'Thế giới không còn phẳng'
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, 'thế giới không còn phẳng, ít nhất là về thương mại, mà là hệ thống thương mại với rất nhiều cạm bẫy và rủi ro phụ thuộc vào thế mạnh của các quốc gia lớn trong tiến trình đàm phán'.

TS. Lê Xuân Nghĩa
Ông có thể chia sẻ góc nhìn về chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay?
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã xây dựng một chiến lược phát triển mới cho nước Mỹ, bao gồm 3 trụ cột: thứ nhất, cải cách thể chế hành chính, với phương châm tinh gọn bộ máy và chính phủ hiệu quả; thứ hai, xóa bỏ thâm hụt thương mại và giảm nợ công; thứ ba, cắt giảm thuế nội địa và phát triển sản xuất trong nước. Hai trụ cột sau phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thuế quan (thuế xuất nhập khẩu). Biện pháp chủ chốt để giảm thâm hụt thương mại và giảm nợ Chính phủ là sử dụng chính sách thuế quan với tư tưởng thương mại công bằng giữa Mỹ và các quốc gia, nói cách khác là chính sách thuế đối ứng, mức thuế ngang nhau giữa các đối tác.
Vô hình trung, nền tảng thương mại toàn cầu thay đổi từ thương mại dựa trên tối huệ quốc và các nguyên tắc của WTO chuyển sang một hệ thống thương mại song phương. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phải thay đổi.
Thế giới không còn phẳng, ít nhất là về thương mại, mà là hệ thống thương mại với rất nhiều cạm bẫy và rủi ro phụ thuộc vào thế mạnh của các quốc gia lớn trong tiến trình đàm phán. Đây là một hệ thống thương mại bất lợi cho các nước nhỏ, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Nhiều chuyên gia dự báo, chính sách thương mại này cũng nhằm kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc cả về quy mô kinh tế, công nghệ, quốc phòng. Để làm được điều đó, Mỹ cần phải có một nhóm các nước đồng minh mạnh nhằm cùng nhau bảo vệ vị thế của đồng USD, với tư cách là đồng tiền thanh toán quốc tế và dự trữ quốc tế và nền tảng quan trọng để thỏa mãn được điều kiện này là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong dài hạn, hạn chế được bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, các nước có dự trữ ngoại tệ bằng USD thì phải dựa vào thặng dư thương mại với Mỹ và ngược lại. Không có thặng dư thương mại thì cũng không có dự trữ. Đây chính là mâu thuẫn trong chính sách thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về cơ bản, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp...
Nếu Mỹ muốn tăng xuất khẩu thì không có một biện pháp nào hữu hiệu bằng việc duy trì đồng USD yếu ở mức nhất định, điều này cũng mâu thuẫn với việc họ muốn có một đồng USD mạnh?
Tất nhiên, duy trì USD yếu ở một mức vừa phải để có lợi cho xuất khẩu sẽ giúp sản xuất nội địa phát triển mạnh và tạo ra cân bằng kinh tế vĩ mô dài hạn. Trái lại, vì một lý do nào đó, chẳng hạn chiến tranh tiền tệ giữa các cường quốc, USD sụt giảm giá trị mạnh khoảng 19 - 20% thì như tính toán của các chuyên gia, kinh tế Mỹ có thể sụp đổ và USD mất vị thế hiện nay.
Do đó, các chuyên gia phân tích đều cho rằng, cuộc chiến thuế quan có thể chỉ dừng lại với 3 cấp độ: thứ nhất, những nước đồng minh của Mỹ trong nhóm bảo vệ đồng USD (Hiệp ước Mar-a-Lago) sẽ được hưởng mức thuế quan thấp nhất, có thể là 0 - 1% hoặc 2%; thứ hai, đại bộ phận các nước khác không thuộc nhóm này có thể chịu mức thuế quan trung bình 10%; thứ ba, Trung Quốc và một số nước bị liệt vào danh sách thân thiện với Trung Quốc có thể có mức thuế quan cao hơn.
Nếu như vậy, sau 90 ngày đàm phán, căng thẳng thương mại sẽ dịu lại, thị trường tài chính có thể phục hồi mạnh nhưng điều kiện thương mại đã thay đổi. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần duy trì các quan hệ thương mại tốt và chuẩn bị điều kiện để kết nối trở lại với các đối tác trên một nền tảng thương mại mới.
Trong trường hợp cần phải đàm phán lại thì cũng phải được chuẩn bị một cách bài bản, cẩn trọng. Tất nhiên, không phải quan hệ thương mại nào cũng có những thay đổi lớn, nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi. Điều đó cho thấy, cuộc chiến thuế quan lần này mặc dù không gay gắt như ban đầu nhưng cũng tạo ra những khó khăn lớn cho thương mại toàn cầu nói chung, đặc biệt là cho các nước đang phát triển - thường yếu thế hơn trong các đàm phán thương mại song phương.
Căng thẳng thương mại gần đây đưa đến những dự báo kinh tế suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Từ góc nhìn của ông, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?
Tôi không cho rằng kinh tế Mỹ, châu Âu có thể đi vào suy thoái như nhận định của một số chuyên gia (thậm chí một số dự báo khả năng suy thoái lên tới 90%), nhưng những khó khăn lớn như đã chia sẻ ở trên có thể làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm khoảng 0,3 - 0,5%, lạm phát có thể tăng thêm 0,5% và thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 0,5% trong năm 2025. Vì vậy, có thể dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó có thể đạt được như mục tiêu đề ra là 8% hoặc trên mức đó. Lạm phát có thể tăng thêm khoảng 0,5% so với cuối năm ngoái và VND có thể mất giá so với USD khoảng 4 - 5% trong năm nay.
Về cơ bản, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định (tăng trưởng khá cao so với các nước khác), lạm phát và mức mất giá đồng tiền khá thấp có thể giúp cho thị trường tài chính phục hồi trở lại so với giai đoạn biến động hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là cuộc khủng hoảng thương mại, chứ không phải là cuộc khủng hoảng tài chính. Nền tảng tài chính toàn cầu vẫn vững chắc, đây là thuận lợi cơ bản nhất.
Khủng hoảng thương mại có thể giải quyết thông qua đàm phán, nhượng bộ, chia sẻ. Nói cách khác, mạch máu tài chính toàn cầu về cơ bản vẫn vững vàng. Tuy nhiên, đầu tư có thể tăng chậm lại, kể cả đầu tư trực tiếp, gián tiếp. Thị trường chứng khoán, tiêu dùng cũng chậm lại, do đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp có thể phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng khả năng huy động vốn bằng phát hành trái phiếu vẫn tốt.
Việt Nam đang có kế hoạch phát hành khối lượng lớn trái phiếu chính phủ cho các dự án đầu tư công như đường sắt, sân bay, cảng biển… và mức độ phát hành sẽ ngày càng lớn trong những năm tới. Đây có thể coi là một kênh đầu tư tài chính cho các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…, do đó, cũng sẽ trở thành động lực phát triển quan trọng trong thời gian tới. Tất nhiên, huy động vốn cho đầu tư công có thể ảnh hưởng nhất định đến chi phí đầu tư tư nhân, nhưng đầu tư công cũng có thể tạo ra mức độ lan tỏa lớn, kích hoạt đầu tư tư nhân và phát triển đô thị hóa như các thị trấn xung quanh sân bay, đường sắt, cảng biển… Ví dụ, Long Thành có thể trở thành thành phố vệ tinh của TP.HCM, với quy mô dân số không chỉ 500.000 người như hiện nay, mà có thể lên tới hàng triệu trong tương lai.
Vì vậy, có thể dự đoán rằng, lãi suất tiết kiệm và lãi suất huy động khó có thể duy trì được ở mức thấp như hiện nay. Theo đó, đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm vẫn là một kênh chủ đạo trong thời gian tới và các doanh nghiệp nên có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp càng sớm càng tốt để có được nguồn vốn và lãi suất thấp, ít nhất trong vòng 1 - 2 năm tới.
Ngoài thuế quan, theo ông, còn vấn đề nào cần lưu ý?
Ngoài thuế quan, Mỹ rất chú trọng đến việc giảm thâm hụt thương mại bằng các hàng rào kỹ thuật khác. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ, khoảng 120 tỷ USD trong năm 2024, chiếm tới 25% GDP. Trong khi Nhật Bản, một nền kinh tế lớn, với GDP trên 4.000 tỷ USD nhưng thặng dư thương mại với Mỹ chỉ có 68 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP; hoặc Trung Quốc, với GDP khoảng 19.000 tỷ USD, thặng dư thương mại với Mỹ là 300 tỷ USD, chiếm khoảng 1,6% GDP. Điều này cho thấy, việc khắc phục thặng dư thương mại đối với Việt Nam vô cùng khó khăn do nước ta còn nghèo, khó có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa, máy móc công nghệ từ Mỹ để cân bằng thương mại trong ngắn hạn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh về việc xuất khẩu hàng sang Mỹ, cần tách doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để có chính sách phù hợp. Và cần phải lưu ý rằng, cuộc đàm phán lần này trong 90 ngày chỉ có thể thống nhất được với nhau về nguyên tắc, còn cụ thể vẫn phải tiếp tục đàm phán, có khi phải hàng năm. Trong 90 ngày, Mỹ không thể đàm phán với 75 nước cho 12.000 sản phẩm hàng hóa. Như vậy, thương mại trong tương lai sẽ là thương mại song phương dựa trên các kết quả đàm phán, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cấp nhanh chóng về cơ sở dữ liệu công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo và kỹ năng đàm phán thương mại quốc tế để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới. Đây là điều vô cùng quan trọng trong cục diện kinh tế thế giới tương lai.