Thấy gì từ hàng tồn kho của Regal Group?

Với lợi thế có sẵn quỹ hàng lớn, Regal Group có thể 'tung ra' đúng thời điểm thị trường. Điều này giúp công ty chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng, khách hàng dễ tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, có sẵn mà không bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 đã công bố, Công ty cổ phần Regal Group có doanh thu đạt 273 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này ghi nhận ở mức 164 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt ở mức 34 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp của quý IV/2024 tăng trưởng mạnh 168% so với quý IV/2023 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi có sự cải thiện nhờ bàn giao các sản phẩm từ các dự án cho khách hàng như dự án Regal Legend; đồng thời nhiều dự án đến thời điểm ghi nhận doanh thu.

Nhờ vậy, lũy kế năm 2024, Công ty cổ phần Regal Group có doanh thu đạt 721 tỷ đồng, giảm 345 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế lũy kế năm 2024 đạt 549 tỷ đồng. Đây là một con số khá ấn tượng trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa khôi phục như trước thời điểm dịch COVID-19.

Tính đến thời điểm kết thúc quý IV/2024, doanh nghiệp này có tổng tài sản lên đến 4.812 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Regal Group.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của của doanh nghiệp này khá lớn lên đến 3.531 tỷ đồng. Đây là một loạt dự án bất động sản của Regal Group tại nhiều tỉnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp này đang dự trữ nguồn sản phẩm về bất động sản khá lớn và chờ thời cơ để tung sản phẩm.

Nhìn thấy gì từ kho hàng tồn của Regal Group?

Trao đổi với Tài chính Doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Regal Group cho biết, thị trường BĐS luôn vận hành theo chu kỳ suy thoái – phục hồi – tăng trưởng. Sau giai đoạn trầm lắng 2023 – 2024, nhiều chuyên gia dự báo thị trường sẽ phục hồi mạnh từ 2025 – 2028 nhờ chính sách tài chính và tín dụng được nới lỏng, nhu cầu đầu tư quay trở lại cùng với sự phát triển của hạ tầng và đô thị hóa.

Với lợi thế có sẵn quỹ hàng lớn, Regal Group có thể “tung ra” đúng thời điểm thị trường bùng nổ mà không cần mất thời gian triển khai mới. Điều này giúp công ty chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng, khách hàng dễ tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, có sẵn mà không bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.

Cũng theo ông Trần Ngọc Thái, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường bất động sản chính là sự mất cân bằng cung – cầu. Khi nguồn cung khan hiếm, giá bất động sản thường bị đẩy lên cao, gây ra tình trạng sốt đất và khiến người mua gặp khó khăn.

Tuy nhiên, Regal Group với lợi thế sở hữu lượng hàng lớn có thể điều tiết nguồn cung hợp lý, giúp giữ giá bán ổn định, tránh tình trạng tăng giá đột biến hoặc “bong bóng” bất động sản. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn giúp thị trường phát triển một cách bền vững hơn.

Bên cạnh đó, việc không phải mua lại quỹ đất với giá cao trong giai đoạn thị trường phục hồi cũng giúp Regal Group kiểm soát tốt chi phí đầu vào, tối ưu lợi nhuận và duy trì lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, ông Trần Ngọc Thái cho rằng một trong những rủi ro lớn nhất khi mua BĐS là dự án chậm tiến độ hoặc vướng mắc pháp lý, dẫn đến việc không thể nhận nhà đúng hạn hoặc gặp khó khăn trong giao dịch. Regal Group giải quyết bài toán này bằng cách tích lũy quỹ hàng đã hoàn thiện pháp lý và sẵn sàng bàn giao ngay.

Phước Nguyên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thay-gi-tu-hang-ton-kho-cua-regal-group-d56133.html
Zalo