, sâu sắc về Người.

"Theo dấu chân Người" là cuốn truyện ký mà ở đó những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh được nhà văn nhắc đến. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, chân thực, giản dị và có tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi rào cản, nhà văn Trình Quang Phú đã cầm bút, viết về một con người - một nhân vật lịch sử. Và khi đọc cuốn sách này, độc giả như được sống lại thời đại đó, sống cạnh con người, vĩ nhân đó, cuốn sách mang lại những điều kỳ diệu, cảm xúc khác biệt với bạn đọc.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương, nhà văn Trình Quang Phú đã "cam đảm" và dám viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự "cam đảm" của ông bắt đầu từ tình yêu, kính trọng của ông dành cho Người. Ông đã dành nhiều công sức, thời gian, thậm chí cả tiền bạc để tìm kiếm tư liệu và tìm được những tư liệu, cảm giác chính xác nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh… để sáng tác những trang viết hết sức sinh động về Người. Đọc tác phẩm "Theo dấu chân Người", người đọc đều thấy thú vị bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi và có nhiều chi tiết thú vị, bổ ích…

Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú năm nay 84 tuổi, quê ở Phú Yên, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông dành nhiều tình cảm kính trọng đối với Bác Hồ. Đến nay, nhà văn Trình Quang Phú có 6 tác phẩm viết về Bác Hồ gồm: "Miền Nam trong trái tim Người", "Người là niềm tin", "Đường Bác Hồ đi cứu nước", "Theo Bác Hồ đi kháng chiến", "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng" và "Theo dấu chân Người".

P.V

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-theo-dau-chan-nguoi-khac-hoa-sinh-dong-hanh-trinh-30-nam/d2024082615577624.htm
Zalo