Cổ phiếu Tesla tăng mạnh khi đội ngũ ông Trump lên kế hoạch thiết lập quy định liên bang cho ô tô tự lái

Cổ phiếu Tesla đã tăng hơn 7% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 18.11 (giờ Mỹ) sau khi trang Bloomberg đưa tin đội ngũ chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lên kế hoạch thiết lập các quy định liên bang cho ô tô tự lái.

Thông tin này xuất hiện vài ngày sau khi ông Trump bổ nhiệm Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) làm đồng lãnh đạo bộ phận hiệu quả chính phủ trong chính quyền mới.

Tháng trước, Elon Musk đã gọi quy trình phê duyệt theo từng tiểu bang với ô tô tự lái là "vô cùng phức tạp", chỉ vài tuần sau khi Tesla ra mắt Cybercab - mẫu robotaxi hai chỗ ngồi, không có vô lăng và bàn đạp, dự kiến sản xuất vào năm 2026.

Đội ngũ của ông Trump đang tìm kiếm các nhà lãnh đạo chính sách cho Bộ Giao thông Vận tải Mỹ nhằm phát triển một khung quy định liên bang, theo Bloomberg, trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

"Một quy định liên bang thống nhất có thể hợp lý hóa quy trình phê duyệt này, cho phép Tesla tiến xa hơn trong việc thử nghiệm Full Self-Driving (FSD)", Mamta Valechha, nhà phân tích tại hãng Quilter Cheviot, nhận định.

Quilter Cheviot là công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Vương quốc Anh. Công ty này chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý đầu tư và tài sản cá nhân cho các khách hàng giàu có, quỹ từ thiện và tổ chức.

Tuy nhiên, quy định không phải là rào cản chính hiện nay với Tesla, mà là công nghệ FSD của công ty, vốn vẫn chưa đạt mức hoàn toàn tự động và yêu cầu tài xế phải giám sát ô tô điện.

Đã được Tesla phát triển hơn 4 năm, FSD đang bị cơ quan an toàn ô tô Mỹ điều tra sau bốn vụ va chạm liên quan đến các ô tô điện Tesla trang bị phần mềm này, gồm cả một tai nạn chết người năm 2023.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã đưa vốn hóa thị trường của Tesla vượt mốc 1.000 tỉ USD, với cổ phiếu tăng gần 28% kể từ ngày 5.11, khi các nhà đầu tư hy vọng rằng mối quan hệ gần gũi giữa Elon Musk với Nhà Trắng sẽ giúp giảm bớt các quy định với ô tô tự lái.

Đợt tăng mạnh này cũng đẩy tỷ số giá trên lợi nhuận (P/E) của Tesla vượt xa các hãng sản xuất ô tô như Ford Motor và General Motors, thậm chí vượt cả tập đoàn công nghệ lớn như Apple và Nvidia.

P/E (Price-to-Earnings Ratio) là tỷ số giá trên lợi nhuận, chỉ số tài chính phổ biến được sử dụng để đánh giá giá trị một cổ phiếu so với lợi nhuận của nó.

Tesla của Elon Musk hưởng lợi khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: FT

Tesla của Elon Musk hưởng lợi khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: FT

Hôm 12.11, ông Donald Trump đã đề cử Elon Musk và Vivek Ramaswamy (cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa) cho vị trí lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới được thành lập. Công việc của hai doanh nhân sẽ kết thúc vào ngày 4.7.2026.

"Tôi rất vui mừng thông báo rằng Elon Musk cùng Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE)", ông Donald Trump cho biết trong thông cáo báo chí.

Ông Trump tuyên bố Elon Musk và Vivek Ramaswamy sẽ mở đường cho chính quyền mới phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định thừa thải, giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.

Elon Musk và Vivek Ramaswamy là hai người ủng hộ nổi bật từ khu vực tư nhân với ông Trump trong thời gian tranh cử để trở lại Nhà Trắng.

Ngay sau khi ông Trump đưa ra thông báo này, Elon Musk chia sẻ trên mạng xã hội X rằng: "Đe dọa nền dân chủ? Không, đe dọa bộ máy quan liêu!".

Về phần mình, Vivek Ramaswamy tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không dễ dàng bỏ cuộc".

Vivek Ramaswamy là doanh nhân công nghệ sinh học. Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm nay, Vivek Ramaswamy nhanh chóng trở thành đồng minh mạnh mẽ cho ông Trump.

Trước đó, Elon Musk khẳng định có thể nhanh chóng cắt giảm 2.000 tỉ USD chi tiêu ngân sách cho chính phủ nếu ông Trump đắc cử.

Từ trước đến nay, Elon Musk chưa từng làm việc trong bộ máy chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, các công ty mà tỷ phú 53 tuổi người Mỹ điều hành nhiều năm qua đã ký kết hợp đồng với chính phủ Mỹ, liên quan đến dự án không gian, quân sự và tình báo.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến các hãng ô tô điện Trung Quốc đối mặt thêm nhiều khó khăn

Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể làm phức tạp thêm triển vọng của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ sau khi bị chính quyền Joe Biden áp thuế mới.

Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ các "quốc gia đã lợi dụng chúng ta trong nhiều năm" để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

Ông Trump cũng cam kết sẽ hủy bỏ các chính sách thúc đẩy ô tô điện của Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tuyên bố rằng xe điện "không hiệu quả".

"Có một vấn đề mà hầu hết đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý là Mỹ không nên để Trung Quốc thống trị ô tô điện hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Đó là điều mà có sự đồng thuận rộng rãi của lưỡng đảng và tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều đó được phản ánh trong các chính sách thậm chí còn quyết liệt hơn sau khi ông Trump nhậm chức", theo Robert McNally - người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group tại Washington (Mỹ).

Robert McNally là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Mỹ tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông George W. Bush tại Nhà Trắng.

Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những chính sách của Biden khi ông tăng thuế suất từ 25% lên 100% vào tháng 8. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm tràn ngập thị trường ô tô của mình bằng xe điện giá rẻ được nhà nước trợ cấp, một phần trong động thái nhằm đánh vào 18 tỉ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, gồm cả chip bán dẫn.

Ông Trump cam kết chấm dứt tài trợ từ luật khí hậu đặc trưng của đảng Dân chủ, gồm các khoản tín dụng thuế và hoàn thuế để cắt giảm chi phí mua ô tô điện của người tiêu dùng Mỹ. Thay vào đó, tổng thống sắp nhậm chức tuyên bố sẽ tăng nguồn cung năng lượng trong nước để đưa giá xăng xuống dưới 2 USD/gallon, khiến ô tô điện trở nên kém hấp dẫn hơn với người Mỹ.

Elon Musk, người ủng hộ ông Trump nhiệt thành, có thể giúp giảm bớt lo ngại về sự phản ứng tiêu cực tiềm tàng. Thị trường đã phản ứng tích cực với mối quan hệ giữa ông Trump và Elon Musk bằng cách đẩy giá cổ phiếu Tesla tăng đến 22% hôm 7.11 sau khi chính trị gia đảng Cộng hòa thắng cử.

"Có thể Musk sẽ là một yếu tố tích cực làm dịu Trump", Gaurav Sharma, nhà phân tích thị trường năng lượng độc lập tại London (thủ đô Anh), cho biết.

Theo, Klisman Murati, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn Pareto Economics có trụ sở tại London (Anh), nói các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có ít nhất ba lựa chọn: "Hoặc là chuyển hoạt động sang Mỹ để tránh phải trả thuế này; chịu tác động từ thuế này; hoặc tìm thị trường mới cho hoạt động sản xuất của mình. Có một lựa chọn thứ tư, đó là vận động hành lang để các sản phẩm của bạn được miễn thuế này, nhưng không phải ai cũng chấp nhận điều đó".

Một số nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc đang thiết lập các cơ sở sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU), Mexico và tìm kiếm cơ hội ở các khu vực như châu Phi và Đông Nam Á. Tháng trước, EU đã tăng thuế với ô tô điện được sản xuất tại Trung Quốc lên tới 45,3% sau cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài một năm.

He Xiaopeng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xpeng, cho biết hãng ô tô điện cao cấp Trung Quốc này có kế hoạch thành lập thêm các cơ sở sản xuất tại các quốc gia mà họ bán xe để "đóng góp vào nền kinh tế địa phương".

Một số nhà phân tích cho biết các chính sách mới từ ông Trump có thể cản trở sự tăng trưởng của thị trường ô tô điện tại Mỹ. Dưới thời ông Trump, ô tô điện sẽ chiếm 28% thị phần vào năm 2030 thay vì 33%, công ty GlobalData đã sửa đổi dự báo của mình vào tuần trước.

GlobalData là công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, chuyên cung cấp các báo cáo thị trường, dự báo và dữ liệu về nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu. Công ty này hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức trong việc đưa ra các quyết định chiến lược bằng cách cung cấp các thông tin chi tiết về thị trường, phân tích ngành, xu hướng phát triển và dự báo tương lai. Các lĩnh vực mà GlobalData tập trung gồm chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ, tài chính, bán lẻ và nhiều ngành công nghiệp khác.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là thị trường lớn cho xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc, Gao Deng, nhà phân tích tại hãng chứng khoán Guolian Securities, cho biết.

Trung Quốc đã vận chuyển khoảng 10.000 ô tô điện chở khách đến Mỹ vào năm 2023, ít hơn 1% tổng lượng xe điện xuất khẩu của nước này, theo dữ liệu hải quan. Trong 7 tháng đầu năm 2024, lượng ô tô điện xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và Canada đã giảm 10% xuống còn 28.000 chiếc, chỉ chiếm 2,4% tổng lượng xe điện xuất khẩu, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc.

Dù triển vọng còn nhiều u ám, nhưng thuế quan khó có thể ngăn cản các công ty Trung Quốc bán ra nhiều ô tô điện cạnh tranh hơn, Zhang Xiang - Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Xe thông minh Quốc tế tuyên bố.

"Ngoài ra, cách tiếp cận thực dụng của ông Trump nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước cũng có thể mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, vì họ có thể đàm phán để mở nhà máy tại Mỹ và tạo ra việc làm”, Xu Haidong, Phó kỹ sư trưởng của Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất Ô Tô Trung Quốc, nói với truyền thông.

"Bất kể thế nào, có một điều chắc chắn là tình hình sắp tới sẽ rất khó khăn và đầy thách thức cho các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc trong bối cảnh các chính sách mới của Mỹ", Robert McNally nhận định.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/co-phieu-tesla-tang-manh-khi-doi-ngu-ong-trump-len-ke-hoach-thiet-lap-quy-dinh-lien-bang-cho-o-to-tu-lai-226177.html
Zalo