Theo chân nông dân Tây Nguyên băng rừng hái 'lộc trời' dịp cận Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân Kon Tum lại rộn ràng rủ nhau 'bươn rừng, vượt suối' săn các loại đặc sản. Đây cũng là nguồn thu đáng kể của người dân dịp giáp tết, tuy nhiên để hái được các loại 'lộc trời' này cũng khá vất vả và nguy hiểm.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp theo chân những người dân tộc thiểu số tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) lên núi săn “lộc trời”. Theo đó, để có thể tìm thấy những loại đặc sản như đọt mây, sâu tre, chuối hột rừng người dân phải cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ qua những triền đồi và lội qua những con suối nhỏ.

 Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân Kon Tum lại rộn ràng rủ nhau “bươn rừng, vượt suối” săn các loại đặc sản

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân Kon Tum lại rộn ràng rủ nhau “bươn rừng, vượt suối” săn các loại đặc sản

Sau gần 3h đồng hồ “cuốc bộ”,nhóm của anh A Niêm (41 tuổi, trú tại làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi) đã tìm thấy đặc sản đọt mây rừng. Theo anh Niêm, mây rừng là loại thân leo, bao bọc bên ngoài thân mây là một lớp vỏ gai dày đặc. Vậy nên, người đi lấy đọt mây, ngoài yêu cầu thông thuộc địa hình còn phải biết rõ vị trí nào trong rừng có nhiều mây mọc. Thường người đi lấy đọt mây sẽ phân cây mây ra thành nhiều khúc ngắn rồi kéo tuột dần xuống. Khi kéo, cần hết sức thận trọng vì mây có nhiều dây gai dài móc vào các nhánh cây xung quanh.

Nếu như trước đây, người dân lấy đọt mây chỉ để gia đình ăn thì những năm gần đây, nhiều người tìm mua nên bà con trong làng thường lên núi chặt đọt mây về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cũng vì vậy, các ngọn núi gần nhà đọt mây cũng ít dần, bà con phải di chuyển đến các ngọn núi xa hơn.

 Anh A Niêm chặt đọt mây rừng

Anh A Niêm chặt đọt mây rừng

“Bình quân mỗi chuyến đi như vậy, mỗi người kiếm được từ 30 - 40 bó đọt mây. Mỗi bó từ 5 - 7 đọt, giá bán 30.000 đồng/bó; trung bình kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Một phần số tiền này dùng mua gạo, mắm, muối, cá khô phục vụ chuyến đi tiếp theo, còn lại để dùng chi tiêu trong gia đình, mua sắm Tết”, anh A Niêm chia sẻ.

Ngoài mây rừng, nhóm của anh A Niêm còn tìm kiếm sâu tre. Sở dĩ gọi là sâu tre, bởi loài sâu này thường làm tổ bên trong thân tre, chúng dùng bột tre làm thức ăn để sinh trưởng. Trước đây, sâu tre thường được xem như quà tặng đầy ý nghĩa của chàng rể dành cho bố mẹ vợ. Bây giờ nó thành món ăn đặc sản của người dân ở xã Rờ Kơi.

 Sâu tre món ăn đặc sản của người dân xã Rờ Kơi

Sâu tre món ăn đặc sản của người dân xã Rờ Kơi

“Sâu tre thường xuất hiện nhiều nhất vào những tháng cuối năm. Đây là thời điểm cây tre non mơn mởn, tạo cơ hội cho quá trình sản sinh sâu tre. Sâu tre có màu trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay. Không phải ai cũng có cơ hội bắt được loại sâu này, bởi sâu chỉ sinh trưởng trong khoảng vài tháng thời điểm cuối năm. Vì vậy quan trọng là phải nắm bắt được chu kỳ sinh sản của loài sâu tre để thu hoạch, tránh phải đi về tay không. Trung bình mỗi một lần đi anh lấy được 2 - 3kg sâu. Với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg sâu, anh sẽ kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng”, anh Niêm chia sẻ.

Tương tự nhóm của anh Niêm, anh A Chuy (29 tuổi, ở làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi) cũng lên rừng tìm đặc sản dịp cuối năm. Tuy nhiên, vợ chồng anh Chuy lại chọn chặt chuối rừng. Theo đó, gần như năm nào cũng vậy cứ đến dịp cận Tết, 2 vợ chồng anh A Chuy lại lên núi tìm chuối rừng kiếm tiền mua sắm quần áo, giày dép cho con.

 Ngoài đọt mây và sâu tre, một nhóm người khác lại chọn lên núi chặt chuối rừng

Ngoài đọt mây và sâu tre, một nhóm người khác lại chọn lên núi chặt chuối rừng

Cũng là nghề hái “lộc trời” dịp cuối năm, nhưng người dân các huyện Kon Rẫy và Kon Plông (tỉnh Kon Tum) lại chọn cây đót. Theo đó, cứ vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 (dương lịch) là cây đót nở rộ. Vào mùa này, bà con thường dừng mọi công việc ngày mùa, vào rừng đi hái đót, kiếm thêm thu nhập sắm Tết.

Theo kinh nghiệm của những người đi hái đót, thời gian đót trổ bông thường khoảng từ 30 đến 45 ngày, nên muốn kiếm cơm từ thứ “lộc trời” này phải chạy đua với thời gian.

 Những ngày giáp xuân cũng là thời điểm mà người dân rộn ràng vào mùa hái đót

Những ngày giáp xuân cũng là thời điểm mà người dân rộn ràng vào mùa hái đót

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Hành (42 tuổi, trú tại thôn 4, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy): “Khi vụ mùa cà phê xong cũng là lúc những bông đót nở, nên tôi và các con phải tranh thủ đi kiếm đót. Mỗi chuyến đi cũng phải được vài trăm nghìn, đây là nguồn thu đáng kể của người dân dịp giáp tết. Tuy nhiên để hái được những bông đót cũng khá vất vả và nguy hiểm. Bởi thời gian gần đây, đót cũng đã khan hiếm nên bà con phải leo lên những vách đá hay vào tận rừng sâu mới có đót”.

Không chỉ những người đi bóc đót, người đi phơi đót thuê cho thương lái cũng tấp nập vào vụ. Việc phơi đót thuê cũng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, hiện cây đót ở vùng Tây Nguyên vẫn còn là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả. Chính vì vậy, việc thu hoạch nguồn lợi này còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác hiệu quả nhằm tạo ra giá trị cao...

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/theo-chan-nong-dan-tay-nguyen-bang-rung-hai-loc-troi-dip-can-tet-post331923.html
Zalo