Thêm cơ hội phát triển kinh tế tại quê hương
Là vùng đất thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, mùa đông khắc nghiệt, những năm gần đây huyện Tuần Giáo tập trung khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã được triển khai, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Một trong những mô hình tiêu biểu tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) là mô hình nuôi gia súc của anh Lò Văn Hiến ở bản Giang. Trước đây gia đình anh Hiến gặp không ít khó khăn, thu nhập từ làm ruộng không đủ trang trải cuộc sống. Với sự quyết tâm tìm hiểu, học hỏi từ những mô hình chăn nuôi của các hộ dân trong và ngoài địa phương, anh đã quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò và gia cầm. Với 5 con bò sinh sản ban đầu, sau vài năm, tổng đàn bò của gia đình anh Hiến đã lên đến 23 con. Gia đình anh cũng nuôi 2 con trâu và khoảng 100 con gia cầm. Nhờ chăm sóc đúng cách, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đàn gia súc của anh phát triển tốt, tỷ lệ sinh sản cao, mang lại nguồn thu ổn định. Mỗi năm anh bán được 5 - 6 con bò, thu về hơn 100 triệu đồng, dù giá trâu bò có phần giảm trong những năm gần đây. Anh Hiến chia sẻ: Điều rất quan trọng trong chăn nuôi là việc áp dụng quy trình chăm sóc khoa học và phòng bệnh cho đàn gia súc, đặc biệt là trong mùa đông lạnh giá. Tôi đã xây dựng chuồng trại kín gió, ấm áp vào mùa đông, cung cấp đầy đủ thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi, như rơm khô, cám, tinh bột sắn và các loại thức ăn bổ sung khác. Tôi cũng chú trọng việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc và vệ sinh chuồng trại thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi...
Ông Lò Văn Khuyên, Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho biết, hiện nay toàn xã có 1.997 hộ; trong đó, khoảng 1.000 hộ tham gia các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Số hộ chăn nuôi lớn và áp dụng mô hình nuôi nhốt vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã đã giảm còn 19% nhờ phát triển của các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Với kết quả tích cực từ các mô hình chăn nuôi thời gian qua, việc nhân rộng mô hình này trong cộng đồng sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Tòng Văn Chính, bản Hới Trong, xã Quài Tở chia sẻ: Những năm trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò của gia đình gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông. Thời tiết rét đậm, rét hại khiến đàn bò bị còi cọc, sức khỏe giảm sút và đôi khi chết. Từ năm 2020, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các lớp tập huấn chăn nuôi, chúng tôi đã cải thiện điều kiện chăn nuôi của gia đình, làm chuồng trại cẩn thận hơn khi có gió lạnh, dùng bạt che kín gió, sử dụng các loại thức ăn bổ sung cho vật nuôi (rơm, cỏ voi...) Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm để phòng ngừa bệnh tật, giúp đàn trâu, bò phát triển khỏe mạnh hơn trong mùa đông và phát triển tốt hơn so với những năm trước.
Hiện nay, gia đình ông Chính đang nuôi 11 con trâu, 14 con bò, 5 con lợn và hơn 200 con gà. Bên cạnh đó, ông còn phát triển mô hình nuôi ong lấy mật và trồng cà phê. Mô hình tổng hợp này đã mang lại thu nhập ổn định sau khi trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/năm...
Ông Trịnh Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Tở cho biết: Khi có chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi nhốt, từ mô hình nhỏ lẻ, theo hướng tập trung. Người dân cũng được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Việc phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn đã giúp xã đạt những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Số lượng đàn gia súc được duy trì và phát triển ổn định, tổng đàn gia súc hàng năm đều tăng, phương thức và quy mô chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay xã Quài Tở có 2.092 hộ, 11.235 khẩu; trong đó 141 hộ nghèo, 143 cận nghèo.
Phát triển gia súc, gia cầm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, kiến thức kinh nghiệm của người chăn nuôi chưa cao, chưa đồng đều; nhờ sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và nỗ lực tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả; thêm cơ hội phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.
A Giống