Thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu về tăng thêm chi tiêu quốc phòng

Châu Âu đang đối mặt với một bài toán nan giải về chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và áp lực từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Để tăng cường khả năng phòng thủ, EU cần đầu tư khoảng 500 tỷ euro trong thập kỷ tới, nhưng việc xác định nguồn tài chính cho những khoản chi này lại gặp nhiều thách thức.

Các binh sĩ châu Âu chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự quản lý khủng hoảng năm 2024. Ảnh: Cơ quan đối ngoại EU

Các binh sĩ châu Âu chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự quản lý khủng hoảng năm 2024. Ảnh: Cơ quan đối ngoại EU

Nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/12, khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Đông của Liên minh châu Âu (EU), tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đang gây sức ép buộc các đồng minh phải hành động nhiều hơn, đã tạo thêm bối cảnh khẩn cấp cho EU. Trong tình hình này, EU cần tìm kiếm một kế hoạch khả thi để đảm bảo hàng trăm tỷ euro nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.

Nhu cầu cấp thiết về đầu tư và tư duy thời chiến

Theo ước tính, EU cần đầu tư khoảng 500 tỷ euro (tương đương 524 tỷ USD) trong thập kỷ tới để nâng cao năng lực phòng thủ. Tuy nhiên, người đứng đầu quốc phòng mới của khối này Andrius Kubilius cho rằng con số đó chỉ bao gồm một chương trình phòng không.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng đã kêu gọi các nước thành viên NATO ở châu Âu áp dụng "tư duy thời chiến", ám chỉ đến việc tăng chi tiêu từ mục tiêu 2% GDP lên 3%, tương tự như mục tiêu mà ông Trump đang hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, EU sẽ phải chi thêm gần 200 tỷ euro mỗi năm. Chuyên gia Dick Zandee, thành viên của nhóm nghiên cứu Clingendael, cho biết ngay cả mục tiêu thấp hơn trong khoảng từ 2,5% đến 3% cũng sẽ là "một sự gia tăng rất lớn" và hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể nào cho điều đó.

Trong bối cảnh ngân sách của nhiều thành viên EU luôn căng thẳng, chỉ có Đức là nền kinh tế lớn có thể tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Pháp đang trên đà đạt được mục tiêu 2% của NATO, nhưng tình hình chính trị bất ổn đã làm gia tăng áp lực ngân sách. Tây Ban Nha và Italy tụt hậu rất xa, ở mức dưới 1,5%. Trong khi đó, Ba Lan đặt mục tiêu chi tiêu gấp đôi mục tiêu của liên minh nhưng cũng đang kéo dài ngân sách của mình. Tất cả các quốc gia này dự kiến đều sẽ được hưởng lợi từ một hình thức tài trợ chung nào đó.

Sander Tordoir, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết: "Chúng tôi gặp vấn đề là một số quốc gia thành viên bị hạn chế hơn về mặt tài chính, và một số quốc gia khác lại cách xa các mối đe dọa quân sự hơn, do đó có ít động lực hơn để thực hiện nghĩa vụ của mình". Ông Tordoir nhấn mạnh rằng việc vay chung có thể cung cấp an ninh chung cho tất cả mọi người.

Các mô hình tài chính tiềm năng

Các cuộc đàm phán ngoại giao ban đầu đưa ra hai mô hình khả thi để giải quyết vấn đề chi tiêu quốc phòng. Một phương án là EU bán nhiều trái phiếu chung hơn được bảo đảm bằng ngân sách dài hạn của chính mình, tương tự như quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 800 tỷ euro đã cung cấp các khoản tài trợ và cho vay cho các quốc gia thành viên.

Một ý tưởng khác là tạo ra một phương tiện chuyên dụng mới theo mô hình quỹ cứu trợ Khu vực Sử dụng đồng euro để cung cấp các khoản vay bằng cách bán trái phiếu được bảo đảm bằng vốn đã góp. Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình này không hề đơn giản. Ngay cả những người ủng hộ phương án phát hành trái phiếu chung cũng coi đây là biện pháp xa vời vì nó yêu cầu sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên EU. Đức đã từng phản đối các kế hoạch vay nợ toàn châu Âu và chỉ chấp nhận chi tiêu cho đại dịch như một ngoại lệ duy nhất.

Ngân sách của khối cũng không thể được sử dụng để tài trợ trực tiếp cho quốc phòng, điều này đặt ra câu hỏi về những khoản chi nào mà nợ EU có thể tài trợ. Ngoài ra còn có lo ngại rằng nợ EU nhiều hơn sẽ làm căng thẳng thêm ngân sách vốn đã eo hẹp của khối.

Như vậy, châu Âu đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc tăng cường chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh an ninh ngày càng phức tạp. Mặc dù có sự đồng thuận về nhu cầu tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng việc xác định nguồn tài chính và thực hiện các kế hoạch vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo dailysabah.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/the-tien-thoai-luong-nan-cua-chau-au-ve-tang-them-chi-tieu-quoc-phong-20241224194305083.htm
Zalo