Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn

Tỷ giá biến động mạnh trong nửa đầu năm nay khiến mảng kinh doanh ngoại hối mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều ngân hàng.

Theo thống kê, có 12/29 ngân hàng báo cáo tổng lãi thuần ngoại hối tăng trong 9 tháng đầu năm. Tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lên tới 19.621 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Sau 9 tháng, BIDV duy trì vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng sau khi vượt qua Vietcombank từ quý I/2024 với lãi thuần đạt 3.923 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Tuy nhiên, theo ghi nhận trong nửa đầu năm, Agribank đạt mức lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối với 2.029 tỷ đồng, tăng trưởng 60%.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần, MB dẫn đầu với lãi thuần 1.516 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, đạt mức tăng trưởng 65%; Techcombank lãi 1.017 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối với mức tăng trưởng hai con số.

Nhiều ngân hàng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối với mức tăng trưởng hai con số.

Xét về tốc độ tăng trưởng, VietABank tiếp tục là ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất ngành, tăng 290% so với cùng kỳ, mang về 12 tỷ đồng. Theo sau đó là HDBank có được khoản lãi 609 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối.

Nhiều ngân hàng cũng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng ở mức hai con số là BVBank (82%), SeABank (57%), VIB (49%).

Chiều nay (14/11), Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.290 VNĐ/USD, tăng 2 đồng/USD so với hôm qua. Tỷ giá các ngân hàng thương mại niêm yết cũng được điều chỉnh tăng và tiếp tục duy trì ở mức kịch trần. Cụ thể, Vietcombank niêm yết ở mức 25.184 - 25.504 đồng/USD; Vietinbank 25.190 - 25.504 đồng/USD.

Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng/USD, tương đương mức tăng 4,4%.

Trong bối cảnh giá bán chạm trần được phép giao dịch, một số ngân hàng đã tăng giá mua mạnh hơn giá bán. Thông thường khi tỷ giá tăng, chênh lệch giá mua - bán cũng tăng để bù đắp rủi ro. Chênh lệch giá mua - bán giảm sẽ khiến các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn và cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá căng thẳng.

Dù vậy, mức chênh lệch giá mua - bán tại các ngân hàng hiện vẫn lên tới 300 - 360 đồng/USD, cao hơn nhiều so với các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do (chỉ khoảng 100 đồng/USD).

Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt thị trường mở để vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ty-gia-tang-manh-nhieu-ngan-hang-lai-lon-post1691532.tpo
Zalo