Thêm yêu bảo vật quốc gia trên những trang sách
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có hàng nghìn di sản văn hóa, trong đó có những di sản đặc biệt quý hiếm đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Với mong muốn đưa bảo vật đến gần hơn những người yêu di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã biên soạn cuốn sách “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia” (NXB Văn hóa dân tộc, 2021). Cuốn sách đã đoạt giải C Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI, năm 2023.
“Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia” giới thiệu đến bạn đọc 20 bảo vật trải dài hơn 2.000 năm lịch sử. Các bảo vật được sắp xếp theo tiến trình thời gian giúp người đọc có cái nhìn thống nhất, logic về sự xuất hiện và giá trị của chúng trong lịch sử của dân tộc. 20 bảo vật quốc gia này chính là “điểm nhãn” ấn tượng và cuốn hút, đại diện xứng đáng cho gần 300 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đến nay.
Qua cuốn sách, người đọc sẽ được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chi tiết về các bảo vật quốc gia. Ví như khi nhắc đến trống đồng Ngọc Lũ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cuốn sách giới thiệu: “Trống Ngọc Lũ là trống đẹp nhất trong những trống đồng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Trống có patin màu xanh xám gồm 4 phần: Mặt, tang, thân và chân trống. Hoa văn trang trí tập trung ở mặt, tang và thân. Giữa mặt trống là hình mặt trời 14 tia, xung quanh đúc chìm 16 băng hoa văn”. Hay như Ấn Sắc mệnh chi bảo: “Làm bằng chất liệu vàng 10 tuổi, gồm hai phần: Quai ấn và ấn. Quai được tạo hình rồng, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng”.
Tiếp cận cuốn sách “Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, người đọc như được đi xuyên qua những lớp lịch sử dài rộng của đất nước. Những câu chuyện lịch sử bằng hiện vật có giá trị “vàng mười” được hiển hiện ngay trước mắt. Một thời tưởng như quá vãng lại trở lại đầy xúc cảm và thiêng liêng. Cũng là “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày trên hai trang giấy màu ngà không có dòng kẻ ấy thôi mà vang lên trong ta “lời hịch, cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân; khơi dậy truyền thống anh hùng dân tộc; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc nhất định thắng lợi; là mệnh lệnh tiến công cách mạng cổ vũ, động viên nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến”.
Không chỉ mang đến những thông tin đầy đủ về các bảo vật, cuốn sách còn hấp dẫn người đọc chính bởi cách thiết kế tinh tế nhằm tôn vinh hiện vật. Sách được in màu, giấy láng chất lượng cao nên hiệu quả tính thẩm mỹ mang lại rõ ràng. Sau mỗi thông tin về hiện vật được cung cấp, người đọc sẽ ấn tượng ngay với trang minh họa bằng ảnh độc đáo. Cả một trang đôi có màu đen huyền bí dường như xóa nhòa những ranh giới cảm xúc của thị giác. Chỉ còn lại là những ấn tượng tập trung đậm nét vào hình ảnh bảo vật quốc gia được chụp lại qua những góc cạnh đầy đủ các chiều kích. Những hình ảnh bảo vật trong cuốn sách đã chạm vào cảm xúc bất ngờ, ngỡ ngàng và ham thích khám phá nơi người đọc.
“Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia” đã giúp người đọc hiểu được phần nào những giá trị hiển lộ cũng như tiềm ẩn mà người xưa gửi gắm qua 20 bảo vật quý hiếm. Cuốn sách còn mang hàm ý thông điệp giáo dục, nhắc nhớ trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.