Thể thao Việt Nam thay đổi để tạo khác biệt
Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, Thể thao Việt Nam cũng sẽ bước vào năm 2025 với nhiều thách thức nhưng cũng đầy khát vọng. Bởi lẽ, đây là thời điểm chính thức khởi động thực hiện Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt vào tháng 10-2024.
Nguồn lực con người quyết định thế mạnh
Trong gần 80 năm hình thành và phát triển, thể thao Việt Nam (TTVN) có những bước tiến thực sự đáng nể, tạo nên những mốc son đẹp ở đấu trường thể thao quốc tế. Chúng ta đã không còn bị xem là “khách lạ” ở SEA Games, Asiad, hay thậm chí là ở Olympic - đỉnh cao của thể thao thế giới, nhưng Việt Nam cũng đã chinh phục thành công tấm HCV đầu tiên (do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập nên ở Olympic 2016).
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước, đã luôn giữ cho vị thế của TTVN ở nơi xứng tầm nhất. Tuy nhiên, để thực sự vươn đến trình độ của thể thao châu Á và thế giới, đặc biệt là đạt thành tích ổn định ở Olympic, TTVN vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển của TTVN. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn, chúng ta vẫn chưa vượt được ngưỡng thành tích ở Asiad và Olympic, chủ yếu xuất phát từ hệ thống tuyển chọn và đào tạo VĐV trên khắp đất nước chưa đảm bảo tính đồng bộ.
Có thể nhận thấy một thực tế, đa số môn thể thao trọng điểm của Việt Nam vẫn loay hoay với tư duy “nuôi gà nòi”. Bóng đá, điền kinh, bơi lội, xe đạp, võ thuật, bắn súng, thể dục… đều lộ ra cách thức đào tạo của các địa phương chưa có chiều sâu để tìm ra được những VĐV thực sự tài năng, thực sự xuất chúng.
Chính vì vậy, TTVN bắt buộc phải thay đổi, tiếp cận cách thức đầu tư và xây dựng mới mẻ, bài bản, khoa học và bắt kịp xu hướng của thể thao thế giới, cũng tức là coi trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, được xem là “chiến dịch đặc biệt” cho TTVN vươn mình, chạm đến đỉnh cao của Olympic.
Đến tháng 4-2024, TTVN đã hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển chọn VĐV, HLV, đồng thời thành lập các đội tuyển thể thao quốc gia theo kế hoạch tuyển chọn 3 nhóm VĐV cơ bản: nhóm 1 (gồm các VĐV tập huấn dài hạn ở nước ngoài, dự kiến có 30 VĐV để tập trung dự báo khả năng tranh chấp HCV Asiad, đạt được chuẩn tham dự Olympic ở 5-6 môn thể thao); nhóm 2 (gồm các tuyển thủ được kết hợp tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài theo chế độ đặc thù, nhằm giành huy chương Asiad và Olympic); nhóm 3 (gồm các tuyển thủ tập huấn trong nước, được tập huấn thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ hiện hành và từ nguồn xã hội hóa).
Nền móng chính là 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), nơi được chỉ định huấn luyện tập trung những đội tuyển và VĐV ưu tú nhất của TTVN.
Thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Cục TDTT đã trực tiếp gặp gỡ và nắm bắt thực tế tại các đội tuyển thể thao để kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Cục TDTT luôn bám sát công tác chuẩn bị chuyên môn của từng đội tuyển trong kế hoạch theo từng tháng, từng năm.
Mỗi môn thể thao và cá nhân VĐV bắt buộc phải tuân thủ kế hoạch tập huấn, thi đấu mà ban huấn luyện xác lập, hướng đến mục tiêu thường xuyên giành 20-30 suất chính thức ở 12-15 môn trọng điểm tham dự các kỳ Olympic trong tương lai.
Kể từ năm 2024, chiến thuật của TTVN sẽ biến thiên theo chiều hướng có lợi, cách thức tuyển chọn, đào tạo VĐV được cải tiến trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học TDTT, học tập các mô hình chuẩn của nhiều nền thể thao tiên tiến ở châu Á và thế giới, nhưng phù hợp với sức vóc và thể trạng VĐV Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải tập trung thêm nguồn lực để phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường, vì trường học chính là nơi phát hiện ra nhiều tài năng thể thao nhất và chưa được khai thác triệt để.
Tiếp tục lồng ghép việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thường xuyên rà soát, đánh giá các chỉ số thể lực, tầm vóc của học sinh, sinh viên để có biện pháp can thiệp về thể thao, từng bước khắc phục tình trạng thừa cân, thấp còi, suy dinh dưỡng.
Tinh gọn để mạnh và hiệu quả hơn
Năm 2025 được xem là bản lề của TTVN trong chiến lược phát triển mới, theo tinh thần của Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Sẽ có 17 môn gồm: bơi, điền kinh, bắn súng, TDDC, cử tạ, đấu kiếm, quyền Anh, taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền (thuộc nhóm Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm Asiad) được lựa chọn để đầu tư đặc biệt, trong khi các môn còn lại được định hướng cho các đấu trường thấp hơn như SEA Games, vô địch khu vực…
Việc xây dựng nhóm môn trọng điểm theo cách thức mới cũng nhằm tạo ra sự khác biệt về thành tích, đồng thời xóa bỏ tư duy dàn trải trước đây. Chưa kể, để thực sự vươn mình mạnh mẽ, TTVN ngay trong năm 2025 sẽ phải chủ động thực hiện việc tinh gọn bộ máy làm việc, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc, để giải quyết các “điểm nghẽn” trong tìm kiếm, đào tạo và sử dụng nguồn VĐV tài năng.
TTVN sẽ áp dụng khoa học công nghệ, số hóa dữ liệu, hướng đến sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo. Tất nhiên, khi sử dụng AI cũng phải tính nhiều yếu tố, trong đó là cơ sở dữ liệu phải được bảo mật cũng như phần mềm sử dụng có thể giúp hữu ích các đội tuyển thể thao trong phân tích chiến thuật, phán đoán đối thủ…
Việc cử VĐV tập huấn nước ngoài sẽ được tính toán kỹ lưỡng từ đó chọn người phù hợp. Các VĐV trẻ triển vọng sẽ được ưu tiên chọn tham gia các đợt tập huấn dài hạn ở những nền thể thao phát triển mạnh trên thế giới.
Trước mắt, ngay đầu năm 2025, mảng thể thao thành tích cao sẽ tập trung khoảng 4.045 VĐV ở các đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia, cùng 674 HLV và 29 chuyên gia tập trung làm nhiệm vụ chuyên môn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh.
Thể thao thành tích cao sẽ thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ Asiad, và tốp 50 tại các kỳ Olympic; Bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.