Theater of Dreams: Khi Đông Nhi chứng minh giọng hát không còn là điểm yếu

Một trong những điểm sáng đáng chú ý của 'Theater of Dreams' chính là giọng hát Đông Nhi – thứ từng bị xem là điểm yếu, nay lại là minh chứng cho sự khổ luyện bền bỉ suốt gần hai thập kỷ.

Trong 45 phút của "Theater of Dreams", khán giả không chỉ thưởng thức âm nhạc, mà còn được lạc bước vào nhà hát tưởng tượng của Đông Nhi – nơi những giấc mơ, giằng xé và bản ngã nghệ thuật dần hiện hình. Giống như một lời thủ thỉ trầm mặc, Đông Nhi không hát để kể chuyện ai, mà đang cố lên tiếng cho chính mình – một nghệ sĩ kiệm lời nhưng chất chứa bên trong nội tâm nhiều thăng trầm chưa từng giãi bày.

Album "Theater of Dreams" gồm 13 ca khúc, tương ứng với 13 lá bài trong bộ Tarot, nhưng được sắp ngược từ "The World" (Tinh cầu bốc cháy) đến "The Fool" (Những tháng năm tươi đẹp). Đó là “hành trình ngược” tìm về cội nguồn cảm xúc, khám phá và tái định nghĩa bản thân từ một điểm tưởng chừng đã viên mãn đến vạch xuất phát của một tâm hồn nghệ sĩ non nớt – một “kẻ khờ” tự nguyện bắt đầu lại từ đầu.

"Tình đầu bốc cháy" - Đông Nhi

DTAP – nhà sản xuất chính và cũng là người hâm mộ 17 năm của Đông Nhi – đã kiến tạo nên một thế giới âm nhạc chỉn chu, pha trộn giữa màu sắc cũ và mới. Từ chất liệu nhạc điện tử hiện đại như House, Chillout, Epic đến cả những yếu tố giao hưởng, DTAP giúp Đông Nhi chạm tới một diện mạo âm nhạc trưởng thành hơn. Không chỉ chiều lòng lớp khán giả lâu năm, album còn mở rộng cánh cửa kết nối với thế hệ trẻ thông qua những màn kết hợp bất ngờ như với tlinh.

Một trong những điểm sáng đáng chú ý của "Theater of Dreams" chính là giọng hát Đông Nhi – thứ từng bị xem là điểm yếu, nay lại là minh chứng cho sự khổ luyện bền bỉ suốt gần hai thập kỷ. Cô biến hóa khéo léo qua từng ca khúc, từ trầm mặc đến bùng nổ, từ tối tăm đến rực rỡ. Ở chương đầu, Đông Nhi sử dụng kỹ thuật vocal fry, airy voice, falsetto và vocal run tạo nên không gian âm nhạc mơ hồ, ma mị. Trong "Tinh cầu bốc cháy", cô giật thẳng từ quãng trầm lên D5 rồi giữ quãng treo bằng mixed voice khiến người nghe không khỏi bất ngờ.

Đặc biệt, ở ca khúc "1-0", Đông Nhi sử dụng head voice dựng tiếng chuẩn màu cổ điển, mang phong cách Baroque vào trong nền nhạc House, đưa khán giả bước vào thế giới nội tâm u tối mà quyến rũ. Đây là kỹ thuật đòi hỏi nhiều nội lực, và Đông Nhi đã thể hiện sự kiểm soát giọng hát vững vàng đáng nể.

Tới hai chương sau, không gian âm nhạc bỗng chuyển sắc tươi sáng, trẻ trung. Cách hát cũng thay đổi hoàn toàn: mềm mại, bay bổng với những nốt cao lên đến C6, kết hợp swing tạo nên không khí của một bản khiêu vũ thanh xuân. Sự nữ tính, ngọt ngào – chất riêng của Đông Nhi – vẫn được cô giữ trọn, trở thành sợi dây kết nối cảm xúc bền bỉ với khán giả trung thành.

Dù vẫn có những nhận xét rằng "Theater of Dreams" “chưa đủ wow”, nhưng chính sự lặng lẽ đó lại làm nên cái hay riêng của album. Không ồn ào, không bứt phá mạnh mẽ, "Theater of Dreams" giống như rượu ủ lâu năm – càng thưởng thức lại càng thấm. Có lẽ phải đến lần nghe thứ ba, thứ tư, khán giả mới thực sự nhận ra điều kỳ lạ: âm nhạc của Đông Nhi đang dần thân quen, như một người bạn cũ quay về từ quá khứ – bình lặng, sâu sắc và đầy yêu thương.

"Theater of Dreams" không chỉ là một album âm nhạc mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của Đông Nhi sau 17 năm đi hát – một bước đi can đảm giữa vùng đất mơ và thực, quá khứ và hiện tại, khán giả cũ và khán giả mới. Một “kẻ khờ” dám bắt đầu lại – như chính cô từng hát: “Ta lại bắt đầu, như chưa từng bắt đầu”.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/giai-tri/theater-of-dreams-khi-dong-nhi-chung-minh-giong-hat-khong-con-la-diem-yeu-post1194750.vov
Zalo