'Thế giới đang chứng kiến cuộc cạnh tranh quyền lực lớn nhất trong nhiều thập kỷ'

Ngày 21-7, theo AP, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres nhận định: Thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh đã kết thúc và thế giới đang hướng tới một kỷ nguyên đa cực mới được đánh dấu bằng sự căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh quyền lực lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Người đứng đầu LHQ chỉ ra một loạt thách thức như xung đột ngày càng phức tạp hơn, tái xuất hiện những lo ngại về chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra, bất bình đẳng gia tăng trong và giữa các quốc gia, chủ nghĩa khủng bố lan rộng, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, gia tăng sự mất lòng tin vào các tổ chức công và quyền con người đang bị tấn công trên toàn cầu. Xung đột Nga – Ukraine khiến việc giải quyết những thách thức này càng trở nên khó khăn.

Mặc dù Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã cứu sống hàng triệu người, nhưng các cuộc xung đột kéo dài chưa được giải quyết do các tình hình phức tạp trong nước, địa chính trị và xuyên quốc gia, cũng như các yếu tố không phù hợp kéo dài giữa nhiệm vụ và nguồn lực. Điều này đã bộc lộ những hạn chế của Lực lượng gìn giữ hòa bình.

Cảnh báo những chia rẽ này đang làm suy yếu nền tảng của LHQ, nơi tất cả các quốc gia cùng hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu- TTK LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc duy trì chủ nghĩa đa phương, Ông nói: “Trong thế giới đầy rạn nứt và rắc rối của chúng ta, các quốc gia có trách nhiệm duy trì thể chế phổ quát của chúng ta”.

TTK Antonio Guterres đưa ra quan điểm nói trên nhân dịp LHQ khởi động những chính sách mới liên quan tới Chương trình nghị sự vì hòa bình. Đây là nỗ lực của LHQ nhằm giải quyết các mối đe dọa mới.

Chương trình nghị sự mới vì hòa bình đưa ra 12 nhóm đề xuất hành động cụ thể, trong 5 lĩnh vực ưu tiên như tăng cường phòng ngừa ở cấp độ toàn cầu bằng cách giải quyết các rủi ro chiến lược và chia rẽ địa chính trị; chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí đang bị xói mòn, vì vậy phải cố gắng hết sức để loại bỏ nguy cơ do vũ khí hạt nhân gây ra; cần đẩy mạnh ngoại giao phòng ngừa ở cấp độ toàn cầu trước tình trạng phân mảnh ngày càng tăng và khả năng xuất hiện các khối địa chính trị với các quy tắc thương mại, chuỗi cung ứng, tiền tệ và internet khác nhau...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/the-gioi-dang-chung-kien-cuoc-canh-tranh-quyen-luc-lon-nhat-trong-nhieu-thap-ky-635963.html
Zalo