Thế giới ghi nhận thêm 6.366 ca tử vong; Mỹ dẫn đầu về số ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 445.000 ca nhiễm và 6.366 ca tử vong. Nâng tổng số ca nhiễm toàn thế giới tính đến 6h ngày 17/11 là 255.016.333 ca, trong đó có 5.128.446 ca tử vong. Nước Mỹ lại dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới.

Trong 24 giờ, thế giới ghi nhận trên 4.200 ca tử vong; Nga chiếm trên 1.200 ca Nước Nga đứng đầu thế giới về ca nhiễm và ca tử vong mới; dịch bùng mạnh tại Hàn Quốc Thế giới vượt 5 triệu ca tử vong; châu Âu vẫn "soán ngôi" tâm dịch

Chôn cất bệnh mắc Covid-19 tại Brazil

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 230.529.445 người, 19.358.442 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.959 ca nguy kịch.

Theo thống kê, trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 61.231 ca; Đức đứng thứ hai với 39.985 ca; tiếp theo là Anh (37.243 ca).

Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.240 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (867 ca) và Ukraine (838 ca tử vong).

Tính đến nay, nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với tổng số 48.134.129 ca nhiễm và 785.813 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới với tổng cộng 34.456.401 ca nhiễm và 463.852 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 21.965.684 ca bệnh và 611.478 ca tử vong.

Xét theo khu vực, Châu Á là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 80,86 triệu ca nhiễm; tiếp đến là châu Âu với trên 68,75 triệu ca nhiễm; Bắc Mỹ ghi nhận trên 57,7 triệu ca nhiễm; Nam Mỹ là 38,71 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,64 triệu ca và châu Đại Dương trên 338.000 ca nhiễm.

Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực này được cho là “rất đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia) và “đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên khác.

Hiện tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%.

Tại Áo, nơi mà tỷ lệ mắc COVID-19 thuộc loại cao nhất châu Âu, chính quyền thực hiện phong tỏa đối với những người chưa được tiêm chủng kể từ ngày 15/11.

Tại Hà Lan, nước này đã quyết định một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 6 giờ chiều trong khi các cửa hàng thiết yếu như siêu thị phải đóng cửa lúc 8 giờ tối.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức ngày 28/4/2021.

Một số quốc gia châu Âu khác chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cũng đang lên kế hoạch cho các quy định mới... Đặc biệt là trường hợp của Đức - nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và chứng kiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau hai tuần.

Ở Pháp, theo báo Le Point, sự bùng phát của dịch tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên, tất cả các khoa điều trị tại các bệnh viện của Pháp đều được chuyển sang cấp độ 2 trong quy trình y tế và nước này quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh kể từ ngày 15/11.

Tại Cuba, chiều 16/11/202, Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez khẳng định đảo quốc Caribe này đã bước vào trạng thái “bình thường mới” một cách ổn định, theo đó các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, học sinh, sinh viên trở lại các trường học và các sân bay quốc tế mở cửa trở lại.

Tại Nga, ngày 16/11, Nga thông báo 36.818 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên 9.145.912. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 27/10. Nga cũng ghi nhận thêm 1.240 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 257.837.

Ngày 16/11, New Zealand ghi nhận 222 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này lên 5.973 ca.

Theo Bộ Y tế New Zealand, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4.609 ca được xác định có liên quan yếu tố dịch tễ đến các ca bệnh khác hoặc từ một ổ dịch phát sinh, trong khi 866 ca chưa được xác định nguồn lây nhiễm.

Tại Slovakia, thống kê chính thức cho thấy, mỗi ngày nước này có khoảng 6.500 ca nhiễm mới. Tính đến sáng 17/11, quốc gia 5,5 triệu dân đã ghi nhận gần 570.000 ca nhiễm và 13.644 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca-Oxford.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm đến nay lên tới 56.324 trường hợp. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

Sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11 nước này lại ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng lên tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 110 người.

Tại Philippines, ngày 16/11 ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày đã giảm xuống dưới 2.000 ca. Tổng thống nước này cho biết nền kinh tế Philippines "có thể sớm trở lại hoạt động trước đại dịch" sau khi đạt được "lực kéo" trong quý trước nhờ tiêu dùng hộ gia đình tăng mạnh.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/the-gioi-ghi-nhan-them-6366-ca-tu-vong-my-dan-dau-ve-so-ca-nhiem-95595.html
Zalo