Thấy gì từ những vụ tử vong nghi do ngộ độc rượu ở Cà Mau?
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra nhiều vụ tử vong sau khi sử dụng rượu, điều này làm dấy lên quan ngại về chất lượng rượu được bày bán tràn lan hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ trước khi bán ra thị trường.
Những ngày qua, dư luận ở Cà Mau xôn xao việc 2 người đàn ông ở huyện Phú Tân tử vong và 1 người nhập viện cấp cứu sau khi sử dụng rượu khiến nhiều người đau xót. Theo nội dung vụ việc, vào ngày 11.5 vừa qua, gia đình ông N.V.L (43 tuổi, ngụ xã Rạch Chèo) tổ chức tiệc rượu nên mời các ông L.V.L (45 tuổi) và V.V.C (54 tuổi) – cùng ngụ ở địa phương đến chung vui.
Đến ngày 12.5, ông L.V.L có biểu hiện khó thở, nôn ra máu nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế địa phương thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông L. bị xuất huyết đường tiêu hóa nên chỉ định chuyển lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn, nên gia đình đã đưa ông L. về nhà. Đến 2 giờ sáng ngày 13.5, người đàn ông này tiếp tục có những biểu hiện khó thở, nôn ói ra máu nên được đưa vào trạm y tế thăm khám và tử vong ngay sau đó.
Còn ông V.V.C, sau tiệc nhậu 1 ngày, ông này cũng có biểu hiện mệt mỏi, khó thở nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước điều trị và tử vong tại bệnh viện sau 1 ngày điều trị.
Riêng trường hợp của ông N.V.L, sau bữa tiệc rượu 2 ngày, người đàn ông này cũng có những biểu hiện tương tự 2 người bạn nhậu đã tử vong nên được gia đình chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị. Thời điểm nhập viện, ông L. chỉ nhìn thấy một màu trắng, các cảnh vật xung quanh không nhìn thấy. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), được chỉ định lọc máu và đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, trong tháng 4 vừa qua, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời cũng xảy ra vụ việc 8 người nhập viện điều trị nghi do ngộ độc rượu sau khi dự đám tang của một người đàn ông ở địa phương. Ngay sau đó, lực lượng chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu rượu tại đám tang để test nhanh và cho kết quả dương tính với methanol.
Chưa hết, vào cuối tháng 7.2022, ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cũng xảy ra vụ việc 3 người phụ nữ tử vong sau khi nhậu 2 ngày liên tiếp. Theo tìm hiểu của PV Một Thế Giới, trước đó, vào ngày 20.7.2022, bà N.T.L cùng 5 người phụ nữ khác đi dự tiệc tại nhà một người quen tại địa phương. Sau đó, bà L. cùng 5 người phụ nữ kể trên tiếp tục tiệc rượu. Trong 2 lần nhậu, 6 người này đã uống khoảng 5 lít rượu.
Đến tối, ngày 22.7, có 3 người trong nhóm có biểu hiện khó thở, nôn ói nên được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị trong tình trạng nặng. Dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng các nạn nhân đã không qua khỏi.
Ở miền Tây, người dân rất mê rượu gạo (còn gọi là rượu đế - PV) loại rượu này được người dân địa phương chưng cất tại nhà rồi pha chế bán ra thị trường (chủ yếu bán trong xóm). Rượu gạo có giá rất rẻ, tầm 20.000 đồng/lít nên được người dân ưa chuộng, chọn mua để thiết đãi khách. Do giá rẻ, việc chưng cất, pha chế không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng có thể là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người trong thời gian qua.
Một bác sĩ có chuyên môn ở Cà Mau nhận định: “Gần đây ở địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ chết người sau khi sử dụng rượu, điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cơ quan quản lý không thể kiểm soát được quy trình nấu rượu theo hình thức nhỏ lẻ. Thứ hai, bản thân người làm nghề này bỏ qua cách nấu rượu truyền thống, họ mua men (thay vì ủ men như trước đây) trực tiếp ngoài chợ về nấu rượu nên không kiểm soát được chất lượng. Thứ ba, có thể vì lợi nhuận nên họ đã sử dụng cồn công nghiệp để pha rượu…”.
Theo vị bác sĩ, cần phải nhắc đến việc ăn nhậu phản khoa học của một bộ phận người dân, uống quá chén, không giới hạn nên xảy ra tình trạng ngộ độc. Đồng thời, ông nói thêm, C2H5OH (ethanol) có 2 dạng, một dạng là do lên men từ gạo, dạng này tốn rất nhiều thời gian. Dạng thứ 2 là loại công nghiệp, loại này có giá trên thị trường rẻ, nếu sử dụng để nấu rượu thì tiết kiệm được thời gian và lợi nhuận cao hơn. “Những trường hợp ngộ độc rượu ở Cà Mau gần đây tôi nghĩ nguồn gốc là do men nấu rượu”, vị bác sĩ cho biết.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, vị bác sĩ khuyên, cơ quan chức năng cần phải kiểm soát được nguồn cung, nhất là kiểm soát từ các điểm bán nhỏ lẻ. Người tiêu dùng phải tìm hiểu và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có như vậy thì sẽ cải thiện được tình trạng ngộ độc rượu. “Việc kiểm soát nói ra có vẻ khó, nhưng thật sự nếu trong xóm có ai nấu rượu thì cả xóm biết chứ không chỉ chính quyền. Đạo đức người bán, ý thức người tiêu dùng rất quan trọng. Nhất là các điểm bán nhỏ lẻ, họ thường không tham khảo nguồn gốc, sản phẩm nào lợi nhuận cao là họ bán, bất chấp nguồn gốc, đó là nguyên nhân gây ra ngộ độc”, vị bác sĩ nói thêm.