Thêm nhiều người trẻ suy thận giai đoạn cuối
Khoa Thận nhân tạo tại các bệnh viện đang tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân trẻ tuổi phải lọc máu, lọc màng bụng để duy trì sự sống vì suy thận giai đoạn cuối.
Bác sĩ cảnh báo, lối sống thiếu khoa học và tình trạng tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh đang khiến nhiều người bị suy thận.
Theo ước tính của Hội Lọc máu Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính được phát hiện mỗi năm khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu (chiếm 0,1 % dân số). Tỷ lệ tử vong do bệnh suy thận mạn tính đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên cả nước.
Tại nhiều bệnh viện ở TPHCM, hơn 10 năm trước hầu hết bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối là người lớn tuổi. Hiện nay, số bệnh nhân trẻ bị suy thận có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đầu năm đến giữa tháng 3/2024, khoa đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 người dưới 35 tuổi, chiếm 15%.
Tình trạng tương tự được ghi nhận tại Khoa Nội thận Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân và Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Thống Nhất TPHCM với 1/3 lượng bệnh nhân bị suy thận mạn tính là người dưới 40 tuổi. Các bác sĩ cho biết, điểm chung của nhóm bệnh trẻ tuổi khi vào viện kiểm tra đều đã ở mức độ suy thận rất nặng - giai đoạn cuối.
N.T.T.L (22 tuổi, ngụ tại Bình Dương) đến Khoa Lọc máu Nội thận Bệnh viện Bình Dân thăm khám trong tình trạng cơ thể bị phù, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Trước đó, nữ bệnh nhân đã sử dụng một sản phẩm thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc mua trên mạng xã hội. Chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng. Để duy trì sự sống, nữ bệnh nhân đang phải chạy thận định kỳ mỗi tuần 3 lần.
Để phòng ngừa bệnh suy thận mạn, PGS Nguyễn Bách khuyến cáo: “Mỗi người nên khởi đầu ngày mới bằng 300ml nước. Quan sát nước tiểu nếu không trong mà có màu vàng nghĩa là uống chưa đủ nước, nếu có màu đỏ hoặc nổi bọt bất thường phải khám ngay. Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, cân đối giữa đạm thực vật và đạm động vật trong chế độ ăn, không tiêu thụ nhiều muối, hạn chế ăn thức ăn đóng gói sẵn. Không tự ý sử dụng thuốc trị bệnh, khi gặp vấn đề bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện thăm khám và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ”.
Một trường hợp khác là anh L.V.H (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) hiện mỗi tuần phải vào Bệnh viện Thống Nhất chạy thận định kỳ 3 lần. Nam bệnh nhân cho biết, trước khi được chẩn đoán suy thận mạn tính, anh hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.
Tuy nhiên chỉ sau vài ngày có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt vào bệnh viện kiểm tra, anh choáng váng khi được bác sĩ chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối.
Từ vai trò trụ cột gia đình, hiện anh trở thành gánh nặng với vợ con khi mỗi tháng phải chi trả khoảng 10 triệu đồng cho việc chạy thận và điều trị.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Thống Nhất, cho biết, tình trạng bệnh nhân bị suy thận mạn tính đang tăng cao ở người trẻ. Một số nguyên nhân dẫn đến suy thận là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, gout, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không hợp lý.
Ngoài các yếu tố về bệnh lý, nhiều người trẻ hiện nay rất chủ quan, cứ thấy ho, cảm, sốt là tự ý ra nhà thuốc tây mua về uống mà không cần khám bệnh, không cần chỉ định của bác sĩ.
Nhiều người còn tự ý sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc (nguy cơ quá liều hoặc thuốc bị pha trộn tân dược) đã dẫn tới hậu quả suy gan, suy thận nguy hiểm tính mạng.