Thêm đất diễn, cơ hội cho diễn viên trẻ
Nhiều diễn viên trẻ đã tỏa sáng tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ
Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024 có 33 vở diễn dự thi, trong đó đề tài lịch sử và cách mạng chiếm ưu thế. Đáng chú ý có đến 12 đơn vị ngoài công lập tham gia (năm 2021 chỉ có 7 đơn vị).
Tạo đất diễn cho diễn viên trẻ
TP HCM có 12 vở diễn tranh tài, trong đó 10 vở của các đơn vị ngoài công lập, nhiều vở diễn đã thu hút khán giả như "Tây Sơn nữ tướng" (Sân khấu Sen Việt), "Hào kiệt Lam Sơn" (Công ty Thiên Long), "Người ven đô" (Công ty Song Việt), "Người mang chín án tử" (Công ty Giải trí We), "Truyền tích Cổ Loa xưa" (Công ty Bảo Sơn), "Anh hùng đất phương Nam" (Công ty Giải trí Vũ Luân), "Lưu vong - Khí tiết một trung thần" (Công ty Hồng Lạc Xuân)...
Đáng ghi nhận là các đạo diễn đã đầu tư cho thế hệ diễn viên trẻ, giúp họ có thể tỏa sáng qua liên hoan này. Các vở sử Việt được khán giả khen ngợi nhiều là: "Người mang chín án tử" (đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ) đã chăm chút cho Hoàng Hải, Thy Trang, Thy Phương; vở "Người ven đô" khẳng định thêm tài năng hóa thân đa dạng của NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Lê Tứ. Hoặc nghệ sĩ Bình Tinh, Nguyễn Minh Trường, Hoàng Quốc Thanh một lần nữa khẳng định vị thế tên tuổi được khán giả yêu thích qua các vai diễn hay trong vở "Tây Sơn nữ tướng".
Một tín hiệu vui khác là một số đơn vị công lập tham gia đến 2-3 vở, như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ("Khúc tráng ca thành Gia Định" và "San hô đỏ"); Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ("Đồng chí" và "Ánh nhật nguyệt"); Nhà hát Cải lương Hà Nội ("Xuân Hương nữ sĩ", "Muôn dặm vì chồng")…
Các đơn vị thuộc khu vực ĐBSCL trong lần tranh tài này cũng đã có sự đầu tư khá bài bản cho khâu kịch bản, nhất là tạo đất diễn cho lực lượng diễn viên trẻ để qua mỗi vở họ thể hiện ngày một tốt hơn sự sáng tạo, vươn tới đỉnh cao mới trong nghề.
Không ít vở diễn tạo ấn tượng cho công chúng như "Chất ngọc - Cầm Thi Giang" của Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ), "Người con của rừng tràm" của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, "Hào quang và bóng tối" của Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau, "Sáng mãi vầng nhật nguyệt" của Nhà hát Cao Văn Lầu, "Sau lưng thềm nắng" của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đồng Tháp, "Khi dòng sông nổi giận" của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, "Trước bình minh" của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, "Đời hoa Rumdul" của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang...
Và những trăn trở
Dẫu vậy Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024 vẫn có không ít những trăn trở của giới làm nghệ thuật cải lương. Bên cạnh các vở sử Việt và đề tài cách mạng được khai thác tốt, đa dạng song quá ít vở xã hội đương đại, gần gũi với đời sống hôm nay. Khiến các vở thiếu độ nóng, thiếu sức hút để khán giả trẻ đến với cải lương.
Một số vở diễn có chất lượng chưa cao, chẳng hạn vở "Chất ngọc - Cầm Thi Giang" được nhận xét là một chuỗi ca cảnh sân khấu hóa hơn là một vở diễn có sự kiện, có tình huống, có số phận nhân vật. Hoặc vở "Cánh đồng bất khuất" được phát triển từ một kịch ngắn tham dự phong trào văn nghệ quần chúng, cố kéo dài ra để dự thi. Hay như vở "Sóng dậy giữa vương triều" tình tiết quá đơn giản, cách dàn dựng không thu hút người xem.
Theo các nhà chuyên môn, những lần liên hoan sau cũng cần chú trọng yếu tố kỹ thuật của sân khấu cải lương, tránh trường hợp như vở "Sóng dậy giữa vương triều" khi chuẩn bị diễn thì một cánh màn bị trục trặc, khiến vở diễn bị chậm trễ. Hoặc như vở "Truyền tích Cổ Loa xưa" thì hệ thống âm thanh bị trục trặc liên tục, khiến nghệ sĩ và khán giả sốt ruột.
Điều đáng tiếc là ban tổ chức đã bỏ quên khâu tổ chức các buổi thảo luận sau mỗi giai đoạn của liên hoan. Theo đó, việc các đơn vị nghệ thuật ngồi lại với nhau trao đổi, thảo luận, tìm kiếm phương thức đổi mới để sàn diễn cải lương tiếp cận tốt với nhu cầu thực tế của khán giả hôm nay đã không thể thực hiện.
Những người trong cuộc cũng trăn trở liên hoan kỳ này vẫn chưa có sự khởi sắc về mặt sáng tác kịch bản, vẫn còn thiếu những kịch bản cải lương mang hơi thở đương đại. Không ít đạo diễn vẫn sử dụng hình thức dàn dựng theo tư duy cũ, duy nhất có NSND Triệu Trung Kiên đưa được múa rối bóng vào cải lương.
"Không ít đơn vị nghệ thuật vẫn theo cách làm cũ, chờ đến gần liên hoan mới chuẩn bị khiến chất lượng kịch bản, vở diễn không cao" - NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ.