Thế giới chia phe trước đòn thuế quan của ông Trump

Áp thuế đáp trả, đàm phán để giảm thuế và thúc đẩy sản xuất nội địa nhằm giảm phụ thuộc thương mại quốc tế là các giải pháp mà lãnh đạo thế giới chọn trước đòn thuế quan của Mỹ.

Ngày 7/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng khoảng 70 quốc gia đang chờ để đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề thuế quan, cho thấy sức ảnh hưởng sâu rộng của chính sách này đối với nền thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các nước chọn cách tiếp cận mang tính thương thuyết, một số quốc gia và chính thể quyết định sử dụng lập trường cứng rắn trước hệ thống thuế quan đối ứng của Washington.

Lựa chọn đàm phán

Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 8/4 cho biết nước này sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ, song nhấn mạnh chỉ ký kết nếu thỏa thuận đó “phù hợp với lợi ích quốc gia”, theo Reuters.

“Việc áp thuế 25% lên ngành công nghiệp ôtô là một thách thức lớn đối với tương lai của chúng ta và những hệ lụy toàn cầu có thể rất sâu rộng”, ông Starmer phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Jaguar Land Rover tại Solihull, miền Trung nước Anh.

Không chỉ tập trung vào quan hệ song phương với Mỹ, ông Starmer cho biết Anh cũng sẽ “làm việc với các đối tác chủ chốt để giảm rào cản thương mại trên toàn cầu, thúc đẩy tiến trình ký kết các hiệp định thương mại và cổ vũ cho thương mại tự do, cởi mở”.

Thủ tướng Starmer được cho là đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, Canada, Ủy ban châu Âu và Singapore nhằm thảo luận về cách phản ứng trước chính sách thuế mới của Mỹ.

 Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Reuters.

Trước cơn bão thuế quan bất ngờ đổ ập đến từ Washington, chính phủ Nhật Bản chọn cách tiếp cận mềm mỏng và mang tính thương thuyết, theo Japan Times.

Tối 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có cuộc điện đàm kéo dài 25 phút với Tổng thống Trump. Ông Ishiba cho biết đã trực tiếp đề nghị người đứng đầu Nhà Trắng “xem xét lại” các mức thuế mới, vốn được đánh giá là “rất đáng tiếc” và có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh rằng Nhật Bản đã là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Mỹ trong suốt 5 năm liên tiếp tính đến năm 2023. Ông cảnh báo rằng các mức thuế 24% có thể “làm suy yếu năng lực đầu tư” của các doanh nghiệp Nhật tại Mỹ.

Hai bên nhất trí duy trì đối thoại song phương và cử đại diện chính thức để tiếp tục thảo luận.

“Chúng tôi xác nhận sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng trong thời gian tới”, ông Ishiba nói.

Cùng ngày, ông Ishiba cho biết đang cân nhắc việc thăm Washington “vào thời điểm thích hợp nhất” nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.

 Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ, quốc gia bị Washington áp mức thuế đối ứng 27%, cũng chọn lập trường mềm mỏng tương tự Nhật Bản. Chính phủ nước này ngày 3/4 cho biết đang tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại trong năm 2025.

“Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc với chính quyền Tổng thống Trump và kỳ vọng sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán trong những ngày tới”, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 2 giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Trump, hai bên dự kiến hoàn tất giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại vào mùa thu năm 2025.

“Các cuộc đàm phán đang tập trung vào mục tiêu thúc đẩy thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia”, tuyên bố cho biết thêm.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ dành cho những ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế mới, trong đó có điện tử, đá quý và trang sức, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 14 và 9 tỷ USD.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trong một cuộc hội kiến với Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trong một cuộc hội kiến với Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cho là đã cử một phái đoàn sang Washington, dẫn đầu bởi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, để đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề thuế quan, theo AP.

“Có thể không còn nhiều dư địa để xem xét lại mục tiêu cốt lõi của chính sách thuế quan song vẫn tồn tại khả năng điều chỉnh cách thức thực thi chính sách này”, ông Anwar phát biểu trong Hội nghị Đầu tư ASEAN 2025 diễn ra tại Kuala Lumpur.

Malaysia, hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, đã khẳng định sẽ dẫn đầu nỗ lực phối hợp hành động trong khu vực để phản ứng với chính sách thuế mới của Mỹ. ASEAN bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó nhiều nước nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Chuyến công du của phái đoàn ASEAN được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội đối thoại xây dựng và giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Mỹ đối với nền kinh tế khu vực.

Trong khi đó, Mexico và Hàn Quốc, hai quốc gia chịu mức thuế quan 25% do Washington áp đặt, đã công bố hướng đi nhằm củng cố hoạt động sản xuất nội địa.

Kế hoạch của Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum hướng tới việc nước này nâng sản lượng ngô lên 25 triệu tấn vào năm 2030, từ mức 21,8 triệu tấn hiện nay. Sản lượng đậu và gạo cũng được đặt mục tiêu tăng lên lần lượt 1,1 triệu tấn và 450.000 tấn, theo New York Times.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, Mexico cũng cam kết đẩy mạnh khai thác khí đốt tự nhiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Sản lượng khí đốt dự kiến sẽ tăng từ 1,12 triệu lên 3 triệu km khối/ngày trong cùng giai đoạn.

Trong lĩnh vực năng lượng, chính phủ Mexico đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu tinh chế, bao gồm xăng và dầu diesel, thêm 30% để giảm áp lực từ các biến động thương mại quốc tế.

Khác với Canada, quốc gia đã áp thuế trả đũa lên ôtô nhập khẩu từ Mỹ, Mexico theo đuổi hướng tiếp cận hòa giải hơn trong quan hệ thương mại với chính quyền Tổng thống Trump. “Việc công nhận Hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Canada và Mỹ là một bước tiến quan trọng”, bà Sheinbaum nói.

Tương tự, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo ngày 4/4 kêu gọi các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm bảo vệ nền kinh tế trước tác động của các mức thuế quan mới do Washington công bố. Ông cũng chỉ thị chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, theo Reuters.

Tại cuộc họp với các quan chức cấp cao, ông Han nhấn mạnh: "Cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực, chính phủ phải huy động mọi nguồn lực để vượt qua khủng hoảng này". Ông cũng yêu cầu Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk Geun chủ động đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các doanh nghiệp trong nước.

Phản ứng quyết liệt

Trung Quốc được cho là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất từ đòn thuế quan đối ứng của Washington. Hồi đầu tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố áp thêm 34% thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nâng tổng mức thuế quan mà Mỹ áp dụng cho Bắc Kinh lên đến 54%, theo CNBC.

"Biện pháp của Mỹ không tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế, hạ thấp quyền lợi của Trung Quốc một cách nghiêm trọng và là động thái xâm hại một cách đơn phương", Hội đồng Thuế quan Trung ương Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Ngày 4/4, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp mức thuế quan 34% đối với toàn bộ mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 10/4.

Đáp lại, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: "Nếu Trung Quốc không rút lại mức thuế tăng thêm 34% bên cạnh các hành vi lạm dụng thương mại lâu nay của họ vào ngày 8/4, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 50% đối với Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/4".

Phía Trung Quốc gọi lời đe dọa của ông Trump là hành vi "tống tiền", và nhấn mạnh rằng Washington đang làm trầm trọng thêm căng thẳng thay vì tìm kiếm giải pháp, theo Reuters.

"Việc Mỹ đe dọa leo thang thuế quan là một sai lầm nối tiếp sai lầm. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Nếu Mỹ cứ khăng khăng làm theo cách của mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng", Bắc Kinh nêu rõ.

Nếu mức thuế bổ sung 50% mà ông Trump vừa tuyên bố có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế tổng cộng lên đến 104%.

 Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang trong giai đoạn căng thẳng sau một loạt động thái "ăn miến trả miếng" giữa Washington và Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang trong giai đoạn căng thẳng sau một loạt động thái "ăn miến trả miếng" giữa Washington và Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Tương tự Trung Quốc, nước láng giềng của Mỹ là Canada cũng có những phản ứng tương đối quyết liệt trước "cơn địa chấn" thuế quan từ Washington.

Thủ tướng Canada Mark Carney ngày 3/4 (giờ địa phương) thông báo áp mức thuế 25% lên các loại ôtô và xe tải sản xuất tại Mỹ nhập khẩu vào Canada.

“Chúng tôi áp dụng biện pháp này một cách miễn cưỡng. Tuy nhiên, biện pháp áp thuế đối ứng được thiết kế để gây ảnh hưởng tối đa tới Mỹ và tác động tối thiểu tới nền kinh tế Canada”, ông Carney phát biểu trong cuộc họp với các thủ hiến tỉnh bang ngày 3/4.

Ông Carney cũng tuyên bố đang nỗ lực tập hợp một “liên minh các quốc gia cùng chí hướng” để tìm kiếm giải pháp thay thế vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ, theo New York Times.

“Nếu Mỹ không còn muốn dẫn đầu, Canada sẽ đảm nhận vai trò đó" ông Carney nói.

 Thủ tướng Canada Mark Carney. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Canada Mark Carney. Ảnh: Reuters.

Một đồng minh kinh tế lâu năm khác của Mỹ là khối Liên minh châu Âu (EU) cũng vạch ra hướng hành động nhằm ứng phó với hệ thống thuế quan đối ứng của ông Trump.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 3/4 cho biết EU đang chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ lợi ích của khối, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như thép và ôtô.

"Chúng tôi sẽ không chấp nhận tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu đổ vào thị trường EU cũng như các hành vi bán phá giá", bà von der Leyen tuyên bố, cho biết thêm rằng EU "đang chuẩn bị các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nếu quá trình đàm phán thất bại".

Maros Šefčovič, Ủy viên Thương mại EU, cho biết khối này từng đề xuất hiệp định "miễn thuế quan tương hỗ" với Mỹ vào giữa tháng 2 với trọng tâm xoay quanh các ngành công nghiệp dược phẩm, máy móc và cao su.

Bà von der Leyen cũng nói rằng đề xuất này vẫn đang bỏ ngỏ và chờ động thái từ phía Mỹ. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm 7/4 (giờ địa phương), Tổng thống Trump tỏ ra không mặn mà với đề xuất từ phía EU, theo Guardian.

"Khối EU đã đối xử với chúng tôi rất tệ. Giờ đây, họ sẽ phải mua năng lượng từ Mỹ", ông Trump nói với báo giới.

Các nước thành viên EU được cho là sẽ bỏ phiếu về việc đáp trả đòn thuế quan từ Mỹ vào ngày 9/4, Guardian đưa tin.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-gioi-chia-phe-truoc-don-thue-quan-cua-ong-trump-post1543340.html
Zalo