Thế giới 2024: Một năm đầy biến động qua lăng kính của AFP

Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện quan trọng trên toàn cầu. Từ các xung đột chính trị kéo dài, kỷ lục thể thao ấn tượng, cho đến những vấn đề kinh tế và môi trường nghiêm trọng, mọi câu chuyện trong năm nay đều góp phần tạo nên một bức tranh thế giới đầy thách thức và biến động. Dưới đây là những sự kiện đã tạo ra những dấu ấn không thể quên trong năm 2024 do hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn.

Một tòa nhà tại miền Trung Dải Gaza bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel ngày 16/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một tòa nhà tại miền Trung Dải Gaza bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel ngày 16/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas đã bước sang năm thứ hai và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ dừng lại ở biên giới Israel, trong năm 2024, xung đột đã nhanh chóng lan rộng sang Liban, nơi quân đội Israel tấn công vào các vị trí của lực lượng Hezbollah. Tính đến giữa năm 2024, chiến sự đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường ở Gaza và Liban. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về ngừng bắn liên tục thất bại, khiến tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp hơn. Người dân Gaza đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiếu thốn lương thực, thuốc men và các dịch vụ y tế cơ bản. Các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng dường như chưa tìm thấy lối thoát trong cuộc xung đột này.

Pháo đa nòng BM-21 Grad của Nga khai hỏa nhằm vào các lực lượng Ukraine. Ảnh: Sputnik

Pháo đa nòng BM-21 Grad của Nga khai hỏa nhằm vào các lực lượng Ukraine. Ảnh: Sputnik

Xung đột Nga – Ukraina tiếp tục leo thang trong năm 2024, khi các cuộc giao tranh không có dấu hiệu giảm nhiệt. Vào tháng 8/2024, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga, nhằm mở rộng chiến dịch phản công và tạo sức ép đối với quân đội Nga. Tuy nhiên, kết quả của cuộc tấn công này không đạt được như mong đợi, khi các lực lượng Ukraine không thể chiếm được các mục tiêu quan trọng hoặc làm suy yếu đáng kể quân đội Nga. Vụ tấn công này đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo các quốc gia phương Tây và các đồng minh của Ukraine - những quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev - rằng Moskva sẽ không ngần ngại phản ứng mạnh mẽ nếu các cuộc tấn công sử dụng vũ khí phương Tây tiếp diễn.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2024 cũng chứng kiến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vượt qua Phó Tổng thống Kamala Harris - người được kỳ vọng sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Dù chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump gặp không ít khó khăn, với hàng loạt vụ kiện pháp lý và hai lần bị ám sát hụt, nhưng ông vẫn kiên cường vượt qua mọi sóng gió. Với chiến thắng này, ông sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025, đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Olympic mùa Hè 2024 tại Paris (Pháp) đã trở thành một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế, thu hút sự chú ý và kỳ vọng lớn lao từ người dân toàn cầu. Mặc dù nước Pháp đã phải đối mặt với nhiều tranh cãi chính trị nội bộ trước và trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, nhưng Paris vẫn chinh phục trái tim của hàng triệu người hâm mộ. Lễ khai mạc hoành tráng, được tổ chức dọc theo dòng sông Seine nổi tiếng, đã tạo nên một bức tranh đầy ấn tượng với không gian rực rỡ ánh sáng và sự kiện diễu hành đầy màu sắc, mang lại cảm xúc tuyệt vời cho cả các vận động viên và khán giả. Olympic mùa Hè 2024 đã chứng kiến nhiều kỷ lục thế giới được thiết lập, đánh dấu một mùa giải đầy ấn tượng với những màn trình diễn xuất sắc của các vận động viên.

Năm 2024 chứng kiến một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với các mạng xã hội lớn, vốn đã gây ra không ít tranh cãi trong suốt thời gian qua. Sức ép từ chính phủ và công chúng ngày càng gia tăng khi các nền tảng này bị cáo buộc không đủ nỗ lực trong việc kiểm soát nội dung cực đoan và tin giả.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram, tỷ phú Pavel Durov. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram, tỷ phú Pavel Durov. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Một trong những sự kiện nổi bật là vụ bắt giữ ông Pavel Durov - người sáng lập Telegram - tại Pháp. Ông Durov bị cáo buộc không kiểm soát được các thông tin cực đoan và nguy hiểm được chia sẻ trên nền tảng của mình, khiến chính phủ Pháp phải can thiệp mạnh tay. Cùng lúc đó, nền tảng X của tỷ phú Elon Musk cũng đối mặt một vụ kiện lớn và bị áp lệnh cấm hoạt động tại Brazil. Chính phủ Brazil yêu cầu ông Musk phải chịu trách nhiệm về sự lan truyền của các thông tin sai lệch và việc không tuân thủ các quy định về kiểm soát nội dung. Những vấn đề này càng làm nổi bật sự căng thẳng giữa các công ty công nghệ và các quốc gia trong việc duy trì an toàn, bảo mật thông tin trong kỷ nguyên số.

Nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 đối mặt một loạt thách thức ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi. Một trong những vấn đề nổi cộm là cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, khi thị trường bất động sản vẫn trì trệ, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân và gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính của quốc gia này. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu dùng chậm lại, do nhu cầu trong nước suy yếu, đang khiến nền kinh tế thiếu động lực tăng trưởng.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra, mặc dù liên tục được triển khai, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để cứu vãn tình hình. Nhiều chuyên gia nhận định rằng sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sẽ đòi hỏi các cải cách sâu rộng và một chiến lược dài hạn hơn để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại với Mỹ không ngừng gia tăng, với các cuộc chiến thuế quan và các biện pháp trừng phạt tiếp tục đe dọa sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Mùa Hè năm 2024 đã ghi nhận một cột mốc đáng báo động khi trở thành mùa Hè nóng nhất trong lịch sử Trái Đất. Những đợt sóng nhiệt gay gắt kéo dài, kết hợp với hạn hán và lũ lụt khủng khiếp, đã tàn phá nhiều khu vực trên thế giới. Tại Tây và Trung Phi, mùa mưa kéo dài không chỉ làm gia tăng tình trạng ngập úng mà còn gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, lánh nạn trong các khu tị nạn tạm thời.

Mưa lớn gây ngập lụt do ảnh hưởng của bão Helene tại Cancun, Mexico ngày 25/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Mưa lớn gây ngập lụt do ảnh hưởng của bão Helene tại Cancun, Mexico ngày 25/9/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cơn bão Helene, với sức tàn phá khủng khiếp, đã gây ra thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia, trong khi các trận lũ lớn tại Tây Ban Nha cũng đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này không chỉ làm nổi bật những ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu mà còn làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng thích ứng với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của thiên nhiên. Những thảm họa này nhắc nhở thế giới về sự cấp bách trong việc hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Theo AFP, năm 2024 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của thế hệ trẻ tại châu Phi, khi các phong trào và lãnh đạo trẻ ngày càng khẳng định ảnh hưởng trong chính trị và xã hội. Tại Senegal, ông Bassirou Diomaye Faye (sinh năm 1980) đã tạo nên lịch sử khi trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử quốc gia này, mở ra một chương mới với hy vọng về sự đổi mới và phát triển.

Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu và các phong trào chủ nghĩa dân tộc, phản ánh sự thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị của khu vực. Tại các quốc gia lớn như Pháp, Đức và Áo, các đảng chính trị theo xu hướng này đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri, đặc biệt là trong bối cảnh những vấn đề liên quan đến di cư, an ninh và chủ quyền quốc gia ngày càng trở thành mối quan tâm lớn. Sự lên ngôi của các đảng cánh hữu đã tạo ra những biến chuyển quan trọng trong chính sách và quyết định quốc gia, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Những thay đổi này không chỉ làm thay đổi cấu trúc chính trị nội bộ của từng quốc gia, mà còn gây ra những tranh cãi về tương lai của EU, đặc biệt trong các vấn đề như hội nhập và chính sách đối ngoại.

Taylor Swift tham dự một sự kiện tại Arlington, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Taylor Swift tham dự một sự kiện tại Arlington, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lĩnh vực giải trí, Taylor Swift tiếp tục gây tiếng vang với chuyến lưu diễn "Eras Tour", ghi dấu ấn với những màn biểu diễn ấn tượng và thu hút hàng trăm nghìn người hâm mộ trên toàn cầu. Tuy nhiên, chuyến lưu diễn của cô gặp phải một biến cố lớn khi 3 buổi biểu diễn tại Vienna (Áo) bị hủy bỏ vì một âm mưu tấn công khủng bố. Sự việc này đã khiến cộng đồng người hâm mộ và cả công chúng rúng động, gây lo ngại về an ninh trong các sự kiện âm nhạc lớn.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi2024-mot-nam-day-bien-dong-qua-lang-kinh-cua-afp-20241126134843582.htm
Zalo