Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần: Biểu tượng cho trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Chiều ngày 22/12/1944 mãi đi vào lịch sử của QĐND Việt Nam, với sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Trước ngày thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: 'Trong vòng một tháng, phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội' và đặc biệt là 'Trận đầu ra quân phải đánh thắng'.

34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ăn một bữa cơm chiều trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt ngày 24/12/1944. Ảnh: Tư liệu

34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ăn một bữa cơm chiều trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt ngày 24/12/1944. Ảnh: Tư liệu

Như vậy, có thể thấy, trận đánh đầu tiên đối với Đội cực kỳ quan trọng. Thắng lợi của nó sẽ có tác động rất lớn tới tinh thần của các đội viên và thúc đẩy phong trào cách mạng trong vùng. Quán triệt và thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 11/1944, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ban Chỉ huy Đội vừa được hình thành (gồm các đồng chí: Hoàng Sâm, Xích Thắng, Hoàng Văn Thái) đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên.

Ban Chỉ huy Đội quyết định: “Những hoạt động đầu tiên của Đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của giặc, phải đánh thắng thật giòn giã để khuếch trương thanh thế”. Tuy vậy, Đội vừa thành lập chưa lâu, công tác huấn luyện chiến đấu chưa nhiều, vũ khí còn thô sơ nên gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, đồng chí Hoàng Văn Thái kể lại: “Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà quan trọng nhất là: Đánh vào đâu và đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ lại có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta ít bị tổn thất về người và vũ khí?”.

Một số vị trí địch đóng quân được lựa chọn và đưa ra để bàn bạc, trong đó có các đồn: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt. Đồng chí Võ Nguyên Giáp phân tích: “Đồn Nà Bao chúng đóng trên đồi tương đối xa dân. Nếu đánh ở đấy, nó khủng bố chắc cũng có nhưng ít hơn. Nhưng ở đấy thì khó nắm tình hình địch. Còn đồn Nà Ngần chúng nó đóng trong nhà dân, cơ sở quần chúng tốt. Ta biết được tình hình địch ra vào, nhưng lực lượng địch ở đây mạnh về quân số, về trang bị. Đồn Phai Khắt nhiều thuận lợi hơn cả. Cơ sở quần chúng ta vững, tình hình địch ta biết rõ, tiến thoái cũng dễ”.

Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Đội đã quyết định chọn đồn Phai Khắt để đánh trận đầu và tiếp ngay sau đó là đánh đồn Nà Ngần. Đồn Phai Khắt vốn là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc. Nếu đánh vào đây, khi địch khủng bố, rất có thể chúng sẽ tàn sát cả gia đình đồng chí Lạc. Khi được Ban Chỉ huy hỏi ý kiến về vấn đề này, đồng chí Nông Văn Lạc khẳng khái quả quyết: Đây là nhiệm vụ của cách mạng giao, nên dù có tổn thất cả gia đình mà thu được thắng lợi cho cách mạng thì cũng quyết tâm thực hiện.

Theo đúng kế hoạch, 15 giờ, ngày 24/12/1944, toàn Đội hành quân. Đến 3 giờ sáng ngày 25/12/1944 thì đến Kim Mã. Đội dừng lại thay đổi quần áo, cải trang thành lính dõng, giấu quân trên quả núi sau đồn địch, cách đồn chừng 1.000m. Tham gia trận đánh Phai Khắt, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân không đủ 34 người vì có một số đồng chí đi công tác chưa về kịp. Đội có sự hỗ trợ của lực lượng du kích địa phương và một số cán bộ Việt Minh xã Tam Kim.

Trận đánh diễn ra nhanh gọn. Từ khi vào đồn đến khi thắng lợi trong vòng 30 phút. Kết quả, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên. Ngay trong đêm ngày 25/12/1944, toàn Đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), đóng quân trên một ngọn đồi. Tại đây, Đội tiến hành chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm rút kinh nghiệm trận vừa qua, biểu dương các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh trận Phai Khắt, được tăng cường thêm một số ít súng đạn. Ban Chỉ huy Đội thống nhất kế hoạch đánh đồn: Cải trang giả làm một toán lính dõng, lính khố đỏ đang dẫn giải cộng sản đến giao nộp cho quan đồn.

Khoảng 7 giờ sáng, cả Đội do đồng chí Thu Sơn dẫn đầu tiến vào trong đồn. Trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút. Ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng, khá nhiều đạn và một thanh kiếm.

Di tích đồn Phai Khắt (thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km), là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập. Ảnh: Xuân Bình

Di tích đồn Phai Khắt (thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km), là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập. Ảnh: Xuân Bình

Bằng lối hóa trang kỳ tập, hai trận diễn ra nhanh gọn, ở hai địa điểm cách nhau khoảng 15km. Đây là hai trận đánh có tổ chức và có kế hoạch tương đối toàn diện trên các mặt công tác: Tham mưu, chính trị, hậu cần. Đội đã vận dụng sáng tạo những nguyên tắc chiến thuật mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết trong các tài liệu huấn luyện từ những năm 1941-1942. Ban Chỉ huy Đội đã biết phát huy ưu thế về sức mạnh chính trị tinh thần của một đội quân kém địch về trang bị vũ khí, phát huy tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo để giành thắng lợi.

Hai trận đầu cũng cho thấy nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Đó là về chọn mục tiêu và thời điểm tiến công. Về chọn mục tiêu, trên cơ sở phân tích tình hình địch-ta, Ban Chỉ huy Đội đã chọn hai đồn với lực lượng tương đối mỏng; địch lại tỏ ra chủ quan, canh gác bố phòng có điểm sơ hở. Hai đồn cách xa nhau và cách xa châu lỵ Nguyên Bình-trung tâm chỉ huy của địch. Do đó, ta có điều kiện không gian và thời gian để giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt vào lúc 17 giờ là khoảng thời gian địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; tiến công đồn Nà Ngần lúc 7 giờ sáng khi địch vừa ngủ dậy.

Hai chiến thắng liên tiếp của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có ảnh hưởng to lớn về chính trị trong tình hình lúc đó: “Như ngọn roi lửa của nhân dân Cao-Bắc-Lạng quật vào mặt quân thù sau một năm bị khủng bố trắng đẫm máu”. Đối với cán bộ, chiến sĩ trong Đội, hai chiến thắng đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi. Đồng chí Thịnh Nguyên-lão thành cách mạng, một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân khẳng định: “Hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần làm cho thanh danh của Giải phóng quân lan rộng và ảnh hưởng chính trị khắp vùng. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng đội quân cách mạng có hành động xuất quỷ nhập thần”. Hơn thế, toàn Đội đã thu được những kinh nghiệm quý báu đầu tiên cả về chính trị, quân sự. Hai trận Phai Khắt và Nà Ngần đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu và đánh liên tục của Quân đội ta.

Chiến thắng trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” của QĐND Việt Nam và viết tiếp truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một mốc son lịch sử. Đây là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần dân tộc, của ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết chiến thắng giặc ngoại xâm của quân và dân ta. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mãi mãi là biểu tượng của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, vận dụng và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đăng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-phai-khat-na-ngan-bieu-tuong-cho-tri-tue-va-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-thoi-dai-ho-chi-minh-post482408.html
Zalo