Thể thao nhìn từ Hội làng Tết

Theo đà phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian gần đây, những lễ hội truyền thống dần được khôi phục, phát huy. Một phần không thể thiếu trong những lễ hội như vậy là hoạt động thể dục thể thao. Không chỉ có người dân làng tham gia, ngay cả những VĐV chuyên nghiệp cũng góp mặt, hòa vào không khí vui xuân ngày Tết.

Đến hẹn lại lên

Bắc Ninh là một trong những địa phương hiếm hoi còn giữ được rất nhiều phong tục, lễ hội truyền thống của khu vực phía Bắc. Câu nói "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" đúng hơn bao giờ hết với người dân xứ Kinh Bắc. Mỗi làng đều tổ chức một lễ hội riêng, diễn ra trong 1-2 ngày. Nhưng với trên dưới trăm làng còn giữ được thư tịch cổ ghi lại phong tục năm xưa, số lễ hội truyền thống cũng tương đương.

Hoạt động thể thao trở thành một phần không thể thiếu của hội làng.

Hoạt động thể thao trở thành một phần không thể thiếu của hội làng.

Trong một thời gian dài, lễ hội truyền thống ở các làng xã đã không xuất hiện, hoặc tồn tại rất ít. Nhưng theo thời gian, khi kinh tế phát triển, đời sống người dân khá hơn trước, tất cả lại tìm về cội nguồn xa xưa. Hoạt động lễ hội, nhất là hội làng dịp Tết đến xuân về, một lần nữa trở lại cùng xã hội hiện đại, với nhiều hoạt động đa dạng.

Bên cạnh hoạt động truyền thống như kéo co, leo cột, cướp cờ, lễ hội ngày Tết dần bổ sung “món ăn” mới mang âm hưởng hiện đại. Thể dục thể thao là một trong số đó; không khó để tìm thấy hội làng có nhiều hoạt động thể thao đi kèm như vật, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông.

Tại sao hội làng phải đi kèm với hoạt động thể dục thể thao? Nhìn về lịch sử, có thể khám phá nhiều điểm thú vị. Lễ hội truyền thống vốn gồm nhiều thú chơi khác như đá gà, tam cúc, tổ tôm, bầu cua. Nhưng khác với lịch sử xa xưa, những hoạt động đó giờ đây được xem là hình thức khác của đánh bạc, có thể bị xử phạt rất nặng.

Nhờ hoạt động sát sao của cơ quan chức năng, những hành vi đánh bạc trá hình tại hội làng dần được dẹp bỏ. Nhưng ở góc độ tổ chức, những lễ hội cần có món ăn khác để nâng cao tinh thần cộng đồng, cũng như giải trí dịp đầu năm mới. Đó là lúc hoạt động thể dục thể thao được xét tới.

Đúng với tinh thần "thể dục thể thao đẩy lùi tệ nạn", những giải đấu ngắn ngày tại hội làng đã giúp hình ảnh lễ hội trở nên văn minh hơn. Dân làng có thể cạnh tranh, thi đấu để so bì hơn thua, thay vì những trò sát phạt vô bổ. Ở một góc độ nào đó, việc này còn giúp người dân tăng cường tập luyện, chăm sóc sức khỏe, hướng đến cuộc sống lành mạnh.

Giải phong trào, nhưng VĐV chuyên nghiệp

Những môn thể thao phổ biến thường xuất hiện tại hội làng gồm có vật dân tộc, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông. Có vài mẫu số chung cho những môn thể thao này. Thứ nhất, đó phải là những môn phổ biến, nhiều người chơi và nắm rõ luật. Thứ hai, các trận đấu diễn ra trong thời gian không quá dài, tương ứng 1-2 ngày hội làng diễn ra.

Vật dân tộc là môn phổ biến tại hội làng.

Vật dân tộc là môn phổ biến tại hội làng.

Thể thức thi đấu của các môn thể thao hội làng, vì thế, có thể được rút gọn cho phù hợp với ngày hội. Một trận bóng đá có thể chỉ kéo dài 50 - 60 phút, thay vì 90 phút như thi đấu chuyên nghiệp. Bóng chuyền thường đấu theo trận 1 hoặc 3 hiệp. Điều này giúp mỗi trận đấu được gói gọn trong khoảng 1 giờ đồng hồ, không quá dài với người xem.

Giải thể thao hội làng hướng đến tinh thần cộng đồng, nhưng không vì thế mà thiếu sự cạnh tranh. Chẳng ai muốn mình thua ở một giải đấu, nhất là khi giải đó diễn ra dịp đầu năm mới. Vì thế, những VĐV dự giải thể thao hội làng luôn chuẩn bị nghiêm túc.

Không ai muốn thua, điều đó phần nào trở thành nguyên nhân khiến những giải thể thao hội làng dần chứng kiến VĐV chuyên nghiệp góp mặt. Họ có thể là thành viên đội tuyển trẻ, hoặc đội tuyển chính của các đội thể thao địa phương. Ngay cả VĐV đội tuyển quốc gia cũng xuất hiện không ít.

Một nguyên nhân khác khiến những giải thể thao hội làng mời VĐV chuyên nghiệp đến tham gia tranh tài là quảng bá hình ảnh. Một hình ảnh, video thi đấu được VĐV chia sẻ trên mạng xã hội có thể giúp lễ hội được nhiều người biết đến hơn. Với những ai nằm trong ban tổ chức lễ hội làng, việc có thêm người biết đến quê hương mình là điều thành công.

Anh Nguyễn Bá Mạnh, một người dân của huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết: "Luôn có một cuộc cạnh tranh ngầm để 'săn đón' VĐV chuyên nghiệp giữa những lễ hội làng tổ chức cùng thời điểm. Ai cũng muốn lễ hội của mình có VĐV nổi tiếng đến tham dự. Việc mời được họ hay không đôi lúc nằm ở những thứ mà ngay cả tiền cũng không mua được".

Bên cạnh lợi ích tài chính, đâu là những thứ một VĐV có thể nhận về khi tham dự giải thể thao hội làng? Những người trong cuộc từ chối chia sẻ về câu chuyện tế nhị này, chỉ biết, những VĐV chuyên nghiệp sẵn sàng hy sinh một vài ngày nghỉ quý giá để góp vui tại hội làng. Đổi lại, họ nhận về những khoản đãi ngộ không nhỏ từ Ban tổ chức.

Giữ mình và khiêm nhường

Một HLV Việt Nam có nhiều năm phụ trách một đội tuyển thể thao thành tích cao từng nhận xét: "Nhiều VĐV đỉnh cao, đặc biệt là tuyển thủ quốc gia, không hề ngây thơ. Họ đặc biệt khôn khéo trong khoản đối nhân xử thế". Điều này hoàn toàn đúng nếu ta chứng kiến một số VĐV chuyên nghiệp đến thi đấu giải thể thao hội làng mỗi dịp Tết đến.

Hội làng Quan Độ từng gây chú ý khi mời 6 CLB bóng chuyền chuyên nghiệp đến tranh tài.

Hội làng Quan Độ từng gây chú ý khi mời 6 CLB bóng chuyền chuyên nghiệp đến tranh tài.

Nếu xét về trình độ, những VĐV phong trào ở địa phương vốn có thời gian tập luyện khá hạn chế. Họ chỉ có thể tập vào thời gian rảnh rỗi vì còn có công việc chính. Ngược lại, VĐV chuyên nghiệp là người luyện tập toàn thời gian. Đây cũng là lý do khiến VĐV phong trào gần như không thể thắng được VĐV chuyên nghiệp ở bất cứ môn thể thao nào.

Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, những VĐV chuyên nghiệp thường thua ở trận bán kết hoặc chung kết các giải thể thao hội làng. Với bản thân họ, việc xuất hiện tại lễ hội chỉ mang tính chất góp vui cho người dân địa phương. Và khi đó, điều vui nhất với khán giả chủ nhà là chứng kiến người nhà giành chiến thắng, chứ không phải người ngoài.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, lễ hội làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) đã tổ chức giải thể thao có một không hai. Đó là giải bóng chuyền nữ quy tụ 6 CLB chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam đến tranh tài. Không ít VĐV đến dự giải bóng chuyền hội làng là tuyển thủ quốc gia, từng nhiều lần tham dự các giải đấu quốc tế trong màu áo tuyển Việt Nam.

Giải bóng chuyền hội làng quy tụ 6 CLB chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam là cách người dân làng Quan Độ quảng bá hình ảnh quê hương. Chẳng rõ ai thực sự là người đứng sau giải đấu trên. Tuy nhiên, người này hẳn có tầm ảnh hưởng rất lớn mới có thể mời 6 CLB từ Bắc chí Nam đến tham gia tranh tài.

Đúng với tính chất của một giải hội làng, khán giả và ban tổ chức đã tặng nhiều phần thưởng độc đáo. Có VĐV được thưởng tiền triệu sau một pha ghi điểm ấn tượng. Đội chủ nhà Bắc Ninh còn được thưởng 3 tháng ăn uống miễn phí từ một nhà hàng địa phương, sau khi họ giành chiến thắng kịch tính trước đối thủ mạnh. Thông thường, có nguồn thu nhập cho VĐV chuyên nghiệp khi đến dự giải hội làng. Thứ nhất là tiền "lót tay", tức chi phí địa phương phải bỏ ra khi mời VĐV đó. Thứ hai là tiền giải thưởng, được ban tổ chức công bố theo từng hạng mục, thứ tự giải cao thấp. Thứ ba là tiền thưởng nóng tại chỗ, khi những đại gia xem giải tặng cho VĐV cống hiến.

"Không có VĐV nào tham dự giải thể thao hội làng chỉ một vài lần trong đời. Điều quan trọng luôn là tạo mối quan hệ gắn bó lâu dài, làm thế nào để các bên cùng có lợi, cùng vui vẻ. Cống hiến cho người xem và để tất cả cùng vui, đó mới là giá trị thật sự VĐV có thể mang lại cho giải hội làng", một cựu VĐV cầu lông khẳng định.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/the-thao-nhin-tu-hoi-lang-tet-i759482/
Zalo