Thế giới trước giờ Mỹ áp thuế 'Ngày giải phóng'
Nhà Trắng ngày 1/4 thông báo, các mức thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ có hiệu lực ngay sau khi tổng thống Mỹ Trump công bố vào ngày 2/4 (giờ địa phương). Tuy nhiên, thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi của các biện pháp đánh thuế tới nay vẫn chưa được tiết lộ.
Ngày 2/4 được tổng thống Mỹ Trump gọi là “Ngày Giải phóng” ngày đánh dấu sự kiện nước Mỹ chính thức công bố một loạt các biện pháp thuế nhập khẩu mới nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa nước ngoài.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt một lần nữa khẳng định lại sự đúng đắn của động thái này: “Ngày 2/4/2025 sẽ là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Mỹ là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới và có cơ sở tiêu dùng tốt nhất trong khi rất nhiều nước đóng cửa đối với xuất khẩu của Mỹ. Điều này là không công bằng và dẫn tới tình trạng thâm hụt hàng năm dai dẳng ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp và lực lượng lao động Mỹ. Từ ngày 2/4, hành động của Tổng thống Trump sẽ cải thiện tính cạnh tranh của Mỹ trong mọi ngành công nghiệp, giảm đáng kể thâm hụt thương mại, và bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia Mỹ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Theo giới phân tích, chiến lược của ông Trump có nguy cơ gây ra các chuỗi phản ứng dây chuyền trả đũa từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada và Liên minh châu Âu.
Mới nhất, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết sẽ “rất thận trọng” trong các biện pháp đối phó với thuế quan của Mỹ và có động thái đáp trả theo hướng có tác động ảnh hưởng “tối đa” lên Mỹ và “tối thiểu” đến người dân Canada: “Canada sẽ phản ứng với các biện pháp thuế bổ sung từ phía Mỹ. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nếu có thêm các biện pháp gây bất lợi cho Canada vào ngày 2/4. Chúng tôi cũng sẽ rất thận trọng khi đưa ra các biện pháp để đấu tranh cho Canada nhưng cũng để bảo vệ và giảm thiểu tác động đối với Canada”.
Ngoài ra, ông Mark Carney hôm qua 1/4 cũng có điện đàm với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum để thảo luận về “tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư bền chặt giữa hai quốc gia”. Theo giới phân tích, nếu được ban hành, mức thuế quan của Mỹ sẽ giáng một đòn kinh tế mạnh mẽ vào cả 2 quốc gia, vốn đang tham gia vào một hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Hiệp định thương mại tự do 3 bên giữa Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Căng thẳng đã vượt qua khỏi khu vực Bắc Mỹ lan tới Liên minh châu Âu, khi khối này vẫn hy vọng đàm phán một giải pháp nhưng “mọi công cụ đều được đưa ra” để trả đũa nếu cần thiết. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: “Thông điệp của tôi gửi đến các bạn rằng Liên minh châu Âu có mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân và sự thịnh vượng. Chúng ta là thị trường đơn lẻ lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Chúng ta có sức mạnh để đàm phán, có sức mạnh để phản kháng. Và người dân Châu Âu nên biết rằng cùng nhau chúng ta sẽ luôn thúc đẩy và bảo vệ lợi ích và các giá trị của Liên minh Châu Âu”.
Tại châu Á, các mức thuế đe dọa của ông Trump đã thúc đẩy các quốc gia tự bảo vệ mình. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuối tuần qua đã thành lập một liên minh hiếm hoi, đồng ý tăng cường thương mại tự do giữa 3 nước.
Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định các chính sách thương mại của ông nhằm bảo vệ người lao động và ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực từ các thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc áp thuế cao có thể làm tăng giá cả hàng hóa ở cả thị trường Mỹ và toàn cầu, toàn bộ nền kinh tế quốc tế nói chung.