The Times: Vương quốc Anh dễ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo
Các nguồn tin quốc phòng cấp cao nói với tờ báo rằng trong 15 năm nữa, những loại đạn như vậy 'sẽ có thể tấn công nước Anh từ bất cứ nơi nào trên thế giới'.
“Những lỗ hổng” trong hệ thống phòng không của Anh đang gây lo ngại ở London và phần còn lại của khối NATO, The Times đưa tin, trích dẫn các nguồn tin quốc phòng. Những nguồn tin này nhấn mạnh về khả năng dễ bị tổn thương của Anh trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Một hội đồng độc lập dẫn đầu cuộc đánh giá quốc phòng chiến lược do chính phủ Anh ủy quyền đã tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về tình trạng lá chắn tên lửa của nước này và dự kiến sẽ tập trung vào nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào nó, theo The Times.
Bài báo lưu ý, một số thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu gần đây cũng bày tỏ “thất vọng” rằng Vương quốc Anh không đóng góp đủ vào các lá chắn phòng thủ để bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc tấn công tầm xa có thể xảy ra.
Báo cáo dự đoán, cuối năm nay, NATO sẽ kêu gọi Thủ tướng Anh Keir Starmer tăng đáng kể chi tiêu cho hệ thống phòng không trên mặt đất (SBAD) để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân và căn cứ quân sự.
Nhu cầu được nêu trong bài viết nghiên cứu của NATO có tên “Mục tiêu năng lực 2025”, đã được The Times dẫn lại.
Tờ báo cho biết các quan chức quốc phòng giấu tên và các chuyên gia quân sự, những người được phỏng vấn, nhấn mạnh “nguy cơ ngày càng tăng đối với Anh và các tài sản quân sự của nước này ở nước ngoài, khi Trung Quốc, Nga và Iran nhanh chóng phát triển tên lửa đạn đạo có thể xuyên lục địa với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh".
Các nguồn tin quân sự cấp cao nói với The Times rằng Vương quốc Anh “hiện đang gặp nguy hiểm”, và trong 15 năm nữa, một tên lửa đạn đạo “sẽ có thể tấn công nước Anh từ bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Họ cảnh báo, các nhóm phiến quân ở các quốc gia Trung Đông như Libya có thể nhắm mục tiêu vào London nếu họ có được tên lửa tầm xa.
Các nguồn tin cho biết, các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đang tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi ở Yemen, do vậy có nguy cơ bị tấn công trả đũa bởi các tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn do các đồng minh của Houthi cung cấp cho nhóm này.
Họ cũng tuyên bố rằng các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Vương quốc Anh, bao gồm cả những căn cứ ở Cyprus, đang phải đối mặt với “nguy cơ ngày càng tăng” từ các chủ thể phi nhà nước và những kẻ khủng bố.
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng nếu Ukraine tiếp tục tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp, Moscow có quyền “sử dụng vũ khí của chúng tôi chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ chống lại các cơ sở của chúng tôi”.
Ông Putin cũng nói rằng Moscow có thể đưa ra phản ứng bất cân xứng trước những hành động như vậy bằng cách vũ trang cho các nhóm hoặc các quốc gia thù địch với phương Tây, như Triều Tiên, bằng vũ khí tiên tiến.