Thêm cơ hội cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam

Sầu riêng đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng do ít gặp rào cản kỹ thuật và dễ dàng tiếp cận mọi địa phương tại Trung Quốc. Đây được xem là hướng đi mới đầy triển vọng, đưa sầu riêng Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Tháng 3/2025 lô hàng 24 tấn sầu riêng đông lạnh từ Đăk Lăk đã được hoàn tất thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là lô hàng đông lạnh đầu tiên được xuất khẩu sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu vào tháng 8/2024. Sự kiện này mở ra triển vọng mới cho ngành hàng tỷ USD này, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng tươi đang gặp nhiều thách thức.

Để xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Bước đầu tiên là phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Sau đó, Cục Trồng trọt - Bảo sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ trước khi gửi văn bản giới thiệu chính thức đến phía bạn hàng.

Thêm cơ hội cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam

Thêm cơ hội cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam

Một điểm đáng lưu ý là Trung Quốc phân loại và quản lý sầu riêng đông lạnh và sầu riêng tươi theo hai quy chuẩn hoàn toàn khác biệt. Sầu riêng tươi chịu sự quản lý nghiêm ngặt về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo Nghị định thư riêng; Đặc biệt, phía Trung Quốc rất quan tâm đến công tác kiểm soát sinh vật gây hại, từ khâu sản xuất tại vùng trồng cho đến các biện pháp xử lý kỹ thuật tại cơ sở chế biến, đóng gói.

Khác biệt với quy trình quản lý sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh khi xuất khẩu sang Trung Quốc được quản lý như một mặt hàng thực phẩm theo các quy định nghiêm ngặt của Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Trung Quốc và thực hiện đăng ký cơ sở đóng gói, cơ sở sản xuất thực phẩm tại nước ngoài. Đây là một hình thức quản lý khác hoàn toàn so với quản lý sầu riêng tươi.

Dẫn chứng cụ thể, sầu riêng tươi thường xuyên đối mặt với các rào cản kiểm tra nghiêm ngặt về Cadimi và chất vàng O, thế nhưng sầu riêng tách múi đông lạnh gần như không gặp rào cản này qua kiểm nghiệm thực tế tại Đắk Lắk. Đây là lợi thế quan trọng giúp sản phẩm vượt qua các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.

Thêm vào đó, sản phẩm đông lạnh còn tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng, bao gồm cả trái nhỏ hoặc không đạt chuẩn thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Điều này giúp giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản và tránh "được mùa mất giá". Với ưu thế bảo quản dài ngày lên đến 12 tháng, sầu riêng đông lạnh có thể vươn xa tới nhiều khu vực nội địa Trung Quốc, phá vỡ giới hạn phân phối chỉ tập trung ở các tỉnh phía Nam như đối với sầu riêng tươi.

Hiện các doanh nghiệp Đắk Lắk đang tích cực chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sau khi lô hàng đầu tiên thành công. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T - đơn vị có kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ, Canada và Hàn Quốc - khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhờ hệ thống công nghệ hiện đại. Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt 600-700 triệu USD trong năm nay, hướng tới mục tiêu một tỷ USD trong tương lai gần. Với ưu thế ít rào cản kỹ thuật hơn sầu riêng tươi và khả năng bảo quản dài ngày, sầu riêng đông lạnh được xem là hướng đi chiến lược giúp mở rộng thị trường và ổn định đầu ra cho nông sản Việt.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sang Trung Quốc phải đăng ký với Tổng cục Hải quan nước này (GACC). Sau khi được GACC phê duyệt, Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra hồ sơ, sau đó gửi văn bản giới thiệu đến GACC.

Hiện tại, hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đã được GACC cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, không chỉ để ăn tươi mà còn để chế biến thành bánh kẹo, kem, thậm chí làm nguyên liệu nấu lẩu. Dự báo trong thời gian tới, sản lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, sầu riêng cấp đông xuất khẩu là động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới. Do đó các cơ sở đóng gói, vùng trồng, doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu để xuất khẩu đồ đông lạnh trở thành một mũi nhọn giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/them-co-hoi-cho-sau-rieng-dong-lanh-viet-nam-163016.html
Zalo