Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thủy sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Bài 1: Tôm cua “lột xác”

Con tôm, cua là sinh kế của trên 160 ngàn hộ dân, là nguyên liệu chế biến, xuất khẩu của nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp và hàng chục ngàn lao động trong, ngoài tỉnh, cũng như nhiều ngành hàng phụ trợ khác có liên quan...

Nhiều chuyển biến

Nhìn lại quá trình phát triển mấy mươi năm qua của 2 ngành hàng chủ lực này, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, những năm qua, ngành hàng tôm, cua trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất giống đến nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu... đều có những đột phá, đổi mới về công nghệ, quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm...

Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở sản xuất tôm giống và khoảng 200 cơ sở ương dưỡng. Năng lực sản xuất những năm gần đây tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2023, các cơ sở này đã cung cấp gần 20 tỷ tôm giống, bước đầu tham gia vào chuỗi tôm giống trong và ngoài tỉnh cung cấp cho người nuôi mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất giống cua biển trên địa bàn tỉnh cũng không kém phần sôi động. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 100 trại chuyên sản xuất cua giống, 500 trại sản xuất giống kết hợp, 7 tổ hợp tác và hợp tác xã ương cua giống, không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp một phần cho người nuôi ở các tỉnh lân cận.

Là một công đoạn quan trọng trong chuỗi ngành hàng tôm, lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm của tỉnh thời gian qua có bước tiến nhanh và hiệu quả. Nhiều loại hình nuôi đang được người dân áp dụng như: nuôi tôm quảng canh cải tiến (183.012 ha); nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh (6.609 ha); nuôi tôm quảng canh kết hợp, tôm - cua - cá... (88.680 ha); nuôi tôm - rừng (40.500 ha); nuôi tôm - lúa (37.740 ha). Ðặc biệt hiện nay, toàn tỉnh có 22.594 ha nuôi tôm sinh thái, hữu cơ đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, Bio - Suisse, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP, Sea-food Watch.

Ông Bằng đánh giá, công nghệ nuôi tôm liên tục được đổi mới. Chỉ tính riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đã có rất nhiều công nghệ nuôi khác nhau đang được áp dụng tại tỉnh như: quy trình nuôi ít thay nước, quy trình nuôi Biofloc, quy trình nuôi theo công nghệ tuần hoàn RAS, nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn... Nuôi tôm sinh thái, hữu cơ cũng đa dạng về quy trình, từ nuôi tôm sinh thái theo mô hình tôm - rừng để cho ra sản phẩm tôm sinh thái đặc thù của vùng đất Cà Mau, đến mô hình nuôi tôm - lúa thân thiện với môi trường được áp dụng cho vùng sinh thái phía Bắc Cà Mau bước đầu cũng đã đạt các chứng nhận quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước.

Ðối với con cua, sau nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức. Tiêu biểu có thể kể đến là hình thức nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác, nuôi bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) bằng phương pháp nuôi cải tiến 2 giai đoạn; mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, nuôi cua ốp thành cua chắc, nuôi cua gạch và cua lột trong ao, lồng...

Sản lượng cua trung bình mỗi năm của tỉnh khoảng 25 ngàn tấn.

Sản lượng cua trung bình mỗi năm của tỉnh khoảng 25 ngàn tấn.

“Hạt nhân” kinh tế nông nghiệp

Ngành tôm, cua hằng năm đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh hơn 28 ngàn tỷ đồng, làm thay đổi đời sống kinh tế và thay đổi bộ mặt văn hóa, xã hội của các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, với sản lượng tôm 231.431 tấn các loại, giá trung bình khoảng 100 ngàn đồng/kg thì giá trị mang lại từ con tôm mỗi năm trên 23 ngàn tỷ đồng. Hay như con cua, với sản lượng hơn 25 ngàn tấn các loại mỗi năm, giá trung bình 200 ngàn đồng/kg thì cũng đã mang về hơn 5 ngàn tỷ đồng.

"Sản phẩm tôm, cua tại Cà Mau đã tạo được thương hiệu mang tính đặc trưng, khi nhắc về sản phẩm tôm, cua thương phẩm thì nhiều người nhớ ngay đến Cà Mau”, ông Bằng chia sẻ.

“Hạt nhân” trong kinh tế nông nghiệp này chúng ta rất dễ nhận thấy khi về với vùng Nam Cà Mau, như các huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển... Hầu như đến đâu con tôm, cua cũng là nguồn thu chính của bà con vùng nông thôn. Tôm, cua đã giúp không ít hộ có được nhà lầu, xe hơi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ phát triển nhiều quy trình nuôi, năng suất loại hình nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh được nâng lên khoảng 25-30 tấn/vụ/ha. Ảnh: NHẬT MINH

Nhờ phát triển nhiều quy trình nuôi, năng suất loại hình nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh được nâng lên khoảng 25-30 tấn/vụ/ha. Ảnh: NHẬT MINH

Hộ ông Trần Hoàng Thái là một trong những hộ vươn lên khá giàu tại ấp Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, nhờ nguồn thu nhập từ con cua. Ông Trần Hoàng Thái chia sẻ: "Có con nước chỉ riêng con cua đã mang về thu nhập hơn 10 triệu đồng/ngày. Con cua được thả nuôi tự nhiên cùng với tôm dưới tán rừng đước nên chi phí đầu tư thấp, trong suốt quá trình nuôi hầu như chỉ bỏ tiền mua giống nên lợi nhuận mang về lớn".

Con cua từ lâu cũng đã trở thành thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Hải Âu, ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi. Anh Âu cho biết, 3 ha nuôi cua kết hợp trong vuông tôm của gia đình khi vào con nước mỗi ngày kiếm hơn 1 triệu đồng là chuyện trong tầm tay, thậm chí có thời điểm một ngày lên đến 3-4 triệu đồng. “Con cua đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình”, anh Âu khẳng định.

Ðược tỉnh xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia đã nói lên hết vai trò và tầm quan trọng của con tôm trong nền kinh tế của địa phương. Thực tế cũng đang cho thấy điều đó khi năm 2023 diện tích nuôi tôm chiếm 40%, chiếm 22% về sản lượng và gần 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước khi mang về hơn 1 tỷ USD. Năm 2024, mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức từ nhiều phía, nhưng con tôm Cà Mau vẫn duy trì vị trí tốp đầu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Cà Mau đứng đầu về sản lượng tôm trong quý I năm 2024 với 56.509 tấn; trong đó, 22.942 tấn tôm sú và 33.567 tấn tôm thẻ chân trắng.

Mặc dù đã gặt hái không ít thành công, nhưng con tôm, cua trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang bước vào giai đoạn khó khăn mà nhiều người hay ví von là vào chặng đường “địa hình”. Ðể có thể về đích, tôm, cua cần vượt qua thách thức đến từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh từ năm 2021 đến tháng 7/2024. Ðồ họa: LÊ TUẤN

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh từ năm 2021 đến tháng 7/2024. Ðồ họa: LÊ TUẤN

Nguyễn Phú - Chí Diện

Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thay-doi-de-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-chu-luc-a34226.html
Zalo