Thấy gì từ con số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể tại Hà Tĩnh?

Bên cạnh sự khởi sắc về số lượng thành lập mới, doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh tại Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn còn ở mức cao.

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tính đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh có 840 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 3.145 tỷ đồng, tăng 31% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục được cải thiện và thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, doanh nhân.

 Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp khoảng 50 - 60% GRDP toàn tỉnh, 60% thu ngân sách nội địa và 50 - 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp khoảng 50 - 60% GRDP toàn tỉnh, 60% thu ngân sách nội địa và 50 - 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng về số lượng thì vốn đăng ký của các doanh nghiệp lại giảm 12,97%. Con số này minh chứng rằng quy mô doanh nghiệp mới vẫn còn nhỏ, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động kinh tế trong và ngoài nước.

Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 242 đơn vị, giảm 2,81%; số doanh nghiệp giải thể là 130, tăng 10,17% và có tới 483 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước.

Liên tục những thông tin thống kê tăng, giảm theo chiều hướng “không vui” phản ánh một thực tế: Bên cạnh sự khởi sắc về thành lập mới, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh vẫn còn cao. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng tựu trung lại vẫn là: xuất phát từ tác động tiêu cực của lạm phát toàn cầu, chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm và những ảnh hưởng kéo dài từ các biến động kinh tế thế giới.

Thực tế cho thấy, những nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc đồng hành, hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; kịp thời thông tin và đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc; việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý doanh nghiệp cũng được chú trọng...

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đủ sức tác động mạnh đến năng lực phục hồi, tăng trưởng và cạnh tranh lâu dài của khu vực kinh tế tư nhân. Trước bối cảnh bất định của kinh tế toàn cầu và yêu cầu phát triển bền vững, việc tiếp cận toàn diện, chiến lược hơn trong thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển đòi hỏi phải được quan tâm hơn nữa.

 Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 18.000-20.000 doanh nghiệp.

Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 18.000-20.000 doanh nghiệp.

Mới đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của nghị quyết, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế tư nhân – một trong những lực lượng sản xuất chủ lực tại địa phương.

Ấn tượng nhất là nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 7 trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68 của Hà Tĩnh: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Thực tế cho thấy, trong hơn 10.000 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có đến hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc hỗ trợ vẫn thường xuyên được thực hiện nhưng nay đòi hỏi phải thực chất, hiệu quả và “chân thành” hơn.

Các nhiệm vụ hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh được đưa ra là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm...; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành.

Dù sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết 68 cùng với Chương trình hành động cụ thể, đồng bộ của tỉnh sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ.

Một hi vọng mới mở ra, những nỗ lực của tỉnh sẽ trở thành những “điểm tựa” vững chắc, sự cổ vũ thực tâm để những “chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế phát huy năng lực bản thân, đóng góp tích cực cho sự phát triển.

An Nhiên

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/thay-gi-tu-con-so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-va-giai-the-tai-ha-tinh-post291535.html
Zalo