Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Ngành nông nghiệp và môi trường vững bước trong giai đoạn khó khăn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu toàn ngành phát huy trách nhiệm cao nhất, khắc phục khó khăn và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Phát huy tinh thần trách nhiệm
Sáng ngày 12/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Đây là dịp để Bộ nhìn nhận lại những kết quả đạt được trong 6 tháng qua, đồng thời đề ra những kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển trong nửa cuối năm.
Lãnh đạo Bộ cho biết, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại, nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động từ các chính sách thuế quan, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đảng bộ Bộ chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới được 4 tháng với tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng phải bảo đảm một khối lượng nhiệm vụ, công việc rất lớn, với yêu cầu cao về chất lượng, cũng như trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiêph và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Khương Trung
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã vượt qua khó khăn. Trong số đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiêph và Môi trường Đỗ Đức Duy, nổi bật là khu vực kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp và môi trường đạt 3,84% tiệm cận với mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng là 3,9% (trong đó nông nghiệp tăng 3,31%; lâm nghiệp tăng 7,42%; thủy sản tăng 4,21%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD tăng 15% so với cùng kỳ).
Về lĩnh vực pháp chế, trong 6 tháng qua, Bộ đã chủ trì soạn thảo một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết mới của Quốc hội nhằm cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp lý phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời thúc đẩy các mô hình quản lý hiệu quả, bền vững cho ngành nông nghiệp và môi trường.
Tính đến hết ngày 9/7/2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công 100% đại hội các tổ chức Đảng trực thuộc theo đúng tiến độ đề ra; tạo tiền đề quan trọng, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất vào tháng 8/2025.
Công tác phân cấp, phân quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp các địa phương có thể chủ động hơn trong việc triển khai các chính sách, giảm thiểu sự can thiệp hành chính và đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Các sáng kiến nhằm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển bền vững được triển khai mạnh mẽ, góp phần tích cực vào cả phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Bộ cũng tích cực áp dụng các mô hình quản lý bền vững, triển khai chương trình ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá cho các thế hệ tương lai.
Tồn tại, hạn chế và các giải pháp khắc phục
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn phải đối mặt với một số tồn tại. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã thẳng thắn chỉ ra các yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất. Việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực như sầu riêng, thanh long, cà phê và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Đây là điều cần phải xem xét và khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, năng lực phản ứng chính sách của một số cơ quan chức năng còn hạn chế, khiến cho công tác triển khai các nhiệm vụ chuyên môn bị chậm trễ. Việc xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin của Bộ cũng chưa được đồng bộ và kịp thời, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khương Trung
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cấp ủy, chính quyền và các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có những phân tích sâu sắc về nguyên nhân của các vấn đề tồn đọng, đồng thời đề xuất các biện pháp khắc phục khả thi. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ và dự án quan trọng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công tác quản lý nhà nước, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với những giải pháp khắc phục cụ thể, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang đang nỗ lực không ngừng để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ cũng đã công bố Quyết định số 139-QĐ/ĐU bổ sung 16 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm tăng cường sức mạnh lãnh đạo, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Bộ.
Đặc biệt, Bộ cũng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp to lớn của Thứ trưởng trong sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp và môi trường trong suốt quá trình công tác.