Thêm chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư

Những chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành như Nghị định 111/2015/NĐ-CP về Phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định 68/2017/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, chính sách về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua đã dần hoàn thiện. Cụ thể, vào năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Đầu tư và các luật về thuế.

Theo các chuyên gia, khi các chính sách này được áp dụng, có tác động rất lớn tới doanh nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã dần tham gia vào chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao; góp phần tự chủ được một phần nguồn nguyên vật liệu. Cụ thể, trong ngành dệt may và da giày, tỷ lệ tự chủ đạt khoảng 30% - 45%; trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, tỷ lệ này cũng vào khoảng 30%. Đặc biệt, trong lĩnh vực ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đang ở mức cao.

 Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhà cung cấp. Ảnh: An Nhiên

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhà cung cấp. Ảnh: An Nhiên

Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các địa phương đã chủ động ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp; trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch, chương trình và chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp. Việc chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp cùng các chính sách ưu đãi, đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; trong đó phải kể tới những nỗ lực của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng...

Đơn cử như tại Bắc Ninh, thời gian qua, cùng với sự gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), công nghiệp hỗ trợ tại địa phương này đã có bước phát triển đáng kể. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% tổng số doanh nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu phục vụ lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm và đồ uống công nghệ cao.

Đặc biệt, ngành công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia đã thu hút hàng loạt nhà cung ứng, giúp Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu cả nước. Việc nhiều nhà máy lớn như Samsung chọn Bắc Ninh làm nơi đặt trụ sở sản xuất đã tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực...

Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác, gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, với khu công nghiệp là đơn vị thường trực. Tổ công tác này đã làm việc với khoảng 15 địa phương để trao đổi về các chính sách của Trung ương và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Với các chính sách ưu đãi về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp FDI đã tham gia đầu tư vào Việt Nam; trong đó, phải kể đến việc hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, môi trường và vốn được nêu trong các quy định về công nghiệp hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã gia nhập chuỗi cung ứng với vai trò là các nhà cung cấp; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển năng lực khoa học công nghệ.

Ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty CP Công nghiệp KIMSEN cho biết, công ty được thành lập vào năm 2013 với định hướng ban đầu là phát triển nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình, phục vụ cho ngành công nghiệp và xây dựng. Trong quá trình triển khai dự án đầu tư, doanh nghiệp đã nhận được sự tạo điều kiện thuận lợi từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Bắc Ninh. Chỉ sau 2 năm, đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nhôm thanh tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.

Với định hướng phát triển bền vững ngay từ đầu của Ban lãnh đạo, sau 1 năm vận hành, doanh nghiệp đã hoàn thiện và đạt được chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015. Sự hỗ trợ và kết nối từ Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Samsung đã giúp Công ty trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp.

Tới năm 2023, dưới sự kết nối của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, công ty đã nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ Toyota Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024, cùng với sự hỗ trợ từ Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đến năm 2017, Ban lãnh đạo công ty đã có định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Năm 2022, KIMSEN đã xây dựng thêm một khối nhà xưởng quy mô 7.500 m2 để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty FDI, với khoảng trên 50% sản lượng hướng đến xuất khẩu.

"Ngoài việc được tư vấn cải tiến sản xuất, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc đào tạo kỹ sư và chuyên gia lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cũng như lập trình cho các sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao. Chúng tôi đánh giá cao các chính sách và hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác mà Bộ Công Thương đã liên kết, giúp KIMSEN trong giai đoạn ''chuyển mình'' tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ" - ông Dương Minh Hải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc CNC Tech Thăng Long, Tập đoàn CNC Tech, "CNC Tech là tập đoàn lớn về bán dẫn của Hàn Quốc, thuộc 1 trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của nước này. CNC Tech đã chọn tỉnh Vĩnh Phúc làm nơi để hợp tác và đầu tư vì nhận thấy mục tiêu chung của cả 2 bên trong phát triển. Họ cũng thấy sự phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc".

Gần đây, CNC Tech đã ký kết hợp tác để xây dựng nhà máy bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích hơn 50.000 m2 và tổng đầu tư tối thiểu là 100 triệu USD. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10.2025.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/them-chinh-sach-uu-dai-tao-moi-truong-dau-tu-post395655.html
Zalo