Thấy gì khi gia đình TikToker sụp đổ hình tượng sau vụ 'đòi tai nghe'?
Theo chuyên gia truyền thông, làn sóng phản đối của dân mạng với Gia đình PTTC xuất phát từ sự thất vọng khi hành xử ngoài đời khác xa hình tượng 'văn hóa' họ xây dựng trên mạng.

Sự việc thành viên gia đình TikToker nổi tiếng chặn thang máy, có lời lẽ thiếu lịch sự với người dân khu chung cư khiến nhiều người bức xúc. Ảnh cắt từ clip.
"Gia đình PTTC" và "clip đòi tai nghe trong thang máy" trở thành từ khóa gây sốt mạng xã hội những ngày qua. Tâm điểm chỉ trích nhắm vào gia đình 4 thành viên nổi tiếng trên TikTok.
Sự việc bắt đầu khi người bố chặn thang máy chung cư, tranh cãi với cặp vợ chồng mà mình nghi ngờ đang giữ chiếc AirPods của con gái út và đòi trả lại. Thái độ chất vấn khi chưa xác minh ai là người nhặt được, thậm chí đòi báo công an bị đánh giá là "hống hách", "thiếu văn hóa", "ngáo quyền lực".
Clip ghi lại vụ việc lan truyền khiến những người yêu mến gia đình này thất vọng, đòi tẩy chay bởi lời lẽ và hành xử ngoài đời khác xa hình tượng "văn hóa" họ xây dựng trên mạng. Video xin lỗi và cuộc gọi cho người bị đổ oan sau đó cũng bị cho là thiếu chân thành, có thái độ đe dọa và đổ lỗi ngược.
Lượng follow gia đình này trên TikTok đã giảm hơn 50.000 lượt chỉ sau vài ngày. Từ một KOF (viết tắt của "Key Opinion Family") được xem là hình mẫu đáng noi theo, gia đình 4 người đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hình tượng.
Theo ông Hạ Hồng Việt, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Chiến lược Sellator, làn sóng chỉ trích từ công chúng không phải vô cớ, bởi hành vi và cách phản ứng của các thành viên đã tạo ra cảm giác thiếu nhất quán, mâu thuẫn với hình ảnh "gia đình kiểu mẫu" mà họ từng xây dựng.
Khủng hoảng bắt đầu từ chiếc tai nghe
Theo dõi diễn biến của vụ việc, dưới góc nhìn chuyên môn về truyền thông và xử lý khủng hoảng, ông Hạ Hồng Việt nhận thấy gia đình TikToker đã lộ rõ sự thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát truyền thông tiêu cực.
Vụ việc khởi nguồn từ chuyện tìm kiếm chiếc tai nghe bị thất lạc, nhưng lại nhanh chóng bị đẩy lên thành nghi ngờ có người lấy cắp và đỉnh điểm là người bố "đe dọa" sẽ báo công an nếu không ai thừa nhận.
Việc chặn thang máy, truy hỏi một cách trực diện, sau đó là phát ngôn cứng rắn từ phía ông bố về chuyện "làm việc với luật sư" khi gọi điện cho người bị đổ oan, dù hai bên đã hòa giải xong, khiến tình huống trở nên căng thẳng không cần thiết.

Ông Hạ Hồng Việt cho rằng hình tượng Gia đình PTTC sụp đổ khi người xem thấy mâu thuẫn trong hành xử đời thực và trên mạng của họ.
Theo ông Việt, cách tiếp cận gây áp lực khiến công chúng cảm thấy gia đình này đang lạm dụng ảnh hưởng truyền thông để áp chế người yếu thế.
"Đây rõ ràng là một tình huống tạo phản cảm rõ rệt. Và khi sự việc lên đến đỉnh điểm, cách mà gia đình lên tiếng xin lỗi lại không thực sự cho thấy sự chân thành hay thấu cảm với nạn nhân trong vụ việc, đặc biệt là khi họ vẫn tiếp tục cố chứng minh mình không sai và tìm cách minh bạch hóa vấn đề để bảo vệ bản thân", chuyên gia nói.
Trong trường hợp này, việc xin lỗi không cần dài dòng. Chỉ cần thẳng thắn thừa nhận hành động hoặc cách xử lý của mình đã gây hiểu lầm hoặc làm người khác tổn thương và thể hiện sự cam kết sẽ rút kinh nghiệm để hành xử tốt hơn trong tương lai. "Một lời xin lỗi đúng lúc, đúng người, với thái độ chân thành sẽ có sức mạnh hơn cả nghìn lời giải thích", ông nhận định.
Ông Việt cho rằng về bản chất, đây không phải là một vụ việc nghiêm trọng về mặt pháp lý.
Điều dẫn đến khủng hoảng truyền thông chính là cảm giác kỳ vọng của công chúng bị phản bội. Họ từng xem gia đình này như hình mẫu tích cực và sự việc này đã thổi bay hình ảnh ấy. Từ thất vọng chuyển thành tức giận là con đường rất ngắn.
"Gia đình PTTC không phải là một người vô danh, mà là những nhân vật có ảnh hưởng. Họ cần hiểu rõ điều này: với người nổi tiếng, hành vi bị quan sát kỹ hơn, lời nói bị phân tích sâu hơn và mọi sai sót đều dễ lan truyền và khuếch đại. Đó chính là điểm có thể họ đã không lường trước dẫn đến khủng hoảng leo thang", ông bày tỏ.
"Con dao hai lưỡi" khi xây dựng hình tượng kiểu mẫu
Sau vụ việc, những người từng yêu mến và theo dõi các thành viên của Gia đình PTTC bày tỏ thất vọng. Có những ý kiến cho rằng hình ảnh của gia đình này trên mạng chỉ là "diễn", và sau vụ việc lùm xùm, họ đã "rơi mặt nạ" khi lộ cách hành xử thực tế.
Theo ông Việt, việc xây dựng hình tượng "gia đình kiểu mẫu" chắc chắn có thể trở thành "con dao hai lưỡi", đặc biệt khi con người thật không giống với những gì được thể hiện trên mạng xã hội.
Không chỉ riêng với gia đình này mà bất kỳ ai đang cố gắng xây dựng hình ảnh cá nhân, nếu họ cố tạo ra một phiên bản lý tưởng để chiều lòng công chúng, nhưng bản thân lại chưa thực sự sống được như vậy, sớm muộn cũng sẽ xảy ra khủng hoảng.

Cách hành xử của Gia đình PTTC sau lùm xùm đòi tai nghe khiến người theo dõi thất vọng, quay lưng. Ảnh: Gia đình PTTC/Facebook.
Chuyên gia phân tích rằng Gia đình PTTC từng dẫn dắt người khác làm nội dung, từng huấn luyện các "Gia đình KOF", tức là họ tự định vị mình là người có thể truyền cảm hứng, dẫn đường cho các gia đình khác.
"Thế nên, họ không chỉ cần làm đúng, mà họ còn cần phải làm gương. Việc cư xử thiếu chín chắn như loạt hành động vừa rồi đã tạo ra sự vỡ mộng trong mắt công chúng. Đó là lý do cơn thịnh nộ này lại lan rộng và dai dẳng", ông nhận định.
Ông Việt cho rằng với bất kỳ ai đã có sức ảnh hưởng, được người khác theo dõi và tin tưởng, phải có ý thức làm gương, không chỉ không gây hại mà còn nên mang lại điều tích cực cho người khác
"Ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm càng nhiều. Người có hàng trăm nghìn hay hàng triệu lượt theo dõi thì mỗi hành động, lời nói đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Và nếu một ngày có chuyện xảy ra, thì cái bị tấn công không chỉ là cá nhân họ, mà còn là nhãn hàng họ đại diện, cộng đồng họ dẫn dắt, người hâm mộ từng tin tưởng họ", ông nhấn mạnh.