Ông Trump nhậm chức, WEF Davos và loạt dấu ấn kinh tế thế giới tuần 20-26/1

Tuần qua, sự kiện thu hút sự quan tâm toàn cầu là lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump và theo sau đó là hàng trăm sắc lệnh đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Washington…

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Dưới đây là các sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua do VnEconomy điểm lại.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng

Vào lúc 12h01 ngày 20/1 theo giờ Mỹ, tại Tòa nhà Quốc hội ở Capital Hill, thủ đô Washington, ông Trump, 78 tuổi, tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông là tổng thống đầu tiên có hai nhiệm kỳ không liên tiếp tại Mỹ trong hơn một thế kỷ trở lại đây.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông khẳng định "Kỷ nguyên vàng của Mỹ bắt đầu" và “Thời kỳ suy tàn của nước Mỹ đã kết thúc”.

Sau tuần đầu tiên trở lại nắm quyền, ông Trump được đánh giá là đã áp đặt lý trí của mình lên Washingtin một các nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời khẩn trương chứng minh những cam kết khi tranh cử của ông không phải lời nói suông.

Một trong những động thái đầu tiên mà ông Trump thực hiện sau khi trở thành tổng thống là thực hiện tái thiết bộ máy liên bang mà ông cho là quan liêu và thù địch với mình trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) bằng cách điều chuyển hoặc sa thải hàng trăm công chức.

Tân Tổng thống cũng nhanh chóng điều động quân đội tới biên giới phía Nam, sa thải người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Mỹ và thách thức hiến pháp Mỹ bằng một loạt sắc lệnh với phạm vi tác động lớn từ các quy định về môi trường cho tới quy định về quyền công dân. Trong đó có 26 sắc lệnh được ban hành trong vòng vài giờ sau lễ nhậm chức.

Một trong những động thái được đánh giá là quyết liệt nhất là ông Trump ân xá cho hơn 1.000 người tham gia vụ bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021.

Những quyết định quan trọng trong tuần đầu của chính quyền Trump 2.0

Về chính sách nhập cư, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía Nam và siết chặt kiểm soát hoạt động nhập cư, giao nhiệm vụ cho quân đội tăng cường kiểm soát biên giới, xác định các tổ chức và băng nhóm tội phạm khủng bố, ngừng tiếp nhận người xin tị nạn.

Ông Trump cũng có động thái bãi bỏ cách diễn giải lâu nay về Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, bằng cách ký lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang từ chối cấp quyền công dân theo nơi sinh cho con của người nhập cư trái phép hoặc người có thị thực tạm thời. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang Mỹ sau đó đã ban hành lệnh tạm dừng khẩn cấp sắc lệnh này.

Về chính sách năng lượng, ngay trong ngày nhậm chức, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia và ra lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Đây là những động thái đầu tiên trong nỗ lực triển khai chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ.

Về thương mại, ông Trump ký ban hành một biên bản ghi nhớ với tiêu đề “Nước Mỹ trên hết” với cam kết triển khai chính sách thuế quan bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. Ông yêu cầu các cơ quan liên bang đánh giá các hoạt động thương mại không công bằng, nguyên nhân gây thâm hụt thương mại và xác định các nước thao túng tiền tệ và đánh thuế bất công với doanh nghiệp Mỹ.

Từ khi nhậm chức, ông Trump chưa đưa ra sắc lệnh nào về áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cho biết đang cân nhắc áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, và 10% với hàng Trung Quốc từ ngày 1/2. Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể bị áp thuế quan do thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tân Tổng thống cũng tuyên bố sẽ bổ sung thuế quan vào các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu Moscow không đi đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột với Ukraine.

Theo các nhà phân tích, tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ này của ông Trump khác biệt hoàn toàn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông nhờ có sự chuẩn bị tốt hơn. Một số chuyên gia cho rằng đội ngũ của ông Trump có thể đã chuẩn bị cho sự trở lại ngay từ khi ông rời Nhà Trắng 4 năm trước.

Chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Bên cạnh sự kiện nhậm chức của ông Trump tại Mỹ, một sự kiện đáng chú ý tuần qua là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 45 diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ.

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về việc tiếp tục mở cửa nền kinh tế và nhấn mạnh 3 xu hướng định hình sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp, và cải cách hướng tới tầm cao hơn.

Cũng chiếm sóng sự kiện này, trong bài phát biểu đầu tiên trước giới doanh nhân và chính trị gia toàn cầu được phát qua video tại sự kiện, ông Trump kêu gọi các giảm lãi suất ngay lập tức. Ông cho biết sẽ gây sức ép buộc lãi suất giảm tại Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới cũng nên giảm theo. Ông cũng cho rằng Saudi Arabia và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine, vì để giá dầu tăng. Do đó, ông cho biết sẽ yêu cầu Arab Saudi và OPEC hạ giá dầu để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine.

Mỹ chuẩn bị chấm dứt quy chế thương mại bình thường với Trung Quốc

Các nhà lập pháp Mỹ ngày 23/1 công bố một dự luật lưỡng đảng mới nhằm thu hồi Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Trung Quốc, áp đặt thuế quan cao và chấm dứt quy định miễn trừ thuế với hàng hóa giá trị thấp (de minimis exemption) từ Trung Quốc.

Dự luật được đưa ra sau khi ông Trump ký biên bản ghi nhớ về chính sách thương mại trong đó yêu cầu các cơ quan chính phủ đánh giá lại việc chỉ định PNTR với Bắc Kinh.

Quốc hội Mỹ thông qua quy chế PNTR với Trung Quốc vào năm 2000, mở đường để nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Mỹ thường xuyên chỉ trích sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào nền kinh tế, bao gồm các khoản trợ cấp lớn dành cho một số ngành công nghiệp chiến lược, vi phạm quy định của WTO.

Theo các nhà phân tích, dự luật trên nhiều khả năng sẽ sớm được Quốc hội Mỹ thông qua bởi đảng Cộng hòa hiện nắm đa số ghế ở cả Hạ viện và Thượng viện. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp của cả hai đảng đều muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ với Trung Quốc.

Nếu được thông qua, luật này sẽ chấm dứt việc gia hạn hàng năm đối với quy chế PNTR, đồng thời áp thuế quan tối thiểu 35% với các mặt hàng không phải chiến lược và tối thiểu 100% với hàng hóa chiến lược. Các mức thuế quan này sẽ được áp dụng dần trong vòng 4 năm, với 10% năm đầu tiên, 25% năm thứ hai, 50% năm thứ tư và 100% năm thứ 5. Luật cũng chấm dứt quy định miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp từ một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc.

Liên doanh đầu tư trăm tỷ USD vào hạ tầng AI tại Mỹ

Cũng trong tuần đầu của nhiệm kỳ, ông Trump công bố một liên doanh đầu tư giữa startup công nghệ OpenAI, công ty phần mềm Oracle của Mỹ, tập đoàn Nhật Bản Softbank và một số đối tác lớn để rót vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ.

Dự án liên doanh có tên Stargate, được Tổng thống Trump, CEO Softbank Masayoshi Son, CEO OpenAI Sam Altman và người đồng sáng lập Oracle Larry Ellison công bố ngày 21/1 tại Nhà Trắng. Dự án này sẽ được thành lập như một công ty. Theo công bố, các CEO cam kết đầu tư ban đầu 100 tỷ USD vào dự án liên doanh và tăng lên tới 500 tỷ USD trong 4 năm tới. Dự án sẽ được thành lập như một công ty riêng.

Nhật tăng lãi suất lên cao nhất 17 năm

Không nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích, sau cuộc họp kéo dài hai ngày, hôm thứ Sáu (24/1), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008 và giữ lập trường cân bằng về các quyết định tương lai. Đây là đợt tăng lãi suất thứ ba trong vòng 10 tháng trở lại đây tại Nhật. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Tokyo và các đối tác thương mại khác của Mỹ chờ đợi tín hiệu chính sách rõ ràng hơn từ ông Trump.

Theo đó, lãi suất tại Nhật tăng 0,25 điểm phần trăm lên 0,5%. Trước đó, BOJ chính thức chấm dứt lãi suất âm với động thái tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2024 và thêm một lần tăng nữa vào tháng 7.

Sau khi quyết định của BOJ được công bố, đồng yên Nhật có thời điểm tăng 0,6% so với USD, giao dịch ở mức 155,12 yên đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng 2,5 điểm cơ bản, đạt 12,3%. Thời điểm Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ tổ chức họp báo sau cuộc họp chính sách, đồng yên tăng mạnh hơn 1% lên 154,84 yên đổi 1 USD. Tại họp báo, ông Ueda nhấn mạnh nền kinh tế Nhật đang đi đúng hướng, tạo điều kiện cho việc bình thường hóa chính sách hơn nữa trong tương lai.

Giá vàng tiến sát mức kỷ lục

Tuyên bố của ông Trump tại Davos đã đẩy giá vàng thế giới phiên giao dịch ngày 24/1 tăng vọt 17 USD lên 2.770 USD/ounce. Trong phiên, có thời điểm, giá kim loại này đạt 2.786 USD/ounce – tiến sát mức kỷ lục mọi thời đại 2.790 USD/ounce thiết lập ngày 31/10/2024. Tính từ đầu tuần, giá vàng thế giới tăng 0,7%, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Chủ trương áp thuế quan của ông Trump có thể đẩy lạm phát lên cao hơn, tạo ra một môi trường cho vàng phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát. Ngoài ra, việc ông Trump muốn lãi suất thấp hơn cũng có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ong-trump-nham-chuc-wef-davos-va-loat-dau-an-kinh-te-the-gioi-tuan-20-26-1.htm
Zalo