Thế giới bàng hoàng, đau xót trước tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị sát hại
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới hậu chiến tranh, đã qua đời ngày 8/7 trong một vụ ám sát bằng súng. Sự ra đi của ông để lại nỗi đau xót với người dân Nhật Bản; dư luận thế giới bàng hoàng, phẫn nộ trước vụ ám sát nhằm vào vị chính khách nổi tiếng của đất nước Mặt trời mọc…
Vị Thủ tướng nỗ lực chấn hưng xứ Phù tang
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, là con trai thứ hai trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Ông tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Seikei Tokyo tháng 3/1977 và sau đó bắt đầu theo học chính sách công tại Trường Đại học Nam California, Mỹ. Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng thời trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Mặc dù vậy, một năm sau, ông từ chức vì lý do sức khỏe. Cuối năm 2012, ông trở lại chính trường và chính thức nắm quyền Thủ tướng lần thứ 2, với cam kết sẽ hồi sinh nền kinh tế Nhật bản sau 2 thập kỷ trì trệ, củng cố quân đội và sửa đổi Hiến pháp. Vào thời điểm từ chức do sức khỏe vào tháng 8/2020, ông là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đồng thời là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ hai trong số các nhà lãnh đạo của G7, chỉ sau Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nhắc đến Shinzo Abe là nhắc đến vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản với chính sách Abenomics nổi tiếng. Khi ông Abe đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang khó khăn về kinh tế sau nhiều năm trì trệ. Ông nhanh chóng thực hiện một cuộc đại cải cách nền kinh tế mang tên Abenomics, với 3 mũi tên chính là gói nới lỏng tiền tệ, gia tăng chi tiêu chính phủ, và cải cách cơ cấu nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Và dù kể từ cuối năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới có dấu hiệu chững lại, song vẫn không thể phủ nhận những thành tựu khởi nguồn từ chính sách này. Ông Abe cũng được coi là người đi đầu trong nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản trên bản đồ ngoại giao hiện đại, đồng thời định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác. Vai trò nổi bật của ông Abe Shinzo trong những “điểm nhấn” này giúp ông trở thành chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế trong khoảng một thập kỷ qua.
Người bạn thân thiết của Việt Nam
Có lẽ, ít có nhà lãnh đạo nước ngoài nào thăm và "quen" nhiều lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Abe.Trong hơn 8 năm qua, ông là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên công du đến Việt Nam nhiều nhất, với 4 chuyến thăm.Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013 và 2017, và 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC vào các năm 2006, 2017.
Các chuyên gia đánh giá, mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của ông Abe.Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo đã đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, với việc hai nước khởi sự xây dựng quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2006, và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014.
Trong các diễn đàn quốc tế hay các hội nghị lớn, Thủ tướng Abe đều gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam nếu có thể. Việc Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản 5/2016 và G20 tổ chức tại Osaka vào cuối tháng 6/2019 đã khẳng định ông luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Không thể phủ nhận, Thủ tướng Abe là người có công vun đắp, đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vị chính khách tuyệt vời
Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Times vào tháng 4/2014, ông Abe đã chia sẻ: "Tôi là một người yêu nước. Tôi nghĩ rằng sẽ không có chính trị gia nào không yêu nước cả. Vì tôi là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cứ bận tâm đến những lời chỉ trích như vậy, làm sao tôi có thể bảo vệ tính mạng của người dân". Nhà lãnh đạo luôn trăn trở về đất nước, luôn tận tụy làm việc chưa một ngày nghỉ ngơi, giờ đã “nghỉ ngơi” theo cách quá đau lòng.
11h30 phút sáng 8/7, tiếng súng nghiệt ngã vang lên khi ông đang có bài phát biểu tại thành phố Nara. Máu đã chảy trên đường phố Nara, và vị chính trị gia đã gục xuống trong sự ngỡ ngàng của người dân thành phố. Cựu Thủ tướng Nhật Bản được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đã ngừng tim, ngừng phổi do trúng đạn ở ngực.
Theo các nhân chứng, nghi phạm đã bắn hai phát đạn. Ông Abe vẫn đứng vững sau tiếng súng đầu tiên. Tay súng sau đó tiếp tục tiến gần nạn nhân hơn một chút và bắn phát thứ hai, khiến ông Abe gục xuống.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu ông Abe. Nhưng, điều kỳ diệu đã không thể xảy ra. Sự ra đi của cựu Thủ tướng Shinzo Abe để lại một khoảng trống to lớn với đất nước Nhật Bản, như cách Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida nghẹn ngào không nói nên lời khi nghe tin về nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Nhưng chắc chắn, những thành tựu và cống hiến của ông Shinzo Abe sẽ luôn được trân trọng và lưu giữ, không chỉ bởi những người dân Nhật Bản, mà bởi cả những người dân trên toàn thế giới luôn yêu mến và kính trọng ông.