Thể thao lễ hội: Gắn kết cộng đồng, gìn giữ truyền thống
Với mục đích gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh luôn quan tâm, duy trì tổ chức các môn thể thao truyền thống ở nhiều lễ hội, tạo sức hấp dẫn với người dân, du khách.
Độc đáo, cuốn hút người xem
Lễ hội đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên) được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm có trò chơi móc cầu. Đây vốn là môn thể thao truyền thống nổi tiếng ở khu vực miền Bắc với câu ca đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân: "Đình Nội có hội cướp cầu/ Tháng Giêng, mười một đâu đâu cũng về". Tuy nhiên, do chiến tranh, đình, chùa bị giặc tàn phá, lễ hội không được tổ chức trong suốt thời gian dài, trò chơi này cũng vì thế biến mất. Sau này, trò chơi móc cầu được khôi phục trở lại.

Trò chơi móc cầu tại lễ hội đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên). Ảnh: Hữu Thông.
Theo lệ xưa, trai tráng trong làng được lựa chọn tham gia hội móc cầu gọi là các quân cầu. Quân cầu được chia làm hai đội trong trang phục truyền thống đứng trang nghiêm tế cầu. Chọn giờ đẹp, quả cầu được rước từ hậu cung ra gian giữa đại đình. Chủ tế đọc văn tế xin phép tổ chức móc cầu. Quả cầu tròn làm bằng gỗ mít, sơn màu đỏ. Móc cầu làm bằng thân tre già dài 1,5 m, đầu thân có củ tre uốn cong thành móc.
Sân được bố trí hai lỗ cầu ở bên Đông và Tây, giữa sân có một lỗ cái. Hai đội chơi đứng xếp xung quanh quả cầu, chủ tế ôm quả cầu hô to bài văn có nội dung mong ước về một năm mới được mùa, cuộc sống đủ đầy. Khi chủ tế dứt lời cũng là lúc quả cầu được tung ra, trọng tài phất cờ ra hiệu lệnh cho hai bên vào tranh cầu. Các quân cầu chạy rất khéo léo tìm cách móc được cầu về bên mình.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết: Năm 2017, trò chơi móc cầu được khôi phục và đưa vào lễ hội từ đó đến nay. Các quân cầu là người dân của 5 thôn trong xã thi đấu với nhau. Cách đây 5 năm, trò chơi này được người dân các thôn biểu diễn, ghi hình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản. Đây là niềm tự hào của chính quyền, nhân dân địa phương.
Bắc Giang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội. Trong ngày hội, ngoài tế lễ, một trong những hoạt động cuốn hút nhân dân tham gia đó là thi đấu các môn thể thao truyền thống của nhiều vùng, miền như: Kéo co, đẩy gậy, đấu vật, cờ tướng, bắn nỏ, bơi chải, đua thuyền… Các môn thể thao đã tạo không khí vui tươi, tưng bừng của lễ hội, có sức hút lớn đối với mọi người.
Ở huyện vùng cao Sơn Động, lễ hội bơi chải An Châu thu hút đông đảo người dân tới xem, cổ vũ. Theo sử sách, lễ hội này có từ thế kỷ XV gắn liền với tên tuổi tướng quân Vi Đức Thăng thời hậu Lê. Ông là thủy tổ họ Vi theo vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn, được giao trấn giữ vùng ải thung lũng An Châu. Vào ngày 10/4 âm lịch hằng năm, người dân trong vùng tổ chức lễ hội bơi chải nhằm tái hiện việc huấn luyện thủy binh do tướng quân Vi Đức Thăng khởi xướng.
Tại hội thi, 15 thuyền (mỗi thuyền có 10 vận động viên - VĐV) là những nam giới khỏe mạnh được tuyển chọn tại các tổ dân phố thuộc thị trấn An Châu và những xã lân cận. Tùy theo quy định mỗi năm mà các đội tranh tài ở cự ly 1.200 m hoặc 1.500 m. Người xem ấn tượng trước cảnh các tay đua đồng loạt khua chèo đẩy những chiếc thuyền lao vun vút trên sông. Cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ cùng màu sắc của trang phục thi đấu hòa với tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò cổ vũ tạo thành một bức tranh sống động, gợi lại hào khí luyện quân đánh giặc năm xưa.
Năm 2024, cùng với lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), lễ hội bơi chải An Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hà, du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã từng xem lễ hội bơi chải An Châu. Nhìn các VĐV khỏe mạnh đua thuyền trên dòng sông trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng nghìn khán giả, tôi rất ấn tượng".
Lan tỏa tinh thần thể thao trong cộng đồng
Thời gian qua, Sở VHTTDL luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức, đưa các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống vào trong lễ hội. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe của nhân dân, lan tỏa tinh thần thể thao trong cộng đồng. Nhiều trò chơi, môn thi đấu ở các lễ hội được đông đảo người dân, du khách biết đến, trở thành "thương hiệu" của lễ hội. Lễ hội vật cầu nước ở xã Vân Hà (TX Việt Yên) là một điển hình.

Lễ hội bơi chải An Châu (Sơn Động) được duy trì nhiều năm nay. Ảnh: Xuân Thỏa.
Đến hẹn lại lên, 4 năm 1 lần, hàng vạn người dân trong vùng và du khách thập phương về đây trẩy hội. Hội vật cầu nước được tổ chức trên sân chính của đền thờ Đức Thánh Tam Giang, diện tích khoảng 300 m2 với mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có 2 hố để đẩy cầu xuống. 16 nam giới đóng khố cởi trần được tuyển chọn tham gia vật cầu nước gọi là quân cầu, chia làm hai giáp, mỗi giáp 8 người. Trước khi vào trận đấu, các quân cầu thực hiện nghi lễ tế Đức Thánh Tam Giang. Quả cầu được làm từ gỗ có trọng lượng gần 20 kg được đặt ở giữa sân. Các quân cầu lao vào tranh cướp để làm sao đưa được quả cầu vào lỗ bên phần sân của đối phương để giành chiến thắng.
Hội vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng; đồng thời thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Với những giá trị "độc nhất, vô nhị", năm 2022, lễ hội vật cầu nước làng Vân được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cũng bởi sức lôi cuốn, hấp dẫn từ các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, từ đây nhiều bộ môn thể thao được thành lập và đưa vào hệ thống giải đấu hằng năm của tỉnh, quốc gia như: Cờ tướng, vật, đẩy gậy, kéo co, đá cầu… Hàng trăm VĐV của tỉnh được phát hiện, tuyển chọn từ giải phong trào và các hoạt động thể thao trong khuôn khổ lễ hội do các địa phương tổ chức.
Cũng bởi sức lôi cuốn, hấp dẫn từ các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, từ đây, nhiều bộ môn thể thao được thành lập và đưa vào hệ thống các giải đấu hằng năm của tỉnh, quốc gia, như: Cờ tướng, vật, đẩy gậy, kéo co, đá cầu… Hàng trăm VĐV của tỉnh được phát hiện, tuyển chọn từ giải phong trào và các hoạt động thể thao trong khuôn khổ lễ hội do các địa phương tổ chức.
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Bắc Giang được đánh giá là tỉnh có thế mạnh về môn võ thuật, kéo co, đẩy gậy, vật dân tộc, đá cầu, cờ tướng... Trong 5 năm trở lại đây, các VĐV thi đấu giành nhiều Huy chương Vàng ở các giải quốc gia, quốc tế. Tỉnh Bắc Giang cũng được Bộ VHTTDL chọn đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao, trong đó có nhiều môn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đẩy gậy, vật, kéo co, cờ tướng... Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức giải thể thao phong trào để tạo sức lan tỏa. Nhiều trung tâm, câu lạc bộ đào tạo, huấn luyện VĐV môn thể thao dân tộc được thành lập, duy trì, phát triển; góp phần tạo nguồn, cung cấp VĐV xuất sắc cho tuyến tỉnh.