Thế bế tắc Quốc hội 'treo' trên chính trường Pháp

Phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron và lực lượng cánh tả ở Pháp có thể 'bắt tay' nhằm ngăn chặn 'kịch bản xấu nhất' - phe cực hữu giành quyền đứng ra lập chính phủ nhưng lại hầu như không thể tìm được tiếng nói chung trong việc lập liên minh để thành lập chính phủ sau bầu cử.

Việc không lực lượng nào giành đủ số ghế để một mình đứng ra lập Chính phủ đã đưa chính trường Pháp vào thế bế tắc

Việc không lực lượng nào giành đủ số ghế để một mình đứng ra lập Chính phủ đã đưa chính trường Pháp vào thế bế tắc

Tương lai bất ổn sau bầu cử

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10-7 đã giao trách nhiệm cho các nhà lập pháp nước này đàm phán một liên minh rộng rãi để tạo dựng thế đa số vững chắc tại Hạ viện nhằm phá vỡ thế bế tắc sau cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) vừa qua. Đây là lần đầu tiên ông chủ điện Elysse lên tiếng sau cuộc bầu cử đầy kịch tích tại nước Pháp.

Nhằm ngăn ứng cử viên của Đảng theo lối cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, liên minh trung dung “Chung sức” của Tổng thống Emmanuel Macron và lực lượng cánh tả đã rút các ứng cử viên tại những khu vực mà họ không có nhiều cơ hội chiến thắng để dồn phiếu cho ứng cử viên là đối thủ của phe cực hữu RN. Bởi trước đó, các ứng cử viên RN đã giành chiến thắng áp đảo tại vòng 1 cuộc bầu cử với việc thu được 33% số phiếu bầu, bỏ xa cả liên minh cánh tả “Mặt trận Bình dân mới” (NFP) và phe trung dung “Chung sức”.

Kết quả của cú “bắt tay” không tuyên bố trên đã dẫn tới kết cục bất ngờ là không lực lượng nào giành đủ đa số tối thiểu 289 trong Quốc hội 577 ghế để một mình đứng ra lập chính phủ mới. Liên minh cánh tả NFP gồm Đảng Xanh, Đảng Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản và đảng cực tả không khuất phục (LFI) do LFI là nòng cốt giành được nhiều ghế nhất với 183 ghế, trong khi liên minh trung dung cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron về thứ hai với 163 ghế và Đảng Cực hữu RN của bà Marine Le Pen đứng thứ ba với 143 ghế.

“Cú lội ngược dòng” ngoạn mục của liên minh cánh tả NFP và liên minh ủng hộ ông Emmanuel Macron đã chặn đứng cơ hội nắm chính phủ của lực lượng cực hữu RN, làm yên lòng nước Pháp và cả châu Âu về nguy cơ một đảng theo đường lối cực hữu trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trên chính trường Pháp. Tuy nhiên, việc 3 thế lực gần như “dàn hàng ngang” trong Quốc hội mà không có đảng nào nắm đủ thế đa số cho thấy sự chia rẽ chính trị sâu sắc của nước Pháp, nguy cơ cao làm tê liệt nước Pháp với kịch bản “Quốc hội treo”.

Thực tế, sau vòng 2 cuộc bầu cử ngày 8-7 diễn ra đúng như lo ngại của dư luận. Việc không có lực lượng nào giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tối thiểu khiến Quốc hội Pháp đối mặt tình trạng bất ổn khi cơ quan lập pháp này bị chia làm 3 lực lượng với các chương trình nghị sự quá khác biệt, thậm chí xung đột với nhau. Điều này khiến giới phân tích cho rằng, sẽ dự báo về một thời kỳ bất ổn kéo dài và bế tắc về chính sách ở nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả bầu cử cũng không hẳn là thất bại hoàn toàn đối với đương kim Tổng thống Emmanuel Macron. Với số ghế giành được, liên minh của ông Emmanuel Macron vẫn được hưởng lợi lớn. Vị trí thứ hai trong Quốc hội đủ để đảm bảo cho phe này trở thành lực lượng không thể bỏ qua trong bất cứ cuộc đàm phán chính trị nào và chí ít cũng ngăn chặn được “làn sóng cực hữu” ở Pháp khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ.

Lãnh đạo các đảng cánh tả sau khi giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội mới đã kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron sớm trao quyền thành lập chính phủ mới cho liên minh cánh tả NFP. Tuy nhiên, viễn cảnh một chính phủ cánh tả với một đa số mong manh sẽ gần như không có cơ hội vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội trong lần ra mắt đầu tiên nếu không nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái khác. Ông Stéphane Séjourné, Tổng Thư ký Đảng “Phục hưng” nòng cốt trong liên minh trung dung, đã bác bỏ khả năng liên minh với đảng cực tả LFI, lực lượng chính trị lớn nhất trong liên minh cánh tả NFP.

Sẽ hình thành một “chính phủ kỹ trị”?

Giới quan sát cho rằng, bất cứ chính phủ mới nào tại Pháp mà không có sự tham gia của 2 trong 3 liên minh lớn hiện nay là NFP, RN và “Chung sức” đều khó có thể trụ vững. Thế nhưng, do chương trình nghị sự của 3 lực lượng này có khác biệt quá lớn nên chính trường nước Pháp thời gian tới sẽ rất khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và quá trình thương lượng để tìm kiếm một đa số mới đứng ra thành lập chính phủ có nguy cơ kéo dài. Cho tới nay, cả 3 phe NFP, RN và “Chung sức” đều phủ nhận “bắt tay” với lực lượng khác để lập chính phủ mới sau bầu cử. Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen cảnh báo: “Nước Pháp sẽ bị tê liệt bởi 3 nhóm chính trị có ảnh hưởng như nhau tại Quốc hội”.

Kịch bản được nhắc tới nhiều nhất lúc này là một chính phủ liên minh gồm nhiều sắc thái chính trị như tại Bỉ, Đức, Italia hay mới đây là Hà Lan, bao gồm các đảng cánh tả (không gồm đảng LFI), cánh hữu và khối trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron. Chính phủ kỹ trị là thuật ngữ dùng để chỉ nội các gồm các chuyên gia như nhà kinh tế, công chức cấp cao, học giả, nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công đoàn. Những chuyên gia này không liên kết với bất kỳ đảng phái hoặc liên minh chính trị nào.

Hà Lan gần đây đã thiết lập “chính phủ kỹ trị một phần” sau nhiều tháng bế tắc trên chính trường khi không đảng phái nào giành đủ số ghế đứng ra lập chính phủ. Các bộ trưởng trong Nội các mới của Hà Lan thuộc 4 đảng của liên minh cầm quyền, trong khi Thủ tướng Dick Schoof, cựu quan chức tình báo 67 tuổi, là người phi đảng phái.

Vấn đề là nước Pháp từ trước tới nay chưa từng có chính phủ như vậy. Theo ông Jean-Philippe Derosier, chuyên gia về hiến pháp tại Đại học Lille, nước Pháp hiện không có bất kỳ định nghĩa thể chế nào về kiểu “chính phủ kỹ trị”, do vậy đó có thể sẽ là một chính phủ “có khả năng tự do hành động theo ý muốn, miễn là họ được Quốc hội ủng hộ”.

Dù với bất kỳ kịch bản nào, Pháp đối mặt một thời kỳ bế tắc chính trị kéo dài với nguy cơ các vấn đề lập pháp bị trì trệ. Trong trường hợp có một “chính phủ kỹ thuật” với các bộ trưởng không thuộc đảng phái nào để xử lý các vấn đề sự vụ và thực hiện một số cải cách không quan trọng nếu có với sự đồng thuận của Quốc hội. Những vấn đề hệ trọng với nước Pháp có thể phải chờ đợi một cuộc bầu cử lập pháp mới. Hiến pháp của Pháp quy định bất kể kịch bản nào được lựa chọn và trong bất kỳ trường hợp nào, Quốc hội mới được bầu cũng không thể bị giải tán trong vòng một năm, tức là trước tháng 7-2025.

Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal đã nộp đơn từ chức ngày 8-7 ngay sau khi có kết quả vòng 2 bầu cử Quốc hội, song Tổng thống Emmanuel Macron đã yêu cầu ông tiếp tục tạm quyền điều hành chính phủ để chờ “cơ cấu” đa số của Quốc hội mới cũng như đảm bảo sự ổn định trong bối cảnh nước Pháp chuẩn bị cho các sự kiện lớn như lễ Quốc khánh ngày 14-7 và nhất là Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa. Hiến pháp Pháp cho phép Tổng thống có quyền tự do lựa chọn người sẽ đảm nhiệm chức Thủ tướng nhưng cũng quy định Thủ tướng phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội để tránh vấn đề lạm quyền. Trong khi đó, thế chân vạc chia ba tại Quốc hội sau bầu cử khiến vị trí Thủ tướng tương lai trở nên khó đoán định.

Đến lúc này, vẫn chưa thấy xuất hiện một gương mặt triển vọng thực sự rõ ràng cho chiếc ghế Thủ tướng dù một số chính trị gia tuyên bố sẵn sàng ngồi vào “ghế nóng” như ông Jean-Luc Mélenchon - thủ lĩnh đảng cực tả LFI nòng cốt của liên minh NFP… nhưng rất khó vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Theo giới quan sát, nước Pháp đang trong tình thế “so bó đũa chọn cột cờ” với vị trí Thủ tướng, một điều được cho là rất khó khăn bởi đó phải là người nhận được sự ủng hộ của cả Tổng thống Emmanuel Macron và đa số Quốc hội cũng như có khả năng dung hòa giữa các phe phái chính trị, hàn gắn đất nước bị phân cực sâu sắc sau các kỳ bầu cử vừa qua. Thế bế tắc Quốc hội “treo” trên chính trường Pháp rõ ràng khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-be-tac-quoc-hoi-treo-tren-chinh-truong-phap-post582630.antd
Zalo