Thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng ý thức rõ hơn về cội nguồn
Tại tọa đàm Nghệ thuật và cảm xúc sáng ngày 16/2, dịch giả Trịnh Lữ nhận định rằng thế hệ trẻ Việt Nam đang hướng về cội nguồn nhiều hơn.

Dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ tại buổi tọa đàm Nghệ thuật và cảm xúc. Ảnh: San Hô Books.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, giới trẻ Việt Nam đang đứng giữa nhiều dòng chảy nghệ thuật trên thế giới. Họ có cơ hội tiếp xúc với những trường phái nghệ thuật ở các nước phát triển tại phương Tây.
Theo dịch giả Phương Thảo - đại diện nhóm dịch giả Artplas - nghệ thuật phương Tây đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ hiện thực, ấn tượng đến hiện đại và hậu hiện đại. Người nghệ sĩ luôn cố gắng phá vỡ những định nghĩa sẵn có để khai sinh ra những trường phái mới.
Dù vậy, dịch giả Phương Thảo nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam khi tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây cảm thấy khó hiểu, bởi họ chưa được chuẩn bị để tiếp nhận những quan điểm, giá trị thẩm mỹ mới. Điều này tạo nên một sự đứt gãy trong quá trình cảm thụ.
Dù vậy, họa sĩ Trịnh Lữ lại có một góc nhìn lạc quan hơn khi nói về thế hệ trẻ. Ông không lo lắng về sự đứt gãy trên, ngược lại, ông nhận thấy một xu hướng tích cực: Giới trẻ đang ý thức hơn về bản thân và cội nguồn. Khi bước ra thế giới, họ luôn mang theo trong mình những giá trị văn hóa Việt Nam. Người trẻ không bị cuốn theo những làn sóng nghệ thuật mang tính thời thượng và giữ được bản sắc riêng. Khả năng cảm thụ nghệ thuật của người trẻ đa dạng và gắn với các trải nghiệm đậm chất đời sống Việt.

Cuốn sách Nghệ thuật không chỉ để ngắm. Ảnh: San Hô Books.
Chia sẻ tại buổi ra tọa đàm Nghệ thuật và cảm xúc ngày 16/2, dịch giả Trịnh Lữ nói: “Tiếp xúc với những bạn trẻ bây giờ tôi không thấy lo lắng chuyện đứt gãy, họ luôn tìm về cội nguồn, giá trị riêng của gia đình, nòi giống. Họ đi ra thế giới và luôn ý thức điều đó”.
Tuy nhiên, dịch giả Trịnh Lữ cũng nhận định rằng nghệ thuật ngày nay đã trở nên quá phổ biến đến mức nhiều người xem nó là điều hiển nhiên. Điều này dẫn đến tình trạng nghệ thuật bị bình thường hóa, khiến khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và công chúng ngày càng lớn. Trịnh Lữ cho rằng người nghệ sĩ phải tham dự vào đời sống, nhìn nhận nghệ thuật là một phần của đời sống xã hội.
Ông nhấn mạnh: “Nghệ thuật là lao động điêu luyện, làm nghệ thuật phải có mục đích. Đây là quan điểm đối lập với chủ nghĩa cá nhân cực đoan hiện nay - một số nghệ sĩ cho rằng chỉ cần thể hiện bản thân là đủ, bất chấp việc công chúng có thể tiếp nhận hay không”.
Nhìn vào nghệ thuật phương Tây, có thể thấy dù đạt đến đỉnh cao văn minh, nhưng họ cũng đối mặt với khủng hoảng trong tâm thức. Trong khi đó, xã hội Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, tạo điều kiện để giới trẻ có thể khám phá bản thân và không bị áp lực của những nền văn minh tiến bộ khác. Họ đang chủ động tìm kiếm con đường nghệ thuật của riêng mình, không vướng vào những tranh luận về “thế nào là nghệ thuật”. Thay vào đó, họ sáng tạo nghệ thuật với chất liệu dân gian của đất nước.
Thế hệ trẻ Việt Nam đang từng bước rút ngắn khoảng cách với nghệ thuật thế giới, không phải bằng cách chạy theo xu hướng, mà bằng sự thấu hiểu và ý thức sâu sắc về chính mình.