Thế giới chưa thể cai nghiện than đá

'Các nước ít chú trọng vào việc sử dụng năng điện hiệu quả, trong khi than đá lại quá rẻ'...

Than đá chờ được vận chuyển ở cảng container Quốc Nguyên ở Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Than đá chờ được vận chuyển ở cảng container Quốc Nguyên ở Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh xu hướng “xanh hóa” và dịch chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nhu cầu sử dụng than tại một số quốc gia vẫn tăng mạnh. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia nhận định thế giới sẽ chưa thể sớm “cai nghiện” than đá - theo hãng tin CNBC.

“Không gì có thể hủy hoại than đá”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong bài phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) gần đây. “Không phải thời tiết, cũng chẳng phải bom”.

NHU CẦU THAN KHÔNG NGỪNG TĂNG Ở CHÂU Á

Xuất khẩu than đá của Mỹ thời gian qua vẫn tăng đều, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với loại nhiên liệu hóa thạch được xem là “bẩn nhất thế giới” này.

Theo dữ liệu mới công bố từ tổ chức nghiên cứu Giám sát năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM), công suất điện than toàn cầu năm 2024 đạt mức cao kỷ lục 2.175 gigawatt. Đây là tổng công suất điện của các nhà máy than trên thế giới.

“Việc loại bỏ than đá trên thế giới vẫn là một thách thức lớn, chủ yếu do nhu cầu tăng lên ở châu Á, kể cả khi tiêu thụ than ở châu Âu và Mỹ đã giảm đáng kể”, bà Dorothy Mei, quản lý chương trình Global Coal Mine Tracker (GCMT) của GEM, nhận xét.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu than toàn cầu năm 2024 đạt mức kỷ lục 8,77 tỷ tấn và sẽ duy trì ở mức này tới năm 2027.

Thời gian qua, nhu cầu than đá tăng mạnh tại nhiều nước châu Á. Nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2024 lập kỷ lục mới khi tăng 14,4% so với năm trước lên 542,7 triệu tấn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là nước tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 56% tổng nhu cầu toàn thế giới năm 2024 – theo dữ liệu mới nhất của IEA.

Theo bà Mei, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu than đá để tích trữ nhằm chuẩn bị cho nguy cơ thiếu điện do các sự kiện thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember Energy cho thấy thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm khoảng 30% cơ cấu điện của Trung Quốc năm 2023.

“Trong bối cảnh sản lượng thủy điện giảm do lượng mưa không đủ, Bắc Kinh thường dựa vào điện than để đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, một rào cản lớn khác ở Trung Quốc không phải là hạ tầng năng lượng tái tạo kém phát triển, mà là khó khăn trong việc truyền tải điện mặt trời và điện gió giữa các tỉnh. Do đó, than đá sẽ tiếp tục là ‘xương sống’ của ngành năng lượng Trung Quốc, cho tới khi việc tích hợp và quản lý lưới điện trên toàn quốc hoàn thiện”, bà Mei cho biết.

Còn tại Ấn Độ, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu khiến nhu cầu năng lượng để làm mát tăng cao. Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng sạch chưa được phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo các nhà phân tích, việc Chính phủ Ấn Độ tập trung vào phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng và thép - những ngành phụ thuộc lớn vào than đá - tăng mạnh.

Công ty tư vấn Crisil của Ấn Độ dự báo nhu cầu thép năm 2025 của quốc gia Nam Á này sẽ tăng 8-9% so với năm trước, vượt nhu cầu của các nền kinh tế khác do hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở. Tháng 12/2024, Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn chỉ thị cho phép các nhà máy điện than nước này hoạt động hết công suất cho tới ngày 28/2 năm nay.

Dù vậy, Ấn Độ cũng không bỏ bê các mục tiêu về năng lượng tái tạo. Nước này đặt mục tiêu đầy tham vọng là đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ điện trong nước bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trên thực tế, quốc gia này đã đạt được những bước tiến nhất định. Tính tới tháng 10/2024, năng lượng tái tạo chiếm hơn 46% công suất điện của nước này - theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo Ấn Độ.

KHÓ "CAI" THAN ĐÁ

Theo GEM, ngoài hai nước đông dân nhất thế giới, một số quốc gia châu Á khác cũng đang xây dựng thêm nhà máy điện than là Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

Với Indonesia, dữ liệu từ Bộ Năng lượng và Khoáng sản cho thấy sản lượng than của nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới là khoảng 831 triệu tấn vào năm ngoái. Còn tại Philippines, tỷ trọng than trong cơ cấu điện quốc gia đã vượt qua của Trung Quốc vào năm 2023, trở thành nước phụ thuộc vào than đá nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

“Các nước ít chú trọng vào việc sử dụng năng điện hiệu quả, trong khi than đá lại quá rẻ”, ông Dave Jones, nhà phân tích về điện tại tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember Energy, nhận xét.

Theo ông Rob Thummel, quản lý danh mục cấp cao tại công ty đầu tư Tortoise Capital, nhu cầu điện toàn cầu sẽ ngày càng tăng lên, kéo theo nhu cầu than đá. Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) hiện tại cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu tăng lượng tăng mạnh.

Theo dự báo nhiều tổ chức nghiên cứu, nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ duy trì nhu cầu than đá trong thời gian dài.

“Mỹ, Trung Quốc và thế giới đang trong cuộc đua phát triển AI. Các trung tâm dữ liệu AI sẽ là những nơi tiêu thụ điện lớn, khiến việc ngừng sử dụng các nguồn năng lượng đáng tin cậy và giá rẻ như than trở nên khó khăn hơn”, ông Tim Winter, quản lý danh mục tại quỹ đầu tư Gabelli Funds, phát biểu

Một báo cáo gần đây từ công ty dịch vụ tài chính Moody’s Ratings dự báo nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới sẽ vượt mức 35 gigawatt, gấp hơn hai lần so với mức 17 gigawatt năm 2022.

“Sẽ không thể có một cuộc dịch chuyển năng lượng nếu nhu cầu đối với dầu mỏ, khí đốt, than đá, vẫn tiếp tục lập kỷ lục”, ông Eric Nuttall, nhà quản lý danh mục cấp cao tại công ty Ninepoint Partners, nhận xét.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai dịch chuyển năng lượng theo hướng bền vững.

“Với những cam kết về năng lượng tái tạo hiện tại, cùng với sự tăng lên trong nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu (LNG), nhập khẩu than đá của một số thị trường tiêu thụ lớn nhất sẽ giảm”, ông Ian Roper, chiến lược gia về hàng hóa tại công ty tư vấn Astris Advisory Japan KK nhận định.

Ông cho biết việc tiêu thụ than tại châu Âu và Bắc Á đã giảm trong những năm gần đây là một tín hiệu tích cực.

Còn theo ông Jones của Ember Energy, nếu các quốc gia thực hiện cam kết tăng gấp ba các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nhu cầu than sẽ giảm đáng kể trong thập kỷ này.

Hoài Thu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/the-gioi-chua-the-cai-nghien-than-da.htm
Zalo