Tính toán của iPOS.vn trong cơn khủng hoảng ngành F&B

iPOS.vn chủ động đóng cửa một số văn phòng nhằm tối ưu chi phí, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhân sự lẫn khách hàng.

Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực Việt Nam nửa đầu năm 2024 cho thấy, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với năm ngoái. Trong đó, hơn 30.000 cửa hàng đã phải đóng cửa, một con số đáng báo động với ngành dịch vụ F&B vốn từng sôi động.

Không chỉ các thương hiệu lớn như Highlands Coffee hay Starbucks phải thu hẹp hoạt động ở nhiều mặt bằng đắc địa, các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành F&B cũng chịu sức ép không nhỏ.

Là công ty cung cấp giải pháp phần mềm và thiết bị thanh toán F&B như giấy in nhiệt, máy đọc mã vạch, máy in, máy tính tiền, iPOS.vn cũng bị ảnh hưởng và đã có những điều chỉnh chiến lược trong giai đoạn đầy thách thức này.

iPOS.vn xây dựng mô hình chi nhánh trung tâm khu vực.

iPOS.vn xây dựng mô hình chi nhánh trung tâm khu vực.

Tối ưu hóa chi phí với mô hình mới

Thay vì dàn trải số lượng văn phòng trên cả nước, iPOS.vn đã thực hiện tái cấu trúc hệ thống vận hành từ năm 2023. Cụ thể, công ty đã đóng cửa các văn phòng tại Quảng Ninh, Nam Định, An Giang và Vũng Tàu trong năm 2023.

Đến năm 2024, công ty này chỉ đóng cửa thêm một văn phòng duy nhất tại Thanh Hóa vào tháng 10, do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng sau đợt bão lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty tiết lộ văn phòng này sẽ sớm được mở lại.

Ông Trương Văn Trực, Phó tổng giám đốc iPOS.vn, cho biết, việc đóng cửa văn phòng tại một số tỉnh là chiến lược nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung của ngành F&B.

Đối với các tỉnh thành có thị trường nhỏ, iPOS.vn xây dựng mô hình chi nhánh trung tâm khu vực. Ví dụ, văn phòng thành phố Huế phụ trách các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình. Văn phòng Nha Trang vừa được chuyển sang một địa chỉ mới vào tháng 10/2024 và quản lý các thị trường vệ tinh gồm Ninh Thuận, Phú Yên và Bình Định.

Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giúp quản lý nhân sự và hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Điều đặc biệt là iPOS.vn không cắt giảm nhân sự dù đóng cửa văn phòng. Nhân viên tại các tỉnh có thể lựa chọn tiếp tục làm việc từ xa tại thị trường đang phụ trách hoặc chuyển đến các chi nhánh trung tâm khu vực. Dù làm việc từ xa hay tại chi nhánh trung tâm, quyền lợi và phúc lợi của nhân viên vẫn được giữ nguyên, tương đương với đồng nghiệp trên cả nước.

"iPOS.vn luôn tôn trọng nguyện vọng của từng nhân sự trong giai đoạn chuyển đổi này", ông Trực khẳng định.

Đối với khách hàng, theo lãnh đạo iPOS, việc tối ưu hóa vận hành không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Các thương hiệu F&B đang sử dụng giải pháp của iPOS.vn tại các khu vực vẫn được hỗ trợ đầy đủ thông qua đội ngũ nhân sự tại chỗ hoặc từ xa. Điều này giúp đảm bảo sự liên tục trong hoạt động kinh doanh của khách hàng, ngay cả khi thị trường đang đối mặt với nhiều biến động.

Theo lãnh đạo iPOS.vn, công ty dự kiến sẽ mở lại các văn phòng đã tạm dừng hoạt động và thành lập văn phòng mới ở các thị trường tiềm năng khi nền kinh tế ổn định hơn vào năm 2025.

Bên cạnh đó, văn phòng iPOS.vn tại TP. HCM vẫn hoạt động bình thường, khẳng định vai trò đầu tàu trong việc phục vụ khách hàng và đối tác trên toàn quốc. Được biết, chi nhánh iPOS.vn tại TP.HCM được thành lập từ năm 2013, với văn phòng đầu tiên tại Đông Du, quận 1. Từ năm 2018, chi nhánh TP.HCM được chuyển về tầng 6 và tầng 12 tại tòa nhà Lottery Tower, 77 Trần Nhân Tôn, quận 5.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tinh-toan-cua-iposvn-trong-con-khung-hoang-nganh-fb-d38408.html
Zalo