Đảo đèn những ngày bão nổi
10 ngày sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng, các công nhân, kỹ sư đảo đèn khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn chưa thể quên được cảm giác bất an, thậm chí hoảng hốt trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão.
"Cuồng phong" cô lập đảo đèn
10 ngày trôi qua sau khi bão số 3 đổ bộ, anh Nguyễn Đăng Linh, quyền Trạm trưởng Trạm quản lý hải đăng Hạ Mai (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vẫn bận rộn cùng công nhân của trạm dọn dẹp cây cối bị bão Yagi "quật" đổ.
Ra đảo công tác từ năm 2018, đây là lần đầu tiên anh Linh thấy cơn bão lớn đến vậy. Nằm ngay trên đường đi của tâm bão, anh Linh hốt hoảng khi chứng kiến sức tàn phá mạnh mẽ của cơn bão.
"Đóng cửa trong nhà, bên ngoài gió gào thét, cây cối đổ rầm rầm, anh em đều hoảng sợ dù trước đó đã chuẩn bị phòng, chống bão kỹ lưỡng", anh nhớ lại.
Là một trong những hòn đảo xa đất liền nhất Vịnh Bắc Bộ, bão số 3 quét qua Hạ Mai khiến hòn đảo nhỏ vốn hoang vu nay lại thêm hoang tàn. Hàng loạt cây xanh lớn gãy đổ, chặn đứng con đường duy nhất từ chân núi lên trên trạm đèn. Không có máy cưa, mỗi ngày, các công nhận trạm hì hục dùng dao phát tay, thu dọn cây cối để "mở đường" xuống núi.
Theo anh Linh, nhiên liệu của trạm ở dưới chân núi và hàng ngày, các anh em phải xuống gánh nhiên liệu lên chạy máy phát điện và phục vụ vận hành đèn biển. Sau gần 10 ngày dọn dẹp, họ mới có thể tạm thời xuống núi.
Thế nhưng, những vất vả và thiệt hại vật chất chưa phải điều khiến anh cùng anh em Trạm quản lý hải đăng Hạ Mai đau đáu. Tinh thần của những chàng trai "đầu sóng ngọn gió" đã có lúc bị dao động do mất kết nối với gia đình. Cơn bão quần thảo qua Quảng Ninh và Hải Phòng đã khiến nhiều khu vực bị tê liệt sóng điện thoại, mạng internet.
Họ lo nhất bởi không biết tình hình ở nhà ra sao, người thân có an toàn không. "Đêm bão và cả những ngày sau bão, giấc ngủ của tôi luôn chập chờn vì lo lắng cho gia đình ở Hà Nội", vị quyền trạm trưởng thổ lộ.
Cũng ví bản thân như người "mù thông tin" suốt những ngày qua, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm quản lý đèn biển Long Châu (Hải Phòng) cho biết hiện nay, công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 3 tại khu vực đảo Long Châu vẫn đang tiếp tục, dự kiến phải vài tháng nữa mới hoàn thành.
Sóng điện thoại cũng chưa được khôi phục nên những ngày qua, anh mất mấy ngày để đi dò sóng khắp đảo. May thay, anh "vớt vát" được chút sóng từ đảo Cát Bà để có thể liên lạc được về cho gia đình sau 1 tuần mất liên lạc.
Dẫu vậy, các cuộc gọi cũng liên tục bị ngắt quãng vì sóng yếu. Không có 4G, mạng internet, cuộc sống của những người gác đèn biển như bị cô lập. Việc liên lạc về bờ chỉ qua sóng VHF Hải Phòng.
Nhớ lại ngày lịch sử khi bão Yagi mang theo sức gió như muốn rạch nát bầu không gian quanh khu vực đảo, anh Hùng không khỏi rùng mình. 20 năm làm việc tại đảo Long Châu, có kinh nghiệm phòng chống bão nhưng chưa bao giờ, anh chứng kiến trận bão khủng khiếp đến thế.
Cuồng phong ập đến, gió gầm rít kèm theo mưa xối xả đã giật tung nhiều tấm pin năng lượng mặt trời trên đỉnh nóc trạm, rơi lả tả như mưa. Téc nước 5 khối bay xuống sân. Lồng đèn trên tháp đèn cũng bị thổi tung.
"Nghe tiếng "rầm!" lớn và tiếng kính rơi loảng xoảng, anh em hoang mang tột độ. Khi gió lặng, chúng tôi lần bước lên trên tháp đèn. Trước mắt là khung cảnh tan hoang với những mảnh kính vỡ tan tác dọc cầu thang lên tháp. Điều may mắn là đèn vẫn trụ vững ở đó, phát tia sáng rạch ngang bầu trời mặc những cơn gió thét gào", anh Hùng kể.
Trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên, cột anten của VNPT và VHF cũng gãy đổ. Trong nhóm báo cáo tình hình về Tổng công ty, tin nhắn cuối cùng anh Hùng gửi được trước khi toàn bộ sóng, mạng của Long Châu tê liệt chỉ vỏn vẹn vài chữ "Anh em trạm vẫn an toàn".
Đội mưa bão, thâu đêm rà quét luồng hàng hải
Vừa trở lại văn phòng sau những ngày lênh đênh trên biển để dò quét chướng ngại vật trên luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân, anh Đồng Duy Mạnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Lập kế hoạch và tổ chức khảo sát, rà quét luồng Hòn Gai, Cái Lân (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) lại tất bật với những cuộc gọi từ hiện trường về việc rà quét luồng, xử lý chướng ngại vật.
10 ngày qua, anh Mạnh chưa có lấy một ngày ngơi nghỉ. Bởi ngay sau khi bão đổ bộ vào ngày 7/9 và gây nhiều thiệt hại, lực lượng làm công tác khảo sát, rà quét chướng ngại vật trên luồng hàng hải lập tức được chia thành các mũi phân công để thực hiện khảo sát, rà quét các các tuyến luồng nhằm tránh rủi ro cho các tàu biển.
Ngày 8/9, cùng 9 anh em khác, anh Mạnh vớ vội các trang thiết bị khảo sát tức tốc lên đường sang Quảng Ninh làm nhiệm vụ.
Sau bão, hoàn lưu bão khiến mưa dông triền miên, mặt biển mù mịt, sóng điện thoại chập chờn trở thành những thách thức không nhỏ cho lực lượng bảo đảm an toàn hàng hải. Trên những chiếc tàu mỏng manh như lá tre giữa biển khơi bề bộn các loại rác, vật dụng trôi nổi, các công nhân, kỹ sư bảo đảm an toàn hàng hải vừa phải tăng cường cảnh giới, vừa khảo sát, rà quét chướng ngại vật để báo về trụ sở Tổng công ty để ra thông báo hàng hải.
Công việc tất bật từ sáng sớm tới đêm khuya, họ chỉ thay nhau tranh thủ chợp mắt rồi lại tiếp tục để hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất, không ảnh hưởng tới hoạt động hành hải chung của khu vực.
Thừa nhận chưa bao giờ thi công trong cường độ cao như vậy, anh Mạnh nhớ lại suốt mấy ngày liền, anh và anh em trong nhóm thậm chí còn không thể sinh hoạt cá nhân do liên tục phải đổi tàu vì tàu thường xuyên gặp sự cố do quá nhiều rác thải.
"Mỗi lần đổi tàu, chúng tôi chỉ kịp mang theo đồ bảo hộ, áo phao và thiết bị dò quét. Không có thời gian để về bờ mua đồ ăn thức uống, bữa ăn của trên tàu những ngày này chỉ có mỳ tôm. Mưa lớn quất vào mặt tê tái, mắt nhèm đi nhưng anh em động viên nhau cố gắng bởi chúng tôi biết, rất nhiều người đang ngóng chờ tin tức, thông báo hàng hải để có các phương án cho hoạt động hàng hải diễn ra sớm trở lại", anh Mạnh bộc bạch.
Với anh, thời điểm đó, dù phải chợp mắt trong điều kiện khoang tàu chật hẹp, ngồi co ro, máy nổ xình xịch bên tai và thi công xuyên đêm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm nhưng không ai có một lời ca thán. Tất cả đều cùng chung mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Sau khi vượt qua giai đoạn cao điểm, tất cả đều nhận thấy bản thân đã khai phá được năng lực chưa từng nghĩ đến. Phải có bản lĩnh lắm, yêu nghề lắm mới có thể làm việc với cường độ cao trong bối cảnh nguy hiểm giữa đêm mưa gió tối đen như mực trên biển, bất chấp rủi ro trực chờ", anh Mạnh thổ lộ.
Kết quả, những nỗ lực của các cán bộ, công nhân bảo đảm an toàn hàng hải đã góp phần kịp thời khắc phục sự cố sau bão, đưa hoạt động hàng hải tại khu vực sớm trở lại bình thường.
Trong khi đó, là Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Phó tổng giám đốc Lưu Văn Khải thừa nhận "khó diễn tả thành lời" cảm xúc của những ngày thâu đêm suốt sáng cùng các đồng nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão Yagi.
Những lo lắng trong suốt thời điểm bão quét qua khu vực, hoang mang vì mất liên lạc với nhiều trạm đèn có lẽ là điều ông không bao giờ quên. Xác định được các đồng nghiệp đều an toàn khiến ông thở phào nhẹ nhõm.
Theo ông Khải, tổng thiệt hại đối với trang thiết bị, tài sản do cơn bão số 3 và lũ sau bão gây ra cho Tổng công ty ước khoảng 16 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh nghiệp quản lý vận hành hệ thống đèn biển và tuyến luồng hàng hải công cộng với chiều dài 262,589km, việc khắc phục thiệt hại sau bão và hoàn lưu sau bão gặp nhiều khó khăn do mưa, lũ, nước biển dâng và thời tiết phức tạp.
Một số tuyến luồng hàng hải và trạm đèn biển xa bờ khiến việc tiếp cận khắc phục thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
"Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với cơn bão theo phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" và sự đoàn kết của tập thể cán bộ, người lao động, anh em đã vượt mọi khó khăn, vất vả, khẩn trương thực hiện các công tác khắc phục sự cố phao trôi, đèn tắt, khảo sát rà quét chướng ngại vật các tuyến luồng hàng hải, kịp thời ra thông báo hàng hải để đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường", ông Khải khẳng định.