Thầy thuốc quân hàm xanh tận tâm chữa bệnh cho nhân dân biên giới

Ia Rvê là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, do đó việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Được thành lập từ năm 2014, Trạm Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con dân bản mỗi khi bị đau ốm, bệnh tật. Từ đó giúp người dân ổn định đời sống và đồng hành với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh khám bệnh cho người dân vùng biên. (Ảnh: KIM NGÂN)

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh khám bệnh cho người dân vùng biên. (Ảnh: KIM NGÂN)

Trạm Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê đặt tại thôn 5, nơi có 205 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào các tỉnh phía bắc di cư vào đây từ nhiều năm trước, đời sống hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đứng chân ở thôn 5, nhưng Trạm Quân dân y kết hợp phục vụ người dân toàn xã Ia Rvê và cả các xã lân cận.

Đội ngũ thầy thuốc quân hàm xanh của Trạm còn trực tiếp tới tận nhà thăm khám, chữa trị thành công nhiều trường hợp bị bệnh nặng cho bà con dân bản. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh buôn làng, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong công tác chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi, Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Rvê, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk giao nhiệm vụ phụ trách Trạm Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê từ năm 2018. Anh luôn tận tụy đóng góp sức mình cùng các y, bác sĩ khác, chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi biên giới.

Từ ngày có Trạm Quân dân y kết hợp, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt được kết quả tốt hơn. Bác sĩ Linh và các thầy thuốc khác phối hợp chặt chẽ với chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con khơi thông cống rãnh, vệ sinh thôn buôn để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy… Nhờ có Trạm, bà con biên giới có được điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.

Chị Đinh Thị Linh, nhân viên y tế thôn 5

Theo Thiếu tá Linh, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, đối tượng khám, chữa bệnh đều thuộc diện bảo hiểm y tế nhưng với phương châm lấy y đức làm đầu, cán bộ y, bác sĩ đều xác định tốt tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ niềm nở, chu đáo, tận tình, coi bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình.

Chị Đinh Thị Linh, nhân viên y tế thôn 5, cho biết: “Từ ngày có Trạm Quân dân y kết hợp, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt được kết quả tốt hơn. Bác sĩ Linh và các thầy thuốc khác phối hợp chặt chẽ với chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con khơi thông cống rãnh, vệ sinh thôn buôn để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy… Nhờ có Trạm, bà con biên giới có được điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn”.

Trong những năm qua, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất y tế tại khu vực biên giới còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi, đội ngũ bác sĩ quân dân y tại khu vực biên giới huyện Ea Súp đã có những biện pháp điều trị hiệu quả như: châm cứu, bấm huyệt, bốc thuốc Đông y...

Nhờ kết hợp phương pháp Đông y với Tây y để chữa bệnh, Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh đã chữa khỏi nhiều người mắc bệnh nặng. Trò chuyện với tôi, ông Vi Văn Ngát, 69 tuổi, bày tỏ tình cảm quý trọng, hàm ơn đối với Thiếu tá Linh vì đã chữa khỏi bệnh cho vợ của ông. Vợ ông Ngát bị đau tức từ ngực tới thắt lưng trong nhiều năm. Tới năm 2019, thì bệnh trở nặng, đi lại rất khó khăn, cần phải dùng nạng để đi.

Ông Ngát kể: “Năm 2020, tôi nghe bà con nói ở Trạm Quân dân y có bác sĩ Linh châm cứu giỏi lắm, tôi liền tới cậy nhờ. Sau khi được bác sĩ châm cứu 15 ngày kết hợp với bấm huyệt, vợ tôi đã bỏ được nạng. Bác sĩ Linh bốc thuốc nam cho vợ tôi uống 10 ngày. Khi uống hết thuốc nam, bác sĩ tiếp tục châm cứu cho vợ tôi 10 ngày rồi nghỉ 1 tháng, sau đó tiếp tục châm cứu 20 ngày”.

Kết thúc 3 đợt điều trị, vợ ông Ngát đã đi lại được bình thường. “Lúc đó, gia đình tôi vỡ òa trong niềm vui. Bây giờ vợ tôi còn giúp được con cháu nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn. Nếu không có bác sĩ Linh, vợ tôi đã phải ngồi xe lăn rồi” - ông Ngát vui vẻ chia sẻ.

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh sử dụng máy điện châm phục vụ công tác điều trị bệnh. (Ảnh: KIM NGÂN)

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh sử dụng máy điện châm phục vụ công tác điều trị bệnh. (Ảnh: KIM NGÂN)

Một trường hợp khác được Thiếu tá Linh chữa khỏi bệnh là ông Tô Văn Hực, dân tộc Tày ở thôn 5. Năm 2023, trong lúc làm nhà, ông Hực di chuyển từ giàn giáo xuống đất thì bị đột quỵ lần 2. Người nhà đưa ông đi bệnh viện tỉnh điều trị 15 ngày. May mắn, ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nhưng bị liệt nửa người bên trái, phải ngồi xe lăn, phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Khi biết khả năng châm cứu chữa bệnh của Thiếu tá Linh, người nhà ông Hực liền tới Trạm Quân dân y nhờ chữa trị.

Không ngần ngại, Thiếu tá Linh đã châm cứu cho ông Hực 3 đợt, mỗi đợt 1 tuần. “Sau khi được bác sĩ Linh châm cứu, tôi đã đi lại được, tự mình làm vệ sinh cá nhân. Tôi rất vui và không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành tới bác sĩ Linh” - ông Tô Văn Hực cho biết.

Các thầy thuốc quân hàm xanh nơi biên giới đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cơ sở vật chất của Trạm Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê khá đơn sơ, bao gồm một phòng thu dung bệnh nhân, một phòng khám bệnh. Thiếu tá Linh cho biết, chiếc quạt hơi nước, bộ đèn năng lượng mặt trời… đều do các bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc nhà hảo tâm gửi tặng.

Để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, Thiếu tá Linh thường trích lương của mình để mua máy châm cứu. Anh cũng đăng ký tham gia lớp học trực tuyến về kỹ thuật siêu âm. Điều anh mong muốn hiện tại là có được một máy siêu âm để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh được tốt hơn.

Các thầy thuốc quân hàm xanh nơi biên giới đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cơ sở vật chất của Trạm Quân dân y kết hợp xã Ia Rvê khá đơn sơ, bao gồm một phòng thu dung bệnh nhân, một phòng khám bệnh. Thiếu tá Linh cho biết, chiếc quạt hơi nước, bộ đèn năng lượng mặt trời… đều do các bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc nhà hảo tâm gửi tặng.

Có thể nói, những thầy thuốc quân hàm xanh như Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh đã thực sự là điểm tựa, không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn góp phần thắt chặt tình cảm quân dân nơi vùng biên cương Tổ quốc.

Với những cống hiến vì cộng đồng và sự nỗ lực của bản thân, Thiếu tá, bác sĩ Linh là điển hình tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk được tôn vinh trong Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2023” về tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm 2024, anh được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vinh danh là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2019-2024.

KIM NGÂN - NGUYỄN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thay-thuoc-quan-ham-xanh-tan-tam-chua-benh-cho-nhan-dan-bien-gioi-post830130.html
Zalo