Thế giới đã ghi nhận hơn 177,3 triệu ca bệnh COVID-19

Tính đến 6 giờ ngày 16/6, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 177.340.742 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.836.166 ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 16/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 177.340.742 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.836.166 ca tử vong. Số ca bệnh mới trong 24 giờ qua là 314.020 và 7.374 trường hợp tử vong mới.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân bình phục đã đạt 161.776.856 người, 11.727.720 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.732 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil với 78.360 ca, Ấn Độ 62.226 ca và Argentina 27.260 ca. Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới với 2,292 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 1.470 ca và Argentina 586 ca.

Đến nay, Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ hiện là 34.348.283 người, trong đó có 615.638 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.632.261 ca nhiễm, bao gồm 379.601 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.533.221 ca bệnh và 490.696 ca tử vong.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, ngày 15/6 số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã vượt 600.000 người. Dù số ca tử vong hàng ngày giảm trong những tháng gần đây, song trong tuần qua, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ trung bình là 343 người/ngày. Con số này cao hơn khoảng 5 lần so với số người thiệt mạng trung bình hàng ngày trong các vụ va chạm ôtô.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 14/6, đã có 52,5% số người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 43,7% đã được tiêm đủ hai mũi. Giới chuyên gia nhận định, vào mùa Đông tới, khi dịch COVID-19 có khả năng bùng phát trở lại, Mỹ sẽ cần phải đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số hoặc cao hơn.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này thông báo, đã ghi nhận thêm 62.226 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp số ca bệnh mới trên toàn Ấn Độ dưới ngưỡng 100.000 ca.

Sau khi ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 giảm mạnh trong 2 tuần gần đây, các nhà hàng và cửa hiệu tại thủ đô New Delhi được phép hoạt động trở lại từ ngày 14/6 với tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, trường học, các cơ sở giáo dục, bể bơi, phòng tập thể thao và các địa điểm công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa.

Hàn Quốc ngày 15/6 ghi nhận thêm 374 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 148.647 ca. Nước này đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ đầu tháng 7 tới đây.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Các nhà hàng và quán cà phê có thể mở cửa đến nửa đêm tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận, muộn hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hiện nay.

Hiện nay, thủ đô Seoul và khu vực lân cận cùng với thành phố Daegu cũng như đảo nghỉ dưỡng Jeju đang áp dụng mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong thang gồm 5 cấp độ, trong khi những khu vực còn lại ở cấp độ 1,5. Các cuộc tụ tập đông người từ 5 người trở lên đều bị cấm. Đến nay, khoảng 13 triệu người dân Hàn Quốc, tương đương 25% dân số, đã được tiêm chủng mũi vaccine COVID-19 đầu tiên.

Tại châu Phi, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 lần thứ 3 đang bùng phát dữ dội, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 3 với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn như hạn chế bán đồ uống có cồn, kéo dài thời gian giới nghiêm và hạn chế quy mô tụ tập nơi công cộng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 15/6, ông Ramaphosa nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng tại hầu hết các tỉnh trên toàn quốc và đặc biệt là ở tỉnh Gauteng với số ca lây nhiễm đang dần đạt đỉnh như trong hai đợt lây nhiễm trước đó. Theo ông Ramaphosa, các bệnh viện đã gần như quá tải vì số lượng bệnh nhân nhập viện tăng mỗi ngày.

Cuối tháng 5 vừa qua, Nam Phi đã nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 2 sau một tuần có hơn 3.700 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Hiện tại, số ca bệnh mới trong 1 tuần vừa qua tại quốc gia cực nam châu Phi này đã lên đến khoảng 7.500 ca mỗi ngày.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 gây ra tại châu Phi với hơn 58.000 ca tử vong và gần 1,8 triệu ca mắc bệnh. Chiến dịch tiêm vaccine cho người dân tại Nam Phi đang diễn ra khá chậm với chưa đầy 2 triệu người dân trên tổng dân số khoảng 60 triệu người được tiêm chủng.

Người dân không phải bắt buộc đeo khẩu trang tại một trung tâm mua sắm ở Tel Aviv, Israel, ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP

Tại châu Âu, giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa COVID-19 của Anh sẽ được lùi tới ngày 19/7 thay vì ngày 21/6 theo kế hoạch ban đầu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại.

Các nhà khoa học cố vấn cho Chính phủ Anh cảnh báo số người cần được điều trị tại bệnh viện do mắc COVID-19 sẽ tăng mạnh trở lại nếu giai đoạn cuối cùng của lộ trình nới lỏng phong tỏa diễn ra vào ngày 21/6 theo kế hoạch.

Theo các quy định hạn chế được áp dụng để phòng ngừa COVID-19 ở Anh, các sự kiện ngoài trời chỉ được tụ tập tối đa 30 người, sự kiện trong nhà tối đa 6 người. Tuy nhiên, 15 sự kiện thí điểm được thực hiện lộ trình nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch, trong đó có các trận đấu sắp tới của EURO 2020 và các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc. Những người tham dự các sự kiện này phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-da-ghi-nhan-hon-1773-trieu-ca-benh-covid-19-post139211.html
Zalo