Thấy gì khi các CEO công nghệ đồng loạt đến thăm ông Trump
CEO TikTok đã gặp Trump tại dinh thự của ông. 'Bố già công nghệ' Son Masayoshi nói sẽ đầu tư 100 tỷ USD cho công nghệ Mỹ sau khi gặp tổng thống đắc cử.
Mark Zuckerberg đến vào tháng 11. Đầu tháng 12 là một loạt cuộc gặp dồn dập: CEO Alphabet (công ty mẹ của Google) Sundar Pichai, CEO Apple Tim Cook.
Đến đầu tuần này, Trump tiếp CEO TikTok Shou Zi Chew và CEO SoftBank Son Masayoshi. Ông cũng dự định gặp Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và cũng là người từng chỉ trích mình trong tuần.
Những cuộc gặp gỡ này được xem là chuyển biến lớn lớn trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa các "ông lớn" công nghệ với Trump. Tổng thống đắc cử từng chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo ngành này trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong những năm trước, Trump không ít lần cáo buộc Zuckerberg và Bezos thiên vị chống lại chính quyền của ông.
Thái độ quay ngoắt
Bezos từng chỉ trích những phát ngôn mang tính kích động của Trump, đặc biệt là lời kêu gọi "tống giam" Hillary Clinton vào thời điểm tranh cử. Đáp lại, Trump không ngần ngại công kích Amazon, cáo buộc công ty gây "thiệt hại lớn" cho các nhà bán lẻ nộp thuế.
Năm 2017, Amazon chỉ quyên góp khoảng 58.000 USD cho lễ nhậm chức của Trump. Đây là một con số khiêm tốn so với các công ty công nghệ khác thời điểm đó.
Còn Zuckerberg trong năm 2021 đã cấm ông Trump sử dụng Facebook sau khi cựu tổng thống ca ngợi những kẻ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1.
Theo The Verge, mối quan hệ giữa ông Trump và Google từ trước đến nay cũng không mấy tốt đẹp. Trump nhiều lần chỉ trích công cụ tìm kiếm này là "thiên vị" và cố tình che giấu các thông tin tích cực về ông.
Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, Trump khẳng định rằng Pichai đã nhiều lần gọi điện cho ông. Pichai, khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh DealBook của New York Times tuần trước đã nói rằng những cuộc gọi này "không liên quan" đến các vụ kiện chống độc quyền mà chính phủ đang áp đặt lên Google.
Theo The Information, các nguồn tin cho biết Pichai không có ý định "đưa ra bất kỳ đề nghị trực tiếp nào với Trump về vụ kiện chống độc quyền hay các vấn đề quản lý khác”.
Trước đó, vào tháng 10, Trump từng tuyên bố ông sẽ "làm điều gì đó" với Google, thậm chí không loại trừ khả năng chia tách công ty này. Khi được hỏi về chuyến thăm của Pichai, Google từ chối đưa ra bình luận.
Trong khi đó, Trump xác nhận rằng Bezos "sẽ đến vào tuần tới" trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào 12/12. Dù từng xảy ra nhiều mâu thuẫn với Amazon trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Bezos gần đây tỏ ra khá lạc quan. Khi được hỏi về triển vọng hợp tác với chính quyền Trump, vị CEO nói: "Lần này tôi rất hy vọng”.
Bezos bày tỏ sự khích lệ đối với các cam kết của Trump về việc giảm bớt các quy định pháp lý. Ông cho rằng điều này có lợi cho môi trường kinh doanh. "Nếu tôi có thể giúp làm điều đó, tôi sẽ hỗ trợ”, Bezos tuyên bố. Amazon hiện chưa đưa ra phản hồi về chuyến thăm của Bezos.
Sự vồ vập công khai
Không chỉ Pichai và Bezos, các lãnh đạo công nghệ khác cũng đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Trump. CEO Meta, Mark Zuckerberg đã gặp gỡ Trump tại Mar-a-Lago vào tháng 11. Mặc dù từng chỉ trích các phát ngôn bạo lực của Trump trên Facebook, ông cũng đã viết trên nền tảng Threads sau chiến thắng bầu cử của Trump: "Mong muốn được hợp tác với ông và chính quyền của ông”.
New York Times nhận định việc các lãnh đạo doanh nghiệp chào đón một tổng thống sắp nhậm chức là bình thường, nhưng nhóm CEO công nghệ lại mang thái độ hào hứng rõ rệt. Trước thời ông Obama, ngành công nghệ gần như đứng ngoài những diễn biến chính trị. Nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng vậy.
Theo Wall Street Journal, Meta đã quyên góp 1 triệu USD vào quỹ lễ nhậm chức của Trump. Amazon cũng dự kiến sẽ thực hiện hành động tương tự. Theo tờ báo, công ty của Bezos đang lên kế hoạch quyên góp số tiền tương đương cho quỹ này. Sam Altman, CEO OpenAI cho biết khoản tài trợ 1 triệu USD sẽ đến từ số tài sản cá nhân của ông.
New York Times đưa tin các nhà tài trợ lớn sẽ nhận được vé tham dự lễ nhậm chức của Trump.
Nói với CNBC, Trump cho biết ông đang tìm kiếm ý tưởng từ các lãnh đạo công nghệ. "Mark Zuckerberg đã đến gặp tôi, Elon Musk cũng vậy, và Jeff Bezos sẽ đến tuần tới. Tôi muốn lắng nghe ý kiến từ họ”, Tổng thống đắc cử nói.
Những động thái gần đây cho thấy ông Trump gần như đã có sự ủng hộ của toàn bộ giới công nghệ. Trước đó, ông đã được nhiều nhân vật có ảnh hưởng ủng hộ như Marc Andreessen, nhà đầu tư mạo hiểm có ảnh hưởng ở Thung lũng Silicon; Peter Thiel, một trong những nhà sáng lập của PayPal; và tất nhiên là Elon Musk, người công khai đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 7.
Trong một podcast vào tuần qua, Marc Andreessen mô tả chiến thắng của ông Trump như một khoảnh khắc văn hóa cho hệ tư tưởng “lạc quan công nghệ”.
Tuy nhiên, những động thái tiếp theo cho thấy giới công nghệ chưa thể hoàn toàn lạc quan. Ông Trump đã bổ nhiệm những người có quan điểm cứng rắn về công nghệ vào các vị trí cấp cao trong chính quyền. Brendan Carr, nghị sĩ từng công khai ủng hộ việc truy tố các công ty công nghệ, được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). David Sacks, nhà đầu tư và người dẫn podcast, cũng được bổ nhiệm ở vị trí tư vấn về tiền mã hóa A.I.
Một phần công việc của ông Sacks là thành lập một hội đồng cố vấn cho ông Trump, người đã tuyên bố mình là người tin tưởng vào tiền mã hóa, về các vấn đề liên quan đến tiền điện tử và A.I. Tuy nhiên, vòng tròn cố vấn của ông Trump và những người bạn trong ngành công nghệ của ông đã bất đồng về việc nên có hai hội đồng cố vấn riêng biệt hay chỉ một hội đồng duy nhất, theo những người tham gia các cuộc thảo luận.