Thấy gì từ cuộc khủng hoảng dịch đậu mùa khỉ ở châu Phi?

Giá thành cao, không được cấp phép lưu hành theo quy định… chỉ là một vài trong số nhiều nguyên nhân khiến châu Phi phải đối diện với tình trạng thiếu vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh một đợt bùng phát loại biến thể nguy hiểm mới đang lây lan khắp lục địa.

Đầu tháng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sau khi xuất hiện đợt bùng dịch đậu mùa khỉ mới ở châu Phi, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm WHO ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến căn bệnh này.

Phần lớn các trường hợp đã được phát hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng virus đậu mùa khỉ cũng đã lây lan sang một số quốc gia ở Trung và Đông Phi. Thậm chí, tại châu Âu, Thụy Điển gần đây cũng đã ghi nhận một trường hợp nhiễm biến thể mới nguy hiểm, đánh dấu trường hợp đầu tiên thuộc loại này được ghi nhận bên ngoài châu Phi.

Tính đến ngày 25/8, châu Phi đã ghi nhận 5.281 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm 2024.

Tính đến ngày 25/8, châu Phi đã ghi nhận 5.281 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm 2024.

Biến thể mới đã làm tăng nhu cầu về vaccine ở Cộng hòa Dân chủ Congo và những nơi khác. Tình hình này đã làm nổi bật sự bất bình đẳng nghiêm trọng hiện hữu trên toàn cầu liên quan đến vaccine và các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, và mức độ lợi nhuận thường là yếu tố chính quyết định việc có sản xuất và mua vaccine hay không.

Những lựa chọn…

Hiện chỉ có một loại vaccine chống lại đậu mùa khỉ được các cơ quan quản lý hàng đầu trên thế giới chấp thuận rộng rãi, đó là vaccine MVA-BN do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất. Công ty bán vaccine dưới các thương hiệu Jynneos, Imvamune và Imvanex.

Vaccine LC16 của Nhật Bản, do KM Biologics sản xuất, đã được Nhật Bản chấp thuận trong nước trong đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ trước đó vào năm 2022-2023. WHO cũng khuyến nghị sử dụng nhưng hiện vaccine này vẫn chưa có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý toàn cầu.

Một loại vaccine đáng chú ý khác là loại được thiết kế ban đầu để chống lại bệnh đậu mùa có tên là ACAM2000. Công ty dược phẩm sinh học Mỹ Emergent BioSolutions đã mua vaccine này từ công ty Sanofi của Pháp vào năm 2017. Mặc dù đây là vaccine đậu mùa, nhưng các chuyên gia tin rằng sự tương đồng giữa các loại virus gây ra bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ lớn đến mức ACAM2000 có thể tạo ra khả năng miễn dịch chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

WHO tuyên bố trên trang web của mình: "Hiện tại, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine MVA-BN hoặc LC16 hoặc ACAM2000 khi các loại vaccine khác không có sẵn".

… nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu

Trước tình trạng này, mọi con mắt đang dồn về Bavarian, công ty duy nhất được cấp phép phân phối vaccine ngừa đậu mùa khỉ trên toàn cầu.

Đầu tháng này, Giám đốc điều hành của Bavarian Nordic Paul Chaplin cho biết công ty có khả năng sản xuất hàng triệu vaccine trước cuối năm nhưng cần thấy rõ nhu cầu tăng cao hơn càng sớm càng tốt.

Trả lời phóng vấn tờ “Financial Times” của Anh, ông nói: "Chúng tôi có khả năng, nhưng chúng tôi cần mọi người bắt đầu đặt hàng thật nhanh. Chúng tôi cần đơn đặt hàng vào cuối tháng này nếu muốn triển khai sản xuất 2 triệu liều vào cuối năm nay".

Công ty gần đây đã nhận được đơn đặt hàng hơn 175.000 liều từ Cơ quan ứng phó và chuẩn bị y tế khẩn cấp châu Âu (HERA) và cho biết họ đang đàm phán với các chính phủ khác về các đơn đặt hàng tiềm năng sẽ được phân phối đến châu Phi.

Bavarian Nordic tuyên bố có thể sản xuất 10 triệu liều vào cuối năm 2025 nếu thấy có đủ nhu cầu và cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) "để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine đậu mùa khỉ của chúng tôi".

Tuy nhiên, sự chấp thuận của cơ quan quản lý cũng là một vấn đề ở châu Phi. CHDC Congo đã không nhận được vaccine trong đợt bùng phát 2022/2023 do thiếu sự phê duyệt, nhưng hiện tại, cả nước này và Nigeria đều đã chấp thuận vaccine của Bavarian Nordic để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Các quốc gia khác hiện đang bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát ở châu Phi cũng không phê duyệt bất kỳ loại vaccine nào, khiến việc cung cấp vaccine càng trở nên phức tạp hơn.

Vấn đề lợi nhuận

Giá cổ phiếu của Bavarian Nordic đã tăng khoảng 40% trong tuần kể từ khi cuộc khủng hoảng đậu mùa khi được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, một dấu hiệu cho thấy vaccine có thể tác động đến thị trường như thế nào.

Stuart Blume, giáo sư danh dự về khoa học và công nghệ tại Đại học Amsterdam, cho biết lợi nhuận hiện là yếu tố quyết định chính đối với việc sản xuất vaccine trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ: "Vào những năm 1960 và 1970, mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng thực sự thống trị lĩnh vực vaccine. Với chủ nghĩa tân tự do vào những năm 1980, vấn đề này trở thành vấn đề về tiền lãi và lợi nhuận của cổ đông".

Điều đáng buồn, theo ông, là các công ty chỉ có thể kiếm lợi nhuận từ vaccine nếu virus trở thành "vấn đề" ở các nước giàu. Ông mỉa mai: "Sẽ không ai giàu lên khi bán vaccine cho châu Phi".

Vì vậy, Stuart Blume đang kêu gọi các chính phủ giàu có đứng ra thanh toán các đơn đặt hàng để tài trợ cho nhiều quốc gia châu Phi. Ông bày tỏ lo ngại: "Các quốc gia châu Phi không có đủ nguồn lực để mua vaccine và cũng không rõ liệu thế giới phát triển có đủ tiền trả hay không".

Trước thực trạng này, nhiều cường quốc phát triển đã tuyên bố sẽ tài trợ vaccine để châu Phi vượt qua đại dịch, và châu Phi đang lần lượt nhận được những liều vaccine đầu tiên.

Mới đây nhất, ngày 28/8, trang thông tin của Liên hợp quốc thông báo Nigeria nhận được 10.000 liều vắc xin chống đậu mùa khỉ, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên nhận được các liều thuốc ứng phó với dịch bệnh do virus này gây ra.

Ngọc Bích

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thay-gi-tu-cuoc-khung-hoang-dich-dau-mua-khi-o-chau-phi--i742419/
Zalo