Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn

Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ hiện vẫn còn nhiều 'địa chỉ đỏ' hấp dẫn, ý nghĩa không kém các di tích nổi tiếng, đặc biệt là các di tích liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngay giữa lòng Sài thành nhộn nhịp có một cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, đó là ngôi nhà nhỏ ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3).

Ít ai ngờ rằng, dưới sàn nhà của một thương gia vật liệu xây dựng - chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (Năm Lai) lại có một căn hầm kiên cố chứa vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Căn hầm rộng khoảng 37m2, cao 2,5m, tường và nền đúc bê tông dày, được ngụy trang khéo léo để chứa 2 tấn vũ khí, đạn dược nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Năm 1988, di tích “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Được thành lập năm 2019, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm trong căn nhà 3 tầng ở số 145 Trần Quang Khải (quận 1) là bảo tàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tài liệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Tới đây, du khách có cơ hội xem và tìm hiểu hàng trăm hiện vật quý như các loại vũ khí và vật dụng sinh hoạt của chiến sĩ biệt động, những chiếc xe đã dùng trong các trận đánh lịch sử...

Đặc biệt, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định còn liên kết với các di tích biệt động khác trong thành phố để tạo nên một mạng lưới điểm đến cho khách tham quan. Nhờ cách làm sáng tạo, tour “Biệt động Sài Gòn” hiện rất thu hút các bạn trẻ và cả du khách nước ngoài yêu thích lịch sử.

Quán phở Bình

Quán phở Bình nằm ở số 7 Lý Chính Thắng (quận 3) được nhiều du khách biết tới không chỉ bởi hương vị phở thơm ngon mà còn là một “địa chỉ đỏ” lừng lẫy. Bên trên quán phở có một căn gác gỗ, là nơi diễn ra những cuộc họp mật chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Quán phở Bình hiện vẫn giữ nguyên được kiến trúc xưa cùng nhiều hiện vật lịch sử như bản đồ tấn công Sài Gòn, máy đánh chữ, tờ truyền đơn, chiếc radio cũ... Với những giá trị đặc biệt, năm 1989, quán phở Bình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khánh Vi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/theo-dau-chan-biet-dong-sai-gon-700719.html
Zalo