Thêm yêu quê hương và khát vọng cống hiến từ tấm gương tiền bối cách mạng tiêu biểu Hoàng Đình Giong

Cao Bằng - mảnh đất địa đầu Tổ quốc giàu truyền thống cách mạng đã tôi luyện và hun đúc nên những con người có lối sống mộc mạc, cần cù, kiên cường, gan dạ, sẵn sàng hy sinh vì đất nước và luôn hướng về nguồn cội. Bởi vậy, suốt chiều dài hơn 4.000 lịch sử của dân tộc, mảnh đất biên cương xa xôi này thời nào cũng có những anh hùng, danh tướng, hiền tài… đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Nhiều người con ưu tú của Cao Bằng là những chiến sỹ cộng sản kiên trung, tiêu biểu của Đảng, trong đó có đồng chí Hoàng Đình Giong - một trong những đảng viên Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh, người sáng lập, rèn luyện và xây dựng Đảng bộ Cao Bằng.

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong là một trang sử vẻ vang, tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản yêu nước; nhà hoạt động cách mạng chân chính, cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và quân đội nhân dân Việt Nam, một người con tiêu biểu của quê hương cách mạng Cao Bằng, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời…”. (Báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1/2/1942 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002). Lịch sử là một cuốn sách dày trải dài qua hàng thập kỷ và nhiều thế hệ, là tấm gương phản chiếu con người và xã hội; những bài học, những câu chuyện lịch sử luôn lắng đọng trong mỗi người đọc niềm kính trọng, tự hào về các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, dựng xây nên một đất nước Việt Nam thanh bình. Chính vì vậy, ngay từ khi còn bé, những cuốn sách về lịch sử luôn có sức cuốn hút đối với tôi. Và thật tình cờ, tôi được tiếp cận cuốn sách Hoàng Đình Giong - cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904 - 1947) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, xuất bản năm 2014. Tác phẩm đã khắc họa đầy đủ về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong - nhà Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, một người Cộng sản trung kiên, một người con ưu tú của quê hương cách mạng Cao Bằng. Đây là một quyển sách viết về một nhân vật lịch sử nhưng mang đến cho người đọc nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, sự đóng góp lớn lao của mỗi vị tiền bối lão thành cách mạng; đồng thời mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa mà mỗi người sẽ tự cảm nhận được theo cách riêng của mình. Tác phẩm đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, sự quyết tâm rèn luyện trong học tập, sự khát khao cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Cuốn sách dày 258 trang, in khổ 14,5 x 20,5 cm với kết cấu 10 chương ghi lại cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong. Lật giở từng trang đầu tiên của cuốn sách, người đọc đã bị cuốn hút bởi bút tích của cố Đại tướng Võ Nguyên giáp. Đại tướng đã viết: "Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp… Chúng ta hãy noi gương đồng chí Hoàng Đình Giong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi lục tiêu cách mạng do Bác Hồ và Đảng ta đã chọn mà đồng chí Hoàng Đình Giong cũng như biết bao chiến sỹ cách mạng đã chiến đấu quên mình vì mục tiêu cao cả ấy”. Những câu từ mộc mạc, chân tình của cố Đại tướng không chỉ là niềm vinh dự và tự hào đối với gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong mà còn là niềm tự hào của quê hương cách mạng Cao Bằng.

Cuốn sách được chia làm nhiều phần: Hoàng Đình Giong thời niên thiếu và tuổi trẻ (1904 - 1925); Những năm tháng hoạt động cách mạng trong nước (1926 - 1927); Hoạt động tại nước ngoài, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xây dựng Đảng bộ Cao Bằng (1927 - 1932); Chỉ đạo các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hải Phòng, Quảng Ninh trong những năm 1933 - 1936; Đấu tranh trong nhà tù đế quốc, khôn khéo thoát khỏi ngục tù về nước hoạt động cách mạng (1936 - 1945); Chỉ huy bộ đội Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược; Tư lệnh Khu 9 và những quyết định mang tầm chiến lược (12/1945 - 11/1946); Hành trình ra bắc - Tư lệnh Khu 6 hy sinh anh dũng; hạnh phúc gia đình - tình cảm cách mạng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng. Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước. Ngay từ bé, ông đã bộ lộ rõ tư duy thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là ông rất chăm chỉ đọc sách, sau đó kể lại cho các bạn cùng trang lứa về lịch sử đất nước, về những tấm gương anh hùng nhỏ tuổi... lồng ghép trong các bài văn về tư tưởng yêu nước. Những năm 1923 - 1924, khi học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Cao Bằng, Hoàng Đình Giong được biết tới là cậu học trò thông minh, chăm chỉ và luôn trong tốp học sinh đứng đầu lớp. Khi học lớp nhất, Hoàng Đình Giong được tiếp xúc với thơ ca yêu nước, như: Chiêu hồn nước, Lưu cầu huyết lệ tân thư... Qua những áng thơ văn đó, Hoàng Đình Giong đã nâng cao hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là được hun đúc thêm lòng yêu nước và ý chí căm thù bọn thực dân cướp nước.

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí luôn bộc lộ rõ khí chất và tài năng của người cách mạng, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện, dìu dắt. Khi Nam Bộ kháng chiến, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chỉ huy Trưởng Đội quân Nam tiến, đồng chí Hoàng Đình Giong đã thể hiện rõ là một người vừa có văn, vừa có võ, lại vừa có đức, xứng với tên Võ Văn Đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt. Đồng chí là tấm gương sáng ngời của người cộng sản, đồng chí Hoàng Đình Giong đã sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua từng trang sách, lắng đọng trong tôi là hình ảnh người chiến sỹ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước. Nổi bật là tinh thần trách nhiệm, là ý thức tổ chức, kỷ luật và tuyệt đối phục tùng, chấp hành sự phân công của tổ chức. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết; sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân đặc biệt yêu mến, tin tưởng, cảm phục. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man, tìm mọi cách dụ dỗ, nhưng đồng chí vẫn hiên ngang tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Biết không thể khuất phục được ý chí sắt đá của người cộng sản, thực dân Pháp đã đày đồng chí đi khắp các nhà tù đế quốc. Đồng chí cùng với các đồng chí của mình đã biến các “địa ngục trần gian” thành trường học cách mạng, nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời sáng lập và lãnh đạo chi bộ Cộng sản trong nhà tủ Sơn La. Trong những năm tháng bị đế quốc đày đi biệt xứ, đồng chí vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước. Cuộc đời 43 năm của đồng chí tuy không dài nhưng đầy chiến công và tự hào. Đồng chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đi vào lịch sử - một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chỉ huy quân sự giàu bản lĩnh và kinh nghiệm, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Tuy là cuốn sách viết về đề tài về lịch sử, nhưng đối với tôi nó thực sự truyền cảm hứng bất tận và sự nỗ lực phấn đấu hơn trong cuộc sống. Nhà văn kiệt xuất của nền văn học nước Nga Macxim Gorki đã từng nói "Sách mở rộng trước mắt ta những chân trời mới". Quả vậy, khi đọc một cuốn sách hay sẽ mang đến cho ta rất nhiều kiến thức bổ ích về cuộc sống xung quanh. Những câu từ, mốc thời gian về một nhân vật lịch sử tưởng chừng như khô cứng trong cuốn sách này lại là những bài học về sự nỗ lực vươn lên, tinh thần học tập, ý thức trách nhiệm về cuộc sống; và hơn cả là tình yêu quê hương, đất nước bất diệt của một liệt sỹ, một nhà tiền bối cách mạng tiêu biểu. Ngay từ bé khi mang trong mình tình yêu nước, muốn cống hiến, muốn đấu tranh để làm được một việc gì đó cho quê hương, đất nước, bản thân đồng chí Hoàng Đình Giong đã gặp nhiều khó khăn trong việc học tập do bị chèn ép, ảnh hưởng đến gia đình, tương lai bản thân nhưng đồng chí không bỏ cuộc, không từ bỏ lý tưởng cao đẹp của mình, mà với lối sống tích cực phải nỗ lực vượt lên khỏi mọi khó khăn, tiếp tục dạy chữ, truyền bá tư tưởng lòng yêu nước, đồng chí đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để được sống với lý tưởng, với hoài bão của mình.

Chính lối sống tích cực, trách nhiệm, khát vọng cống hiến của nhân vật đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người đọc, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi. Qua từng trang sách, tôi càng hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, giá trị của nền hòa bình, của “tự do, ấm no, hạnh phúc” mà biết bao thế hệ cha ông đã đánh đổi cả thanh xuân, xương máu của mình giành được. Qua cuốn sách, tôi hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong là một trang sử vẻ vang, tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản yêu nước. Với tinh thần tự học, tự rèn luyện, bằng nhiệt huyết xông pha trong thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, đồng chí là nhà hoạt động cách mạng chân chính, cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng. Từ cuốn sách mà tôi đã hiểu tại sao ngôi trường đào tạo cán bộ lớn của tỉnh vinh dự được mang tên Trường Chính trị Hoàng Đình Giong; con đường đẹp nhất thành phố Cao Bằng cũng mang tên Hoàng Đình Giong.

Thật tự hào về quê hương Cao Bằng, mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra một người con ưu tú, một tấm gương sáng ngời để lớp lớp thế hệ hôm nay học tập. Gấp cuốn sách lại, đọng lại trong tôi rất nhiều cảm xúc về một nhân vật anh hùng, đồng thời mở ra biết bao ước mơ và hoài bão. Khi sinh ra tôi đã may mắn sống trong một môi trường hòa bình, được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Để góp phần dựng xây đất nước, quê hương, chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc học tập, lao động; cần phải biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn trong cuộc sống. Khát vọng cống hiến chính là mục tiêu, vừa là động lực để phấn đấu và rèn luyện trong học tập cũng như trong cuộc sống để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu có một tình yêu đặc biệt đối với sách báo, Bác tìm đọc sách báo từ rất sớm và đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống và hoạt động của Bác Hồ, Bác Hồ là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta noi theo về văn hóa đọc. Đối với Bác, việc đọc sách, báo, tạp chí… là phương thức quan trọng, trực tiếp của việc tự học để tự mình tích lũy tri thức, rèn luyện tư tưởng, thực hành đạo đức để nên người và làm người. Nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon cũng đã khẳng định: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Sách đem lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người, một cuốn sách hay giúp chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống; dạy chúng ta cách làm người, dạy chúng ta luôn phải học tập, rèn luyện và phát triển bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội; dạy chúng ta chinh phục mọi khó khăn để chạm đến thành công. Mong rằng tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ cần nỗ lực đọc sách để không ngừng phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhận thức và nhân cách, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu.

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/them-yeu-que-huong-va-khat-vong-cong-hien-tu-tam-guong-tien-boi-cach-mang-tieu-bieu-hoang-dinh-giong-3172998.html
Zalo