Thay đổi nhận thức về bình đẳng giới ở Lân Quan

Lân Quan là xóm xa nhất và đặc biệt khó khăn của xã Tân Long (Đồng Hỷ), với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Trước đây, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong đời sống của bà con. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ các hoạt động truyền thông và hỗ trợ từ chính quyền, nhận thức về bình đẳng giới đã dần thay đổi, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nói riêng và người dân Lân Quan nói chung.

Phụ nữ xóm Lân Quan trồng hoa tam giác mạch để thu hút du khách tham quan, chụp ảnh.

Phụ nữ xóm Lân Quan trồng hoa tam giác mạch để thu hút du khách tham quan, chụp ảnh.

Xóm Lân Quan được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên triển khai Dự án "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" giai đoạn 2021-2030 (Dự án 8). Thực hiện Dự án, Tổ truyền thông cộng đồng tại xóm được thành lập với mục tiêu tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy về bình đẳng giới.

Hằng tháng, Tổ đều tổ chức sinh hoạt xoay quanh các chủ đề thiết thực như: Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, động viên phụ nữ bồi dưỡng kiến thức, phát triển kinh tế… Đặc biệt, để thu hút chị em tham gia các hoạt động, Tổ còn tổ chức các hoạt động tập luyện, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao và gây quỹ giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ban đầu, việc tập hợp phụ nữ, người dân tham gia sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Chị Dương Thị Hoa, một thành viên của Tổ, chia sẻ: Do tâm lý e dè và bận bịu việc đồng áng, gia đình... nên hầu hết chị em cũng ngại tham gia. Các thành viên trong Tổ truyền thông đã đi từng nhà để tuyên truyền, vận động. Dần dần chị em thấy được lợi ích thiết thực nên đã cùng tham gia. Các buổi sinh hoạt giúp chị em có kiến thức về bình đẳng giới, biết động viên con cháu không kết hôn sớm, học được cách chia sẻ công việc nhà...

Câu chuyện của chị Trương Thị Ly, 47 tuổi, là một minh chứng sinh động cho hiệu quả của Tổ truyền thông. Chị Ly cho biết, tham gia sinh hoạt, chị em mạnh dạn chia sẻ hiểu biết để vợ chồng giúp nhau trong cuộc sống hằng ngày. Tôi hiểu rằng trong gia đình ai cũng có quyền bình đẳng, tảo hôn là vi phạm pháp luật... Vui nhất là chồng tôi thấu hiểu và luôn động viên tôi tham gia sinh hoạt cùng các chị em...

Trước đây, phụ nữ Mông thường bị bó buộc trong công việc nội trợ, chăm sóc con cái, ruộng nương, gà lợn. Tư tưởng này đã khiến nhiều chị em không có cơ hội học tập, phát triển bản thân và tham gia vào các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nhờ hoạt động của tổ truyền thông, nhiều gia đình đã nhận thức rõ hơn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan, khẳng định các hoạt động của Tổ truyền thông đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ cách tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu, người dân trong xóm đã cùng chia sẻ công việc nhà, động viên con cháu học tập, quan tâm chăm sóc sức khỏe của phụ nữ...

Giờ đây, trong nhiều gia đình, người vợ không còn chỉ ở nhà lo nội trợ, mà còn tham gia quản lý kinh tế, có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng. Trong xóm không có bạo lực gia đình, trẻ em gái đều được quan tâm, có cơ hội học tập, vươn lên.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng xóm Lân Quan thường xuyên trao đổi thông tin, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng xóm Lân Quan thường xuyên trao đổi thông tin, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức.

Song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, hội LHPN các cấp đã hỗ trợ phụ nữ Lân Quan phát triển kinh tế. Các chương trình tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh nhỏ lẻ đã giúp nhiều chị em có thêm kiến thức và mạnh dạn khởi nghiệp.

Điển hình như chị Lý Thị Xía đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Chị cho biết: trước kia nhà tôi chỉ trồng ngô bằng giống cũ, 1kg ngô giống chỉ thu được khoảng 1,5 tạ ngô hạt. Nhưng từ khi được tập huấn, tôi đã chuyển sang trồng giống ngô lai NK 4300. Bây giờ, mỗi cân ngô giống thu về hơn 3 tạ ngô hạt, năng suất cao hơn nhiều so với trước.

Không chỉ mạnh dạn trong sản xuất nông nghiệp, nhiều chị em còn chuyển hướng sang phát triển du lịch cộng đồng. Ví như chị Trương Thị Lương đã biết tận dụng lợi thế địa hình ở trên cao, mát mẻ của địa phương để trồng vườn hoa tam giác mạch phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh. Chị còn làm thêm dàn chong chóng nhiều màu, lắp đèn nháy và dựng thêm quầy nghỉ chân bằng tre trúc để tạo cảnh quan đẹp mắt, thu hút khách.

Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của phụ nữ Lân Quan đã góp phần giúp xóm giảm được 64 hộ nghèo so với năm 2021. Hiện nay, xóm có 147 hộ với 702 nhân khẩu thì số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm còn 72 hộ. Vài năm nay, nhiều nhà đã mua được xe máy để làm phương tiện đi lại và vận chuyển nông sản xuống núi.

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng để đạt được bình đẳng giới thực sự vẫn cần thêm nhiều hoạt động hỗ trợ và nâng cao nhận thức. Chị Trương Thị Chua, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm Lân Quan, cho rằng: Ngoài tuyên truyền, chúng tôi mong muốn có thêm nguồn vốn và mô hình sinh kế giúp chị em phát triển kinh tế. Khi phụ nữ có công việc ổn định, họ sẽ có vị thế tốt hơn trong gia đình và xã hội.

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202502/thay-doi-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi-o-lan-quan-3c42fe4/
Zalo