Tin thế giới 17/12: Nga điều tra vụ tướng quân đội thiệt mạng, ông Assad có tuyên bố đầu tiên, Thụy Sỹ sắp tổ chức hội nghị hòa bình Ukraine lần 2

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc liên quan đến Hoàng tử Anh, Hàn Quốc áp thêm trừng phạt Nga, Triều Tiên, EU cấp thêm 1 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria, Iran bán đấu giá tàu chở dầu bị tịch thu… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu lên tiếng kể từ khi chính quyền sụp đổ. (Nguồn: AFP)

Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu lên tiếng kể từ khi chính quyền sụp đổ. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc sẵn sàng tăng cường quan hệ với Ấn Độ: Ngày 17/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau với Ấn Độ thông qua đối thoại và hợp tác.

Ông Lâm Kiếm khẳng định, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 18/12 để thảo luận về các vấn đề biên giới.

Xung đột biên giới là một phần thường xuyên trong quan hệ Trung-Ấn, do hai nước không có đường biên giới được đánh dấu rõ ràng mà chỉ có Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), được hình thành sau cuộc chiến biên giới năm 1962 giữa hai nước. (Sputniknews)

*Hàn Quốc áp thêm trừng phạt Nga, Triều Tiên: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 17/12 thông báo nước này đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân và 15 tổ chức ở Nga và Triều Tiên vì hành vi mà Seoul gọi là "hợp tác quân sự bất hợp pháp" giữa hai nước.

Quyết định trên được đưa ra sau tuyên bố chung của các Ngoại trưởng phương Tây về sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên. Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc duy trì quan hệ quân sự bất hợp pháp với Bình Nhưỡng.

Lệnh trừng phạt mới nhắm vào hai tướng lĩnh Triều Tiên cùng một số doanh nhân và doanh nghiệp của họ tại Triều Tiên. Ngoài ra, 13 công ty và 7 cá nhân Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Các biện pháp hạn chế mới nhất sẽ có hiệu lực từ ngày 19/12. (TASS)

*Trung Quốc bác bỏ cáo buộc liên quan đến Hoàng tử Anh: Ngày 17/12, Trung Quốc tuyên bố cáo buộc cho rằng một doanh nhân đã lợi dụng mối quan hệ của mình với Hoàng tử Andrew của Anh để làm gián điệp cho Bắc Kinh là "vô lý", sau khi Chính phủ Anh lên tiếng bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về cáo buộc này.

Ông Dương Đằng Ba, người được cho là đã từng được mời đến dự tiệc sinh nhật Hoàng tử Andrew, đã tuyên bố hôm 16/12 rằng ông "không làm gì sai trái hoặc bất hợp pháp" và đã "trở thành nạn nhân" của "bầu không khí chính trị" đang thay đổi. (AFP)

*Thủ tướng Nhật Bản "rục rịch" tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump: Người phát ngôn cấp cao của Chính phủ Nhật Bản ngày 17/12 cho biết nước này sẽ tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ishiba Shigeru và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào thời điểm "thuận lợi" cho cả hai bên nhằm thắt chặt quan hệ song phương.

Phát biểu họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho hay chính phủ sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng này thông qua việc trao đổi với phía ông Trump, đồng thời lưu ý Tokyo đánh giá cao những phát biểu của ông Trump coi trọng quan hệ song phương.

Trong cuộc họp báo hôm 16/12, Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định ông có thể gặp ông Ishiba trước khi quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1. (Kyodo)

Châu Âu

*Hạ viện Nga thông qua dự luật kiểm soát thu nhập của "đặc vụ nước ngoài": Ngày 17/12, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật tăng cường quyền kiểm soát của Chính phủ đối với thu nhập của những đối tượng bị Moscow cho là “đặc vụ nước ngoài".

Dự luật được Hạ viện Nga thông qua trong cuộc họp lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng, theo đó yêu cầu các "đặc vụ nước ngoài" phải chuyển toàn bộ thu nhập từ việc bán hoặc cho thuê bất động sản và phương tiện, cũng như tiền lãi từ tiền gửi và cổ tức vào các tài khoản đặc biệt bằng đồng rouble.

Tổng cộng có 895 cá nhân và tổ chức bị Bộ Tư pháp Nga đưa vào danh sách các đặc vụ nước ngoài, trong đó có cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky, người đoạt giải Nobel Dmitry Muratov và YouTuber nổi tiếng Yuri Dud. (Reuters)

*Ukraine bác bỏ sáng kiến để Belarus tham gia đàm phán hòa bình: Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 17/12 đã bác bỏ sáng kiến của Minsk để Belarus tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine, đồng thời bày tỏ "ngạc nhiên" trước ý tưởng của Minsk.

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Belarus Yury Ambrazevich cho biết Minsk rất mong muốn tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai về Ukraine và các thỏa thuận cuối cùng cần tính đến các lợi ích của Belarus.

Moscow nhiều lần nhấn mạnh Nga không từ chối giải quyết xung đột với Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. (TASS)

*Thụy Sỹ phối hợp với EU, Mỹ, Nga tổ chức hội nghị thứ hai về Ukraine: Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis xác nhận nước này đang tích cực phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga và nhóm G7 để tổ chức hội nghị thứ hai về Ukraine.

Tờ Le Temps dẫn lời ông Cassis ngày 16/12 cho hay: "Công tác tiếp tục được thực hiện với sự phối hợp tích cực của Moscow, Washington, cũng như G7 và EU... ". Ông Cassis nói thêm rằng các tín hiệu từ Mỹ và chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump "truyền cảm hứng cho sự lạc quan thận trọng".

Trước đó, trong hai ngày 15-16/6, Thụy Sỹ đã tổ chức hội nghị cấp cao về Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở ngoại ô Lucerne. Hơn 90 quốc gia đã xác nhận tham dự sự kiện này, trong đó một nửa đến từ châu Âu. Nga không nhận được lời mời, nhưng Moscow cho biết họ cũng sẽ không tham dự hội nghị ngay cả khi được mời. (Sputniknews)

*Nghị sĩ Nga cáo buộc tình báo Ukraine đứng sau vụ sát hại tướng Kirillov: Nghị sĩ Nga Alexey Zhuravlev ngày 17/12 cho rằng vụ sát hại Trung tướng Igor Kirillov - Tư lệnh lực lượng Phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của lực lượng vũ trang Nga - có thể đã được các cơ quan đặc vụ Ukraine lên kế hoạch và thực hiện.

Nghị sĩ này tiết lộ ngày 16/12, Cơ quan An ninh Ukraine đã đưa ra cáo buộc chống lại ông Kirillov "để tăng cường hiệu ứng tuyên truyền", đồng thời nói thêm rằng vị tướng này là nhân vật nguy hiểm và gây khó chịu đối với châu Âu và Mỹ, vì ông đã vạch trần các thí nghiệm của lực lượng vũ trang Ukraine và vai trò của phương Tây trong vấn đề này. (Sputniknews)

*Nga điều tra vụ nổ sát hại tướng cấp cao quân đội: Lực lượng an ninh Nga đã bắt đầu nghiên cứu video từ các camera giám sát gần lối vào tòa nhà ở phía Đông Nam Moscow, nơi Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ sinh học, hóa học và phóng xạ thuộc lực lượng vũ trang Nga, đã thiệt mạng.

Một đại diện của bộ phận khẩn cấp tại thủ đô Moscow ngày 17/12 khẳng định: "Đoạn phim video từ hiện trường vụ nổ trên phố Ryazanskiy Prospekt đã được thu giữ", đồng thời cho biết thêm rằng các chuyên gia đã bắt đầu nghiên cứu các tài liệu liên quan. (Sputniknews)

Trung Đông – châu Phi

*Ông Assad đưa ra tuyên bố đầu tiên kể từ khi rời Syria: Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên tiếng lần đầu tiên kể từ khi rời khỏi Syria, bảo vệ thời gian nắm quyền của mình và phủ nhận đã lên kế hoạch bỏ chạy khi các tay súng đối lập tiến vào Damascus đầu tháng này.

Trong tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của phủ tổng thống Syria ngày 16/12, ông Assad nêu rõ: "Trước hết, việc tôi rời Syria không phải là có kế hoạch từ trước và cũng không diễn ra trong những giờ cuối cùng.

Lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng từ tỉnh Idlib ở Tây Bắc vào tháng 11, chiếm được lần lượt các thành phố từ tay lực lượng chính phủ mà không gặp nhiều kháng cự. Họ đã tới Damascus vào rạng sáng ngày 8/12 và tuyên bố chiến thắng. (Al Jazeera)

*EU cấp thêm 1 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ người tị nạn Syria: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen ngày 17/12 công bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp thêm 1 tỷ euro (1,05 tỷ USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ để chăm sóc những người tị nạn Syria mà nước này đang tiếp nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận gần 3 triệu người tị nạn Syria sau khi Syria bắt đầu xảy ra nội chiến từ năm 2011. Năm 2016, Ankara và Brussels đã ký thỏa thuận gây tranh cãi, theo đó EU đồng ý cung cấp tiền để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại bất kỳ người di cư bất hợp pháp nào đến châu Âu. (Al Jazeera)

*Nga thông qua đạo luật công nhận Taliban và chính quyền mới ở Syria: Ngày 17/12, Quốc hội Nga đã thông qua một đạo luật cho phép đình chỉ lệnh cấm các nhóm bị Moscow liệt vào danh sách tổ chức khủng bố - mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với lực lượng Taliban ở Afghanistan và có thể cả với những người nắm quyền mới ở Syria.

Hiện chưa quốc gia nào công nhận Chính phủ Taliban tại Afghanistan. Tuy nhiên, Nga đã dần xây dựng quan hệ với Taliban – lực lượng đã được Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 7 xem là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. (Reuters)

*Iran khẳng định IRGC hiện diện hợp pháp ở Syria: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hiện diện một cách hợp pháp tại Syria để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ông Baghaei phát biểu: "Tại Syria, chúng tôi không có mục đích chinh phục, thống trị hoặc phục hồi các đế chế trong quá khứ. Sự hiện diện của IRGC chỉ mang tính tham vấn. Họ không ở đó để hỗ trợ hoặc bảo vệ bất kỳ phe phái hay đảng phái chính trị cụ thể nào”.

Trước đó, hôm 8/12, phe đối lập đã tiến vào thủ đô Damascus của Syria và lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Iran. (Al Jazeera)

*Israel sẽ áp đặt chế độ quân quản đối với Dải Gaza: Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Israel Katz - ngày 17/12 tuyên bố Nhà nước Do Thái sẽ tiếp tục quản lý Dải Gaza của Palestine bằng biện pháp quân sự ngay cả sau khi cuộc chiến kết thúc.

Đăng trên mạng xã hội X, ông Katz nhấn mạnh một khi đánh bại sức mạnh quân sự và quyền lực cai trị của phong trào Hamas ở Gaza, Israel sẽ kiểm soát an ninh ở Gaza "với toàn quyền tự do hành động", giống như ở khu vực Bờ Tây.

Bộ trưởng Katz khẳng định: "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động khủng bố nào nhằm vào cộng đồng và công dân Israel từ Gaza. Chúng tôi sẽ không cho phép quay trở lại trước sự kiện ngày 7/10". (THX)

*Iran cho đấu giá tàu chở dầu bị tịch thu: Hãng thông tấn Mizan của Iran ngày 17/12 đưa tin nước này sẽ đấu giá hai tàu chở dầu bị tịch thu có liên quan đến hoạt động buôn lậu dầu. Mizan trích lời một quan chức tư pháp Iran cho biết: "Hai tàu chở dầu Sagha 2 và Ariana... sẽ được bán đấu giá”.

Hồi tháng 10/2022, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ tàu Ariana treo cờ Panama chở 11 triệu lít nhiên liệu buôn lậu ở vùng Vịnh. Lượng dầu trên con tàu này đã được chuyển cho Công ty Dầu khí Quốc gia Iran theo lệnh của tòa án.

Iran, quốc gia có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới do được trợ cấp mạnh và đồng nội tệ mất giá, đã phải đấu tranh chống nạn buôn lậu nhiên liệu tràn lan trên bộ sang các nước láng giềng và trên biển sang các quốc gia Arab vùng Vịnh. (Al Jazeera)

*Trung Quốc viện trợ gần 1.000 tấn lương thực cho Nam Sudan: Ngày 16/12, Trung Quốc đã trao tặng gần 1.000 tấn lương thực cứu trợ khẩn cấp cho Nam Sudan nhằm hỗ trợ nạn nhân lũ lụt, người tị nạn Sudan và người hồi hương.

Tại buổi lễ ở thủ đô Juba, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Sudan Mã Cường cho biết Nam Sudan đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và sinh kế do tác động của lũ lụt, gián đoạn sản xuất dầu và mất an ninh lương thực.

Hiện có tới 57% dân số Nam Sudan đang thiếu lương thực và nước này đã tiếp nhận hơn 800.000 người từ Sudan, bao gồm cả người tị nạn và người hồi hương. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương ở Nam Sudan. (THX)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Đại cử tri đoàn Mỹ họp để xác nhận chiến thắng của ông Trump: Đại cử tri đoàn Mỹ ngày 17/12 tiến hành bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống, chính thức công nhận ông Donald Trump và ứng viên phó tổng thống JD Vance là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 5/11 vừa qua.

Ông Trump đã giành được 312 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử ngày 5/11, vượt xa ngưỡng 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng. Chiến thắng của ông Trump còn được củng cố với cách biệt 2,5 triệu phiếu phổ thông so với đối thủ.

Đại cử tri đoàn, được các nhà soạn thảo Hiến pháp thành lập năm 1787, gồm 538 đại cử tri, được phân chia giữa các bang dựa trên số thành viên Quốc hội. (Sputniknews)

*Tàu sân bay Mỹ tăng cường hỏa lực khi trở lại Tây Thái Bình Dương: Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã được tăng cường hỏa lực trong quá trình triển khai tại Tây Thái Bình Dương, sau cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp xung quanh đảo Đài Loan.

Theo các bức ảnh được Hải quân Mỹ công bố hôm 14/12, tàu sân bay USS Carl Vinson, một trong 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động của Mỹ, đã di chuyển qua biển Philippines với 6 máy bay tiêm kích F-35C Lightning II bổ sung vào ngày hôm trước.

Hải quân Mỹ khẳng định F-35C là máy bay tiêm kích tốt nhất của họ và đóng vai trò “xương sống” trong ưu thế trên không của lực lượng này, có thể tăng cường sức mạnh phòng thủ và răn đe của Mỹ. (Newweek.com)

*Venezuela xác nhận bắt giữ hiến binh Argentina: Ngày 16/12, Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Diosdado Cabello chính thức xác nhận việc bắt giữ một hạ sĩ quan thuộc Lực lượng hiến binh Argentina, đồng thời cáo buộc người này đã xâm nhập vào Venezuela để "thực hiện nhiệm vụ".

Phát biểu về vụ việc, ông Cabello nhấn mạnh đây là thành quả từ hoạt động của các cơ quan an ninh Venezuela và mô tả sự việc như "một đòn nặng nề" đối với Argentina.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Venezuela chính thức lên tiếng về vụ bắt giữ này. Trước đó, ngày 14/12, chính phủ Argentina đã lên án mạnh mẽ hành động giam giữ này, cho rằng đây là hành động tùy tiện và phi lý, đồng thời yêu cầu Venezuela phải trả tự do ngay lập tức cho người bị bắt giữ. (AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1712-nga-dieu-tra-vu-tuong-quan-doi-thiet-mang-ong-assad-co-tuyen-bo-dau-tien-thuy-sy-sap-to-chuc-hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-lan-2-297755.html
Zalo