Thay đổi nhận thức, hành vi để sống khỏe mạnh hơn

Đái tháo đường là bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa đường (glucose). Đây là bệnh hết sức nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy đái tháo đường còn được gọi là bệnh của các loại bệnh.

Vận động thể lực giúp ổn định đường huyết, đồng thời tạo tâm lý thoải mái (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Vận động thể lực giúp ổn định đường huyết, đồng thời tạo tâm lý thoải mái (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Hơn 55% bnh nhân đã có biến chng

Mức độ nguy hiểm của đái tháo đường là gây biến chứng cho các cơ quan đảm bảo chức năng sống cơ bản nhất của con người như tim, thận, não, mắt, mạch máu, thần kinh... Theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Kết quả điều tra cho thấy, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng (34% biến chứng tim mạch, 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận). Đái tháo đường gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Nghiên cứu gần đây cho thấy 36% bệnh nhân đái tháo đường trải qua cảm giác buồn bã, chán nản và đau khổ vì bị bệnh; 63% bệnh nhân nói rằng họ rất sợ bệnh tiến triển nhanh và gây các biến chứng ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ; 28% cảm thấy khó duy trì sự tích cực liên quan đến tình trạng của họ.

Việc chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường thường chỉ tập trung vào hạ lượng đường trong máu, còn cải thiện chất lượng sống bị xem là thứ yếu.

Cn thay đổi nhn thc v bnh

Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11) năm nay có chủ đề “Hãy đặt sức khỏe làm trọng tâm của việc chăm sóc bệnh đái tháo đường và bắt đầu thay đổi để bệnh nhân đái tháo đường có cuộc sống tốt hơn”.

Trước hết cần thay đổi nhận thức về bệnh: Khi bị đái tháo đường không phải là chấm hết, mà phải xem rằng mình đang bị một “trục trặc” trong chuyển hóa đường, cần phải điều chỉnh. Khi đã nhận thức như vậy thì sẽ tránh được các xu hướng tiêu cực và tăng xu hướng tích cực, không cần kiêng khem quá khắt khe dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng, đồng thời cũng tránh được tâm lý tiêu cực, buông xuôi không tuân thủ chế độ ăn uống, thuốc men, dẫn đến bệnh diễn biến nhanh, biến chứng nặng hơn.

Người bệnh nên tham gia các câu lạc bộ, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng để đầu óc thư thái hơn, có điều kiện giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè, những người cũng bị đái tháo đường để chia sẻ, học tập kinh nghiệm.

Bệnh nhân đái tháo đường khi đã nhận thức đầy đủ về bệnh thì sẽ có cách tiếp cận tích cực để “sống chung với anh hàng xóm khó chịu” này. Từ đó họ thực hiện tốt những hành vi tích cực như sinh hoạt lành mạnh, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý nên điều hòa được lượng đường trong máu.

Nên nhớ rằng giảm lo lắng là điều hết sức quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. Tuy lo lắng không gây bệnh nhưng sẽ làm đường máu tăng do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, nhịp tim tăng, tăng tiết cortisol - một loại hóc môn làm tăng đường huyết.

Đặc biệt, chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp đảm bảo cân đối nhu cầu của cơ thể nhưng không làm tăng lượng đường trong máu. Các nhà nội tiết và dinh dưỡng đều khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường không nên kiêng khem quá mức. Người bệnh cũng có thể thưởng thức một ít đồ ngọt hay những loại thực phẩm mà mình thích nhưng ở mức độ vừa phải; chế độ ăn phải đầy đủ dinh dưỡng và rau xanh, khẩu phần và loại thức ăn tùy thuộc vào từng cá nhân và từng người bệnh theo khuyến cáo của cán bộ y tế. Nên chia phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (5 bữa, gồm 3 bữa chính, 2 bữa phụ); hạn chế các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá.

Mỗi người cần ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, không ngủ quá muộn hay dậy quá sớm; nơi ngủ phải yên tĩnh và thoáng để có giấc ngủ ngon.

Bệnh nhân đái tháo đường cần vận động thể lực như đi bộ, đạp xe đạp, chơi các môn thể thao yêu thích nhưng không quá sức, mỗi ngày vận động 45-60 phút, đều đặn các ngày trong tuần. Vận động thể lực giúp ổn định đường huyết, đồng thời tạo tâm lý thoải mái và kích thích giải phóng ra các “hóc môn hạnh phúc”, rất có lợi cho sức khỏe nói chung, bệnh nhân đái tháo đường nói riêng.

Điều cần lưu ý nữa là bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nghe theo các quảng cáo tràn lan, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Vận động thể lực giúp ổn định đường huyết, đồng thời tạo tâm lý thoải mái và kích thích giải phóng ra các “hóc môn hạnh phúc”, rất có lợi cho sức khỏe nói chung, bệnh nhân đái tháo đường nói riêng.

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/322771/thay-doi-nhan-thuc-hanh-vi-de-song-khoe-manh-hon.html
Zalo