Thế nào là phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam?
Để tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật nên có nghị quyết hướng dẫn rõ về trường hợp hủy phán quyết trọng tài khi phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Hôm nay (4-4), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trường ĐH Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp tổ chức diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2025 với chủ đề "Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện".

PGS-TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: YC
Tố tụng trọng tài nhanh gọn, hiệu quả
Mở đầu diễn đàn, PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng một nền kinh tế hiện đại, năng động sẽ đi cùng với nhiều thách thức mới cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đây kéo theo các tranh chấp.
Quá trình giải quyết tranh chấp chỉ thực sự hiệu quả khi tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Pháp luật về trọng tài của Việt Nam hiện nay còn khá chung chung, một mặt đang để cửa mở để các trung tâm trọng tài, hội đồng trọng tài và các bên tranh chấp được quyền linh hoạt trong việc giải quyết vụ tranh chấp. Mặt khác, sự thiếu cụ thể này cũng đặt ra những thách thức nhất định.
Ông Nghĩa nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng những quy định cụ thể và chuẩn hóa quy trình giải quyết tranh chấp, từ đó hướng tới phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM), nói về tầm quan trọng của quản trị thời gian trong giải quyết tranh chấp. Theo ông Hậu, trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập, hiệu quả, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi của các bên với đội ngũ trọng tài viên giàu kinh nghiệm. Phương thức này ngày càng được doanh nghiệp quan tâm nhờ tính linh hoạt và tốc độ.
Tuy nhiên, theo ông Hậu, thực tế cho thấy một số vụ việc bị kéo dài không cần thiết, phần nào làm giảm hiệu quả của trọng tài. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cả sự thiếu cụ thể trong các quy định pháp luật, từ năng lực điều phối của Hội đồng Trọng tài, tổ chức trọng tài và từ sự hợp tác của các bên tranh chấp.
Ông Hậu nhấn mạnh tính cấp thiết cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể, điều chỉnh các bên liên quan nhằm đảm bảo trọng tài phát huy đúng vai trò là phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.

Các chuyên gia điều phối phiên thảo luận. Ảnh: YC
Với cấu trúc dưới dạng các phiên thảo luận (gồm 2 phiên chính là: Phiên toàn thể và Phiên chuyên môn), diễn đàn đã cung cấp cho người tham dự nhiều thông tin bổ ích dưới góc độ học thuật và thực tiễn về hoạt động quản trị thời gian trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Các chuyên gia khác cũng nhận định, hiện nay quy định pháp luật ở hầu hết các quốc gia hay quy tắc trọng tài của các trung tâm trọng tài đều không đặt ra giới hạn cụ thể về số lượng và thời gian tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp. Điều này giúp các bên có nhiều thời gian chuẩn bị, trình bày các luận điểm, thu thập chứng cứ, tuy vậy lại gián tiếp tạo nên những khuyết điểm khiến tính hiệu quả của trọng tài giảm xuống...
Như thế nào là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam?
Tại diễn đàn, luật sư Nguyễn Công Phú (nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, Trọng tài viên VIAC) trình bày chuyên đề về giai đoạn chuẩn bị dự thảo phán quyết trọng tài và những tình huống phát sinh.
Theo luật sư Phú, mục đích của việc xử lý tình huống phát sinh là loại trừ rủi ro phán quyết trọng tài bị tòa án hủy. Cụ thể, khắc phục các sai sót về tố tụng có thể dẫn đến phán quyết trọng tài bị tòa án hủy, khắc phục trường hợp mới phát hiện chứng cứ trong hồ sơ là giả mạo, bảo đảm nội dung phán quyết trọng tài không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; nâng cao hiệu quả, bảo đảm khả năng thi hành phán quyết trọng tài.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC
Theo ông Phú, hiện chưa có quy định cụ thể thế nào là phán quyết trọng tài bị hủy do trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại có hướng dẫn là phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên hướng dẫn này cũng chưa thực sự rõ ràng. Tại Điều 3 BLDS 2015 có nêu về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, để tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật nên có nghị quyết hướng dẫn rõ về trường hợp hủy phán quyết trọng tài khi phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.