Thế khó của hãng xe Trung Quốc GAC tại Việt Nam
Ra mắt sản phẩm ở phân khúc 'khó bán' cùng mức giá thiếu tính cạnh tranh, hãng xe Trung Quốc GAC dường như đang tự đặt mình vào thế khó.
Gia nhập thị trường xe Việt bằng một MPV cỡ lớn cùng với một SUV cỡ D, hãng xe Trung Quốc GAC Motor cho thấy hướng đi tương đối khác biệt so với xu hướng chung của các đối thủ cùng phân khúc. Thậm chí, cách tiếp cận của GAC tại Việt Nam cũng không tương đồng những gì mà hãng xe Trung Quốc từng thực hiện tại Malaysia.
Giá bán chưa đủ cạnh tranh
Hai cái tên đầu tiên có mặt trong màn ra mắt của GAC tại Việt Nam là GS8 - mẫu SUV hạng D - cùng với GAC M8, mẫu MPV cỡ lớn có kích thước tương đồng Kia Carnival và Volkswagen Viloran.
Trong đó, GAC GS8 có giá khởi điểm 1,269 tỷ đồng, còn khách hàng quan tâm GAC M8 sẽ có thể lựa chọn từ 3 phiên bản, giá bán dao động từ 1,699 tỷ đến 2,199 tỷ đồng.
Phân khúc SUV cỡ D tại Việt Nam đang có sự hiện diện của Ford Everest (1,099-1,545 tỷ đồng), Hyundai Santa Fe (từ 979 triệu đến 1,269 tỷ đồng), Toyota Fortuner (1,055-1,35 tỷ đồng), Mazda CX-8 (từ 949 triệu đến 1,129 tỷ đồng), Kia Sorento (từ 964 triệu đến 1,189 tỷ đồng) hay Mitsubishi Pajero Sport (1,13-1,365 tỷ đồng).
Khi đặt trong phân khúc, mức giá của GAC GS8 được đánh giá là tương đối thiếu tính cạnh tranh, bởi GS8 GL có giá bán rẻ nhất vẫn nhỉnh hơn bản tiêu chuẩn của các đối thủ, nhưng đồng thời chưa sở hữu gói công nghệ trợ lái nâng cao. Nếu muốn xe được trang bị các tính năng ADAS, khách hàng Việt cần mua GS8 phiên bản GT có giá 1,369 tỷ đồng.
Tương tự là trường hợp của GAC M8 khi khoảng giá 1,699-2,199 tỷ đồng là cao hơn khá nhiều so với Kia Carnival (1,189-1,759 tỷ đồng), đồng thời xấp xỉ khoảng giá 1,989-2,188 tỷ đồng hiện tại của Volkswagen Viloran.
Việc chọn các sản phẩm ra mắt ở phân khúc cao đi kèm giá bán chưa thật sự cạnh tranh khiến GAC Motor được cho là đang tự đưa mình vào thế khó ở lần đầu tiên đổ bộ thị trường xe Việt.
So với 2 lựa chọn của GAC, khách hàng có lẽ sẽ không quá khó khăn để tìm ra các phương án tốt hơn trong tầm giá, đặc biệt là đều có thương hiệu mạnh hơn so với hãng xe Trung Quốc.
Những phân khúc “khó bán”
Trên thực tế, phân khúc SUV cỡ D hay MPV cỡ lớn tại Việt Nam không phải là mảnh đất quá màu mỡ cho các hãng xe khai thác.
Ở nhóm SUV cỡ D, chỉ duy nhất Ford Everest đủ sức chen chân vào top 10 xe bán chạy nhờ lượng tiêu thụ 5.393 xe từ đầu năm, còn Kia Carnival cũng thu về doanh số 2.973 xe, đứng thứ 16 trong danh sách ôtô bán chạy nhất Việt Nam từ đầu năm.
Hiện, những phân khúc đang “nóng” tại Việt Nam bao gồm xe gầm cao 7 chỗ cỡ nhỏ, SUV cỡ B và phần nào đó là sedan cỡ B. Phần đông hãng xe mới khi ra mắt Việt Nam gần đây đều chọn ít nhất một sản phẩm “chào sân” thuộc nhóm này, như trường hợp của MG ZS, Lynk & Co 06, BYD Atto 3 hay sắp tới sẽ là Omoda C5.
Ngay với chính GAC, hãng xe Trung Quốc từng ra mắt thị trường Malaysia bằng mẫu SUV cỡ B có tên GAC GS3. Hồi đầu năm nay, GAC cũng chỉ định tập đoàn Tan Chong xây dựng nhà máy lắp ráp xe trị giá 12 triệu USD tại quốc gia Đông Nam Á này, phụ trách xuất xưởng GS3 ENZOOM hoàn toàn mới.
Dù vậy, việc GAC chọn ra mắt các sản phẩm ở phân khúc cao được nhiều người đánh giá là nước đi nhắm đến mục tiêu xây dựng giá trị thương hiệu, hơn là một động thái thu hút doanh số trong đợt “chào sân”. Việc trình làng các sản phẩm ở phân khúc cùng giá bán cao cũng giúp GAC có thể thoải mái “khoe” loạt công nghệ và trang bị sử dụng trên xe.
Bên cạnh khung gầm Megastar và khung xe theo kiến trúc GPMA (cấu trúc nền tảng mô-đun toàn cầu), bộ đôi GAC M8 và GAC GS8 còn gây chú ý nhờ loạt công nghệ trợ lái nâng cao ADAS với một số tính năng đáng chú ý như kiểm soát hành trình chủ động (ACC), kiểm soát tốc độ giới hạn chủ động (ISL-ACC), hỗ trợ lái xe khi tắc đường (TJA), hỗ trợ giữ làn và cảnh báo lệch làn đường hay hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động trang bị duy nhất trên phiên bản GX Master của GAC M8.
Bên cạnh đó, việc chưa vội trình làng sản phẩm ở các “điểm nóng” của thị trường cũng được cho là động thái có thể giúp GAC tránh được cuộc cạnh tranh gay gắt tại những phân khúc này. Điển hình ở phân khúc MPV cỡ lớn, “tân binh” GAC M8 chỉ đang phải cạnh tranh cùng Kia Carnival, Volkswagen Viloran hay Peugeot Traveller và phần nào đó là Toyota Alphard.
Tương lai nào cho GAC?
Tại sự kiện triển lãm ôtô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2024 (VMS 2024) tổ chức vào tháng 10 tới đây, GAC nhiều khả năng sẽ mang đến gian trưng bày M6 Pro, mẫu MPV được định vị thấp hơn một bậc so với “tân binh” GAC M8 vừa ra mắt cách đây ít ngày.
GAC M6 Pro hay sắp tới có thể là cả GAC GS3 đều được đánh giá là những mẫu xe có tiềm năng mang lại thành công lớn hơn dành cho GAC tại Việt Nam, thay vì những cái tên “khó bán” như GAC GS8 hay GAC M8.
Khách hàng Việt Nam dường như đang khá ưa chuộng những mẫu xe trong tầm giá 700 triệu đồng, bởi top 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam đang ghi nhận sự hiện diện của những cái tên như Mitsubishi Xpander (560-698 triệu đồng), Hyundai Accent (439-569 triệu đồng), Toyota Vios (458-545 triệu đồng), Mitsubishi Xforce (599-705 triệu đồng) hay Toyota Yaris Cross (650-765 triệu đồng) và Honda City với khoảng giá 559-609 triệu đồng.
Dù vẫn sở hữu một tệp khách hàng nhất định, nhóm SUV cỡ D của GS8 hay các xe MPV cỡ lớn như GAC M8 khó có thể trở thành những sản phẩm mang lại doanh số tốt. Như đã đề cập, danh sách 10 ôtô bán chạy nhất Việt Nam chỉ có duy nhất Ford Everest là đại diện nhóm SUV cỡ D, trong khi Kia Carnival dù bán khá ổn vẫn phải chấp nhận đứng ngoài top 15 xe có doanh số cao nhất.
Nằm ở phân khúc “ngách” với giá bán tương đối cao cùng cái mác “xe Trung Quốc” là những yếu tố có thể khiến GAC GS8 và GAC M8 không dễ thuyết phục khách hàng Việt “xuống tiền”. Khả năng gắn bó lâu dài của GAC tại Việt Nam cũng là một dấu hỏi và trở thành rào cản không nhỏ trước quyết định mua xe, mặc cho hãng đã chia sẻ kế hoạch mở đến 20 đại lý trên cả nước trong năm sau và hướng đến tổng cộng 30 đại lý vào năm 2026.
Dù vậy, nếu có thể duy trì sự hiện diện ở Việt Nam dù không bán tốt những mẫu xe đầu tiên, đồng thời cải thiện số lượng đại lý cũng như nhận diện thương hiệu, GAC sẽ có thêm cơ hội trình làng nhiều mẫu xe trong các phân khúc đang nhận được sự quan tâm lớn như SUV đô thị hay MPV bình dân trong tầm giá 700 triệu đồng. Có thể đến thời điểm đó, GAC mới thực sự bắt đầu tìm kiếm doanh số tại Việt Nam, tương tự vai trò của Lynk & Co 06 với hãng xe thuộc tập đoàn Geely.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, giá bán vẫn là yếu tố quyết định thành/bại của bất kỳ hãng xe nào, đặc biệt với một nhà sản xuất ôtô đến từ quốc gia tỷ dân như GAC Motor. Trước mắt, GAC có thể tìm cách nhập khẩu ôtô từ các quốc gia Đông Nam Á và tiến đến lắp ráp xe trong nước để giảm giá thành, thay vì phải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc như giai đoạn ban đầu.
Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi về mức độ thành công của GAC tại thị trường Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, GAC GS8 và GAC M8 nhiều khả năng sẽ chỉ là sản phẩm mang tính chất “chào hàng” về mặt công nghệ, do đó chưa thể trở thành những “cỗ máy kiếm tiền” của hãng xe Trung Quốc.